Tỉnh Bình Định hiện có 13 bảo vật quốc gia đều là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ Chămpa. Trong đó, 8 bảo vật hiện trưng bày tại bảo tàng tỉnh, 5 bảo vật khác đang được lưu giữ ở các địa phương trong tỉnh.
Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn tháp Mẫm, niên đại giữa thế kỷ XIII, phát hiện năm 2011 tại phế tích tháp Mẫm thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn (nay là khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). Năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia . Ảnh: Trương Định. Chim thần Garuda phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa, thường thể hiện đầu thú (sư tử) mỏ chim, tay người, thân người, chân thú. Trong nghệ thuật tạo hình điêu khắc Chămpa, hình tượng Garuda thường gắn với thần Vishnu hoặc trong tư thế diệt rắn Naga. Ảnh: Trương Định.
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI, phát hiện năm 1992 tại thôn Bả Canh gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn). Năm 2024,hai bức tượng được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: Trương Định.
Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (một đực, một cái), niên đại nửa sau thế kỷ XII. Trong đó, tượng voi cái cao 176 cm, dài 220 cm, rộng 85 cm, có trọng lượng ước khoảng 750 kg, tượng voi đực cao 200 cm, dài 240 cm, rộng 100 cm, có trọng lượng ước khoảng 800 kg. Hai tượng voi thành Đồ Bàn được đặt đứng chầu trước cửa Vệ môn (thành Nội) thuộc Khu di tích Thành Hoàng Đế. Thành Hoàng Đế được nhà Tây Sơn xây dựng trên cơ sở kinh thành Đồ Bàn của Chămpa. Cặp tượng voi được công nhận bảo vật quốc gia năm 2023. Ảnh: A.C.
Bên cạnh các bảo vật qquốc gia, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định hiện còn trưng bày rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá từ thời Chămpa. Ảnh: Trương Định.