Một ngày tháng 10/1986, trong một buổi trà ngoại giao tiếp đón công chúa Elena của Tây Ban Nha, Thái tử Naruhito (nay là Tân Thiên hoàng Nhật bản), con trai cả của Nhật hoàng Akihito, vô tình nhìn thấy cô tiểu thư xinh đẹp Masako Owada (khi đó mới 22 tuổi) cùng cha mẹ đến dự tiệc.
Suốt cả buổi tiệc hôm ấy, vị Thái tử tuổi ấy không thể dời mắt trước vẻ ngoài xinh xắn cùng sự thông minh, trong sáng của nàng.
Naruhito đã lập tức trúng tiếng sét ái tình với Masako, có lần ông thừa nhận rằng nàng có thể "khiến cho người ta dễ chịu và quên mất khái niệm thời gian".
Trong bữa tiệc hôm đó, Hoàng gia Nhật đã sắp xếp mời khoảng hơn 30 cô gái được đánh giá là thông minh, xuất sắc, có tư chất nhất đến dự tiệc, thực chất là để hoàng thái tử Naruhito có điều kiện lựa chọn.
Tên tuổi của các cô gái này đã được lên thành một danh sách, kèm theo đầy đủ sơ yếu lý lịch. Masako Owada cũng có tên trong đó nhưng cái tên được ai đó thêm vào giờ chót bằng nét viết tay nguệch ngoạc.
Tuy nhiên, chẳng cần ai thêm vào thì thái tử cũng đã tự "đổ gục" trước vẻ đẹp của Masako.
Chân dùng nàng Masako - con gái của ông Hisashi Owada, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế - khiến Thái tử Naruhito mê đắm.
Sau ngày định mệnh ấy, Thái tử Naruhito đã dùng mọi cách để tìm ra thân phận của nàng thơ nhưng ông phát hiện ra rằng Masako là một thường dân, điều đó có thể gây cản trở.
Tuy nhiên, thái tử vẫn rất chân thành và chung thủy với tình yêu của mình nên cố gắng liên lạc, hẹn gặp mặt, tạo cơ hội để giới thiệu Masako với cả Nhật hoàng và Hoàng hậu.
Vị vua tương lai bắt đầu quyết tâm chiếm trọn trái tim nàng...
Masako là một cô gái thường dân nhưng điều đó thì sao chứ, chính mẹ của thái tử cũng xuất phát là một người phụ nữ bình thường, không mang một chút dòng máu "quý tộc" nào trong mình.
Đó sẽ là bước đệm để Naruhito cưới được người con gái chàng thương. Những tưởng mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió nhưng chính Thái tử Naruhito cũng không ngờ phải mất tới 6 năm ông mới rước được nàng về dinh.
Rào cản đầu tiên là từ phía công chúng, bởi khi người dân Nhật biết về mối quan hệ giữa Thái tử Naruhito và Masako, họ bắt đầu nổ ra những tranh cãi về ông ngoại của Masako - ông Yutaka Egashira, người từng là lãnh đạo một công ty dính líu đến bê bối xả chất độc vào nước.
Khó khăn thứ 2 xuất phát từ chính nàng Masako. Dù chưa một lần sống trong cung điện Hoàng gia nhưng hơn ai hết Masako hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của cuộc sống phía sau những bức tường thành vững chắc ấy.
Với Masako, việc trở thành công nương tương lai là một điều không mấy thú vị và đầy bất an, vậy nên, thay vì vui vẻ đón nhận tình cảm của vị hoàng đế tương lai, cô vẫn muốn theo đuổi sự nghiệp của riêng mình và 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử Naruhito dù hiểu rất rõ tấm chân tình của thái tử.
Sau khi từ chối lần cầu hôn đầu tiên của thái tử, Masako quyết định sang Anh học 2 năm ở Balliol College, Oxford, rồi trở về nước làm người chuyên viết diễn văn cho thủ tướng Nhật
Masako, mặc trang phục màu vàng, đến thăm Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, cùng với cha mẹ. Cha của bà , ông Hisashi Owada, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Bất chấp lời từ chối phũ phàng, thái tử vẫn tuyên bố nếu không cưới được Masako, ông sẽ không cưới bất kì một ai khác.
Cục Quản lý Hoàng gia (Kunaicho) cũng thúc giục Thái tử Naruhito cưới cô gái khác làm vợ và tìm nhiều mối tốt hơn nhưng thái tử vẫn quyết tâm chờ đợi cái gật đầu từ nàng Masako.
5 năm trôi qua, Thái tử Naruhito lại tiếp tục ngỏ lời cầu hôn nhưng câu trả lời ông nhận được vẫn là cái lắc đầu.
Trước sự quyết tâm của Thái tử, Kunaicho phải cử người vận động cha mẹ Masako thuyết phục con gái lấy Thái tử Naruhito.
Năm 1992, sau những lời khuyên bảo từ cha mẹ, cuối cùng người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã gật đầu chấp thuận lời cầu hôn lần thứ 3 với lời thề sắt son của Thái tử: "Có thể em lo sợ khi về làm dâu hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời, bằng tất cả khả năng của mình".
Không giống như những cái gật đầu làm vợ chàng trai thường dân nào đó, Masako gật đầu đồng nghĩa với việc cô chấp nhận làm nàng dâu của Hoàng gia Nhật, rũ bỏ cuộc sống thường dân để chịu sự ràng buộc khắt khe của vương triều có 2.600 năm lịch sử.
Cuối cùng, tình yêu thủy chung, sâu sắc của Thái tử Naruhito cùng với sức ép từ phía gia đình đã khiến cho người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đồng ý từ bỏ sự nghiệp còn dang dở của mình để trở thành Công nương của Nhật bằng một đám cưới giản dị vào ngày 9 tháng 6 năm 1993.
Đám cưới của cặp đôi diễn ra trong sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân.
Đúng thế, người ta hoàn toàn có lý do chính đáng cho tất cả sự phấn khích ấy bởi Masako là người phụ nữ thông minh, thành đạt nhất từng kết hôn với thành viên Hoàng gia Nhật.
Trước khi lễ cưới diễn ra, Thái tử phi Masako được cho là phải trải qua một lớp học kéo dài 62 tiếng đồng hồ về những quy chuẩn như cách đi bộ, cách cúi chào đúng phong thái của Hoàng gia.
Sau lễ cưới không xe ngựa hay đoàn tùy tùng, không tặng phẩm và không tuần trăng mật ấy, Thái tử Naruhito cùng Thái tử phi Masako đã có cuộc sống hôn nhân khá êm đềm, hạnh phúc.
Người ta vẫn thấy Masako xuất hiện trong sự kiện ngoại giao, bà tự tin ngồi giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tại quốc yến thiết đãi lãnh đạo nhóm G7.
Bà trò chuyện bằng tiếng Anh với ông Clinton, tiếng Nga với ông Yeltsin và tiếng Pháp với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand.
Thái tử và Thái tử phi cũng cùng tham gia các chuyến đi đáng nhớ, như ghé thăm Trung Đông hai lần vào năm 1994 và 1995, tham dự đám cưới của Thái tử Bỉ vào năm 1999.
Cứ ngỡ rằng dù bước chân vào gia đình hoàng gia đầy lễ giáo nhưng Masako vẫn sẽ được phát huy tài năng của mình nhưng cuối cùng người ta lại phải thất vọng tràn trề khi bà trở thành một "con chim hoàng yến bị giam trong lồng sơn son thếp vàng".
Vị công nương trầm cảm, sóng gió vẫn có chồng bên cạnh
Trong 3 năm đầu sau khi kết hôn, người ta rất hiếm khi thấy Công nương Masako rời khỏi Hoàng cung, bà chỉ được về thăm cha mẹ 5 lần.
Bà phải nộp lại hộ chiếu cho Cục quản lý Hoàng gia Nhật, tất cả mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ và bị cấm tiết lộ đời sống riêng tư với báo giới.
Chưa hết, ngay sau ngày kết hôn, Masako đã mất quyền công dân và bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử.
Ai cũng biết rằng Hoàng gia Nhật có những lễ nghi nghiêm khắc và Công nương Masako không được tự do quyết định chuyện gì.
Bà luôn phải mặc lễ phục Hoàng gia gồm 6 áo kimono nặng đến 20kg và phải thay trang phục cũng như lựa chọn màu áo theo quy định.
Bà chỉ được cất lời nếu chồng cho phép, khi muốn ra phố phải được đồng ý trước 15 ngày và tuyệt đối không được đi một mình.
Bên cạnh đó, áp lực lớn nhất đè nặng lên vai Công nương Masako là phải sinh quý tử nối dõi.
Năm 1999, sau 6 năm kết hôn, bà mới mang thai nhưng lại bị sảy và mãi đến tháng 12/2001, bà mới sinh hạ được cô con gái đầu lòng là Công chúa Aiko.
Cuộc sống nghiêm ngặt trong cung cấm, nhất là không thể sinh hoàng nam để sau này nối dõi đã khiến Công nương Masako rơi vào tình trạng trầm cảm.
Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Thái tử Naruhito và Công nương Masako.
Cuộc sống tù túng lại phải đối mặt với căn bệnh khó chữa, Masako dường như không còn điểm tựa nào nữa nhưng may mắn bà vẫn còn có chồng bên cạnh.
Thái tử đã giữ đúng lời hứa năm xưa, ông luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ người vợ mà báo chí gọi là "Vương phi u sầu".
Thái tử Naruhito từng vấp phải rất nhiều lời chỉ trích và khiển trách từ Hoàng gia Nhật vì công khai chuyện vợ mình đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm vào năm 2004.
Ông cho rằng sự khắc nghiệt và áp lực của cuộc sống Hoàng gia đã "tàn phá" cá tính và sự năng động vốn có của Công nương Masako.
Năm 2004, Thái tử Naruhito thậm chí còn gây bất hòa với cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động Hoàng gia vì cho rằng họ đã "chối bỏ sự nghiệp và tính cách" của Công nương Masako.
Năm 2008, ông đã trực tiếp lên tiếng bày tỏ mong muốn người dân Nhật thấu hiểu và ủng hộ Công nương Masako trong lúc bà đang phải đấu tranh với chứng trầm cảm.
Thái tử cho rằng bà Masako đang nỗ lực hết sức với sự giúp đỡ của những người xung quanh. Thái tử biết vợ mình đã cố gắng làm mọi thứ có thể để thích ứng với môi trường Hoàng gia, và chính việc này thực sự khiến bà trở nên kiệt sức.
Thái tử từng nói: "Trong suốt 10 năm qua, Masako - người đã từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn cùng tôi - đã làm mọi điều có thể để thích ứng với môi trường hoàng gia.
Điều đó khiến cô ấy kiệt sức. Masako vẫn tiếp tục cố gắng hết sức để trợ giúp những người xung quanh mình".
Vợ chồng Thái tử Naruhito tiếp đón vợ chồng Thái tử Charles (Anh quốc).
Trong buổi lễ kỉ niệm đám cưới bạc vào ngày 9/6/2018, Thái tử Naruhito nói Vương phi Masako xứng đáng nhận được huy chương bạc vì sự ủng hộ của bà dành cho mình suốt những năm qua.
Phát biểu trước báo giới về trọng trách sắp tới trên cương vị nhà vua, Thái tử Naruhito giãi bày: "Tôi muốn hoàn thành những nghĩa vụ của mình bằng cách gần gũi với nhân dân, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với họ.
Thái tử phi sẽ không thể làm tất cả mọi việc ngay lập tức, trong khi những nghĩa vụ mới ngày càng nhiều thêm.
Tuy nhiên, cùng với những lời chúc tốt đẹp từ phía người dân và cân nhắc tình hình sức khỏe, cô ấy sẽ tiếp tục nỗ lực".
Sau tất cả, vị thái tử chung tình vẫn giữ trọn lời hẹn ước năm xưa: "anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời, bằng tất cả khả năng của mình".
Chẳng cần nói thì ai cũng hiểu khó khăn, sóng gió vẫn đang chờ đợi họ ở phía trước, thế nhưng, người ta vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng dù cho có bất kỳ chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì vị tân hoàng đế của nước Nhật vẫn sẽ nắm tay vợ đi đến đoạn cuối con đường...