Mới đây, các chuyên gia của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã được vinh danh trong một công trình sáng tạo khoa học về hệ thống trường bắn ảo huấn luyện bắn súng bộ binh. Đây là sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực này có các tính năng kỹ chiến thuật đáp ứng yêu cầu huấn luyện của Cục Quân huấn, Quân Bộ Tổng Tham Mưu, Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Công trình khoa học do nhóm tác giả Trung tướng Phạm Thế Long, Nguyên Giám đốc Học viện KTQS cùng các cộng sự: Đào Chí Thanh, Tạ Hữu Vinh, Cao Hữu Tình đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự và Trung tâm Công nghệ cao – Bộ Quốc phòng thực hiện.
Thử nghiệm hệ thống giải pháp trường bắn ảo. Ảnh nhân vật cung cấp
Giải pháp trường bắn ảo tích hợp các thiết bị phần cứng và phần mềm mô phỏng được sử dụng để huấn luyện bắn và bắn kiểm tra súng bộ binh nhằm tăng cường kỹ thuật ngắm, bắn cho bộ đội trước khi bắn đạn thật trên thao trường.
Hệ thống mô phỏng các đối tượng mục tiêu, thực địa trong môi trường 3D cho phép mô phỏng âm thanh, hình ảnh của quá trình tương tác thực - ảo, mô phỏng hiện tượng giật của súng tương tự như khi bắn đạn thật.
Trao đổi với Đất Việt, Trung tướng Phạm Thế Long, Nguyên Giám đốc Học viện KTQS cho hay: "Hệ thống trường bắn ảo do các nhà khoa học Việt Nam làm chủ công nghệ nên các yêu cầu huấn luyện đặc thù của Quân đội ta được đáp ứng tốt, linh hoạt trong thay đổi nội dung và bài huấn luyện theo yêu cầu thực tế của Việt Nam.
Việc thay đổi khu vực thao trường, điều kiệ huấn luyện cũng như nội dung các bài bắn được đáp ứng nhanh theo yêu cầu thực tế".
Hệ thống trường bắn ảo được lắp đặt trong nhà, có thể tổ chức tổng cộng là 9 bệ bắn hoạt động đồng thời, đảm bảo tốc độ bắn 300 phát/phút cho tất cả các súng.
Hiện nay, hệ thống huấn luyện bắn các loại súng được trang bị điển hình cho các đơn vị bộ binh như AK, CKC, K63, AR-15, K54, B40, B41, RPK, RPD, M79, SVD.
Mỗi hệ thống trường bắn ảo cho phép huấn luyện bắn đồng thời 9 người học. Với thời lượng sử dụng 8 giờ/ngày thì một ngày có thể huấn luyện tối đa khoảng 450 lượt người học. Như vậy, mỗi năm một hệ thống trường bắn ảo sẽ bảo đảm huấn luyện được hàng nghìn lượt người.
Theo Trung tướng Phạm Thế Long, trường bắn ảo không sử dụng đạn mà mô phỏng đường đạn bằng công nghệ laser nên tiết kiệm chi phí huấn luyện đáng kể và đặc biệt an toàn trong quá trình huấn luyện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi bắn đạn thật.
Hệ thống trường bắn ảo đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Cụ thể, với các tính năng tương đương hàng nhập khẩu, hệ thống trường bắn ảo được nghiên cứu, chế tạo trong nước chỉ có giá thành bằng 1/8 – 1/6 giá thành nhập khẩu sản phẩm của nước ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống trường bắn ảo giúp giảm chi phí huấn luyện bộ binh. Trên cả nước, hàng năm, số lượng lượt người tham gia huấn luyện bắn súng bộ binh rất lớn.
Sử dụng công nghệ mô phỏng có thể dễ dàng thực hiện việc huấn luyện bắn, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng mỗi năm (chỉ tính riêng khoản đảm bảo đạn), chưa kể việc giảm bớt chi phí cho đảm bảo an toàn trường bắn, vận chuyển, hậu cần ăn ở cho nhiều người với thời gian chuẩn bị dài ngày cho mỗi cuộc bắn đạn thật.
Hiện nay, hệ thống Trường bắn ảo đã và đang được triển khai phục vụ huấn luyện cho bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ và cả đối tượng Học sinh, sinh viên và công chức nhà nước trong chương trình giáo dục Quốc phòng toàn dân.
Tính đến thời điểm này đã triển khai trên 60 trung tâm, mỗi Trung tâm cùng một lứa huấn luyện được 9 súng, các loại súng huấn luyện có thể là K54, CKC, SVD, RPD, RPK, B40, B41, AR15, M79 …) với các bài bắn cơ bản cho từng loại súng.
Bên cạnh những thành công mà hệ thống này mang lại, Trung tướng Long cũng cho rằng, trên thực tế Trường bắn ảo không thể thay thế được toàn bộ nội dung huấn luyện.
"Việc tổ chức bắn đạn thật cho mỗi loại đối tượng huấn luyện khác nhau vẫn là nội dung không thể thiếu để kết quả huấn luyện đáp ứng 100% yêu cầu đặt ra", Trung tướng Long nói.
Chia sẻ về những trở ngại mà nhóm nghiên cứu Học viện KTQS từng gặp phải trong việc xây dựng hệ thống Trường bắn ảo, Trung tướng Long cho biết:
"Ban đầu, nhóm nhà khoa học gặp nhiều khó khăn từ sự thiếu ủng hộ của đội ngũ vì tính khả thi rất thấp điều kiện vật chất, công cụ kỹ thuật và vốn đầu tư cho quá trình nghiên cứu, chế thử và tích hợp thử nghiệm giải pháp cũng hạn chế".
Thời gian cũng cạnh tranh vì cùng thời gian nghiên cứu, chế thử và tích hợp thử nghiệm giải pháp cũng trùng với thời gian các nhóm sản phẩm tương tự đã được chào mời từ nước ngoài. Một lý do nữa là việc các thành viên trong nhóm không thể chuyên tâm cho công trình nghiên cứu mà mỗi người có có những nhiệm vụ khác cũng chiếm phần lớn thời gian.
Hệ thống huấn luyện được mô phỏng như mô hình thật.
Trung tướng Long cũng tiết lộ, một trong những hạn chế đang được nhóm nghiên cứu cải tiến là công nghệ tạo giật bằng khí nén, có dây cho một số loại súng.
Trong tương lai, nhóm các nhà khoa học say mê nghiên cứu sáng tạo cho biết quyết tâm tiếp tục nghiên cứu thiết kế và chế tạo sản phẩm mô phỏng huấn luyện các loại vũ khí khác đang được trang bị trong Quân đội.
"Trước mắt tập trung vào dòng sản phẩm mô phỏng bắn vũ khí phòng không, các phương tiện vác vai bắn mục tiêu bay thấp trong tác chiến phòng không.
Trong tương lai, các vũ khí công nghệ cao mô phỏng sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả và đắc lực cho công tác huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị nên đây cũng là định hướng nghiên cứu lâu dài của nhóm giải pháp", Trung tướng Long bộc bạch.
Hệ thống trường bắn ảo huấn luyện bắn súng bộ binh được chọn là một trong 71 công trình sáng tạo khoa học vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam , Bộ Khoa học & Công nghệ và Liên hiệp hội các Hội KH-KT Việt Nam xét chọn vào Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016.