Tản mạn bóng đá: Sau tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi của cảm xúc

Minh Tuấn |

Tại sao chúng ta yêu bóng đá? Vì bóng đá mang tới cảm xúc. Nhưng cảm xúc được tạo ra từ đâu - từ những nghệ sỹ ngẫu hứng hay những bậc thầy chiến thuật?

Sự có mặt của Ryan Giggs và Paul Scholes tại Việt Nam khiến tác giả bất giác nhớ tới một người: Gary Neville. Anh là thành viên duy nhất của thế hệ 1992 đã thật sự bước chân vào nghiệp huấn luyện viên. Neville từng dẫn dắt Valencia.

Tản mạn bóng đá: Sau tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi của cảm xúc - Ảnh 1.

Anh tiếp cận sớm với những chiến thuật. Trên tờ FourFourTwo, Neville đứng hẳn một chuyên mục chuyên phân tích chiến thuật. Anh cũng là khách mời quen thuộc của Sky Sports trước những trận đấu lớn. Trên tư cách một chuyên gia, một cựu cầu thủ, Neville phân tích về chiến thuật như một nghệ sỹ chơi với sa bàn.

Thời còn làm HLV Valencia, Gary bài bản tới mức yêu cầu BLĐ đội bóng lắp camera quan sát các cầu thủ. Rồi anh ngồi tỉ mẩn xem lại cách di chuyển, cách chạy chỗ của các học trò, đưa ra giáo án và lối chơi hợp lý nhất.

Nghe thì có vẻ Neville đã chuẩn bị tất cả để trở thành một HLV thành công.

Tản mạn bóng đá: Sau tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi của cảm xúc - Ảnh 2.

Thế nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn. Mối lương duyên giữa Neville và Valencia chỉ kéo dài 3 tháng. Anh dẫn dắt CLB được 28 trận thì thua tới 11, hòa 7 (tỷ lệ thắng chỉ là 35%). Dù xuất thân là một hậu vệ và cũng nghiên cứu rất sâu về nghệ thuật phòng ngự, nhưng Gary cũng không tài nào nghĩ ra cách bảo toàn mành lưới cho Valencia. Trong 28 trận đấu dưới thời Gary Neville, Los Che thủng lưới tới… 38 bàn.

Cuối tuần qua, Arsenal bất ngờ đánh bại Tottenham 2-0. Pháo thủ chơi trên chân hoàn toàn trong 90 phút. Thật khó tin là CLB vừa hạ Real Madrid tới 3-1 tại Champions League, khi về Premier League lại thua lấm lưng trắng bụng trước một đội bóng như Arsenal.

Khôi hài ở chỗ: Trước thềm trận đấu, Jamie Redkapp có tham gia bình luận trên BT Sport. Khi nhìn thấy HLV Arsene Wenger đưa tên Mesut Ozil vào đội hình xuất phát, Jamie phán xanh rờn: Có Ozil thì Arsenal không đời nào thắng được. Thế rồi anh phân tích chuyện Ozil không biết phòng ngự, chuyện Ozil không hợp với thế trận phản công.

Tản mạn bóng đá: Sau tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi của cảm xúc - Ảnh 3.

Nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn. Ozil là cầu thủ hay nhất trận Arsenal – Tottenham. Anh chạy như ngựa cả trận, vừa là cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn nhất và cũng đồng thời là người có nhiều pha tăng tốc nhất.

Vài giờ sau trận Arsenal – Tottenham, Man Utd tiếp đón Newcastle trên sân Old Trafford. BT Sport lại mời một vài chuyên gia và họ lại dựa trên năng lực chuyên môn của mình phân tích rằng, Newcastle sẽ không tài nào tung nổi cú sút nào về phía khung thành Man Utd.

Vì sao? Vì Newcastle là CLB có thành tích ghi bàn kém nhất trên sân khách mùa này, còn Man Utd lại là đội bóng duy nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu chưa thua một bàn nào trên sân nhà. Rốt cuộc ngay phút thứ 14, Newcastle đã ghi bàn. Cho dù Chích Chòe không tránh khỏi một trận thảm bại, nhưng rõ ràng, những nhận định đầy hơi thở chuyên môn của các chuyên gia tiếp tục sai.

Tản mạn bóng đá: Sau tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi của cảm xúc - Ảnh 4.

Thế mới thấy, câu chuyện chiến thuật, thống kê này nọ trong bóng đá, nghe thì rất cao siêu, nhưng tầm quan trọng của nó tới kết quả một trận đấu thì vô cùng… hên xui. Ai mà đoán được một cầu thủ lười biếng như Ozil bỗng dưng lại chăm chỉ bất thường trước Tottenham?

Chiến thuật của Gary Neville có cao siêu đến mấy mà các cầu thủ Valencia không có hứng đá thì cũng vô dụng. Hay như Jose Mourinho cũng vậy. Nói về chiến thuật ai qua nổi Người đặc biệt. Nhưng cùng chiến thuật đó, Chelsea vừa có thể vô địch Premier League, nhưng vài tháng sau lại rơi xuống vị trí tệ nhất trong kỷ nguyên Roman Abramovich.

Vấn đề không phải chiến thuật của Mourinho sai. Vấn đề là các cầu thủ Chelsea không còn cảm xúc với thứ chiến thuật đó nữa.

Tản mạn bóng đá: Sau tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi của cảm xúc - Ảnh 5.

Thời Pep Guardiola dẫn dắt Barca, ông chỉ việc tung Messi – Iniesta – Xavi ra sân là Barca thắng. Cảm xúc của bộ 3 này định đoạt tất cả. Và cũng ít ai biết rằng trong 3 năm cuối sự nghiệp, Sir Alex Ferguson thực tế đã trao toàn quyền điều khiển Man Utd cho trợ lý của mình. Ông không còn nghĩ ra chiến thuật gì cao siêu nữa. Tất cả tùy thuộc vào cảm hứng của các học trò. Họ đá vì Sir nên dù con người có kém, chiến thuật có thiếu trơn tru, Quỷ đỏ vẫn cứ thắng.

Sau khi Sir nghỉ, Man Utd dù được bơm tiền tăng cường toàn sao trong đội hình nhưng mãi không thành công như xưa một phần do là người ta vẫn đang cố gắng biến Quỷ đỏ thành một cỗ máy thay vì một nghệ sỹ.

Sau tất cả, bóng đá thực tế vẫn là một trò chơi của cảm xúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại