Sau đó đến cơn sốt Trái tim mùa đông, cũng đầy đường đầy chợ Sài Gòn. Gương mặt nhàu nhò đau khổ của Don Hồ hoàn toàn tương thích với giọng hát và bài hát: “Suốt đời anh, vẫn mãi là người đến sau”.
Thập kỷ 90, ca sĩ-nhạc sĩ Jimmi Nguyễn lần đầu về nước biểu diễn khi mới hai mấy tuổi. Jimmi ngày ấy cung cách điệu đàng, hơi khoa trương. Những bài hát rất mùi và là lạ: Nhớ về em, Mãi mãi bên em... Nghe hay, nhưng không nghĩ sẽ thích lắm. Nhất là viết về em gái mà nghe như không hoàn toàn ruột thịt.
Cũng khoảng đầu thập kỷ 90 nghe Ngọc Lan (hải ngoại) thấy đúng là “Lan Seduxen”, ngọt ngào ru ngủ. Người xinh đẹp quyến rũ. Nhưng chỉ mở băng đĩa Ngọc Lan khi có tâm trạng.
Cho đến ngày nghe lại Mười năm tình cũ của Trần Quảng Nam qua giọng Chế Linh thấy thích thú thực sự chứ không chỉ nghe cho biết như xưa. Háo hức chờ ngày Chế Linh được cấp phép biểu diễn trong nước- Chế Linh hát bài này vẫn hay nhất.
Hồi đó vào quán xá, ngoài thực đơn thì có nhạc, ông bạn vàng gọi chủ quán, giọng chế giễu chỉ sang tôi: “Cho cô này một quả Chế Linh để cô ý yên tâm ăn uống”.
Dịp Tết nguyên đán cách nay mười mấy năm, cũng không biết sao đi siêu thị nào cũng thấy mở Duy Mạnh, nhất là Kiếp đỏ đen. Nghe thấy không khí nồng ấm, sum họp, “bài bạc” của Tết nhất.
Rồi càng lúc càng nhớ ra, từ bé đã giỏng tai nghe cha mẹ dì cậu hát “Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê”, “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu...”. Sau 1975, bé tí đã nghe Duy Khánh, Giao Linh, Lệ Thu... với sự tò mò thực sự. Và bây giờ, càng có tuổi càng thấy Ngọc Lan, Jimmi Nguyễn, Chế Linh... từng “hot” là phải.
Mỗi tuổi mỗi giai đoạn của cuộc đời mỗi khác, tiền hậu bất nhất là chuyện thường. Và chẳng thấy mình hèn kém tí nào khi thích Bolero.
Cuộc vừa qua, mới nghe Đàm Vĩnh Hưng và Tùng Dương chao chát quanh Bolero, thấy mỗi người có cái lý của họ khi đứng ở góc độ ca sĩ mà phát biểu.
Và chỉ nên thế, chứ chẳng nên phát biểu hộ khán giả. Còn thách thức kiểu Lệ Quyên “hát thử một bài Bolero đàng hoàng xem, nhiều ai đó sẽ cúi rập bái phục, nhưng nếu bạn làm không nổi thì biết làm sao”, lại còn: “Có đầu tư 1 tỷ, Tùng Dương cũng không thể hát nổi một câu Bolero” (ca sĩ Hồ Quang Tám).
Nhiều ca sĩ khác cùng lên tiếng, nghe hơi ít chuyên môn mà có vẻ bức xúc vì bị động đến nồi cơm thì hơn. Dù sao cuộc tranh luận này là thú vị, nó còn hé lộ một sự phân biệt khác nữa trong giới biểu diễn. Âu cũng dễ hiểu.
2/Trên một tờ báo, GS.TS Ngô Tứ Thành, Viện Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra mấy loại giáo sư ở Việt Nam: Giáo sư chức danh (được nhà nước phong tặng, vinh danh); Giáo sư chức vụ (được cơ quan quản lý giáo dục cao nhất bổ nhiệm trong thời gian giảng dạy ở trường đại học), Giáo sư nghề nghiệp: Miền Nam trước 1975, giáo sư chỉ là từ chỉ nghề nghiệp của người dạy học.
Theo GS.TS Thành, do lịch sử để lại, hiện giáo sư vừa được dùng như chức danh vừa là chức vụ vừa chỉ nghề nghiệp. Và “nếu Ngọc Sơn phạm luật vì tự phong giáo sư âm nhạc thì rất nhiều cán bộ hưu hoặc không giảng dạy nhưng vẫn ghi danh thiếp là giáo sư cũng phạm luật”.
Ông khẳng định “Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam không phạm luật khi tặng bằng khen cho Ngọc Sơn, và nếu hội này thu hồi bằng khen của Ngọc Sơn mới là phạm luật”. Một lời giải thích có căn cứ, tháo dỡ được rắc rối cho Ngọc Sơn.
Vụ này, một nhà văn phát biểu “ai phong giáo sư cho Ngọc Sơn cần dập đầu xin lỗi cuộc đời này”, lại một sự căng thẳng không cần thiết.
Trong giới, Ngọc Sơn nổi tiếng biết nhiều ngoại ngữ, tự sáng tác bằng tiếng Anh. Ai đã xem cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ Chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1991 mà Ngọc Sơn đoạt giải Nhất (Thanh Lam đoạt giải Đặc biệt) mới thấy tài năng đặc biệt của anh.
Về sau, sự nghiệp của Ngọc Sơn phát triển theo chiều hướng đi xuống dù vẫn đầy người hâm mộ còn gia sản kếch xù. Một ca lạ trong giới biểu diễn. Vụ vừa qua thấy anh đúng là thích làm mồi cho dư luận, bị hư danh che phủ trong khi thực tài hẳn hoi. Trời không cho ai nhiều là thế.