Liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mới đây, ông Vũ Đình Luyện, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Cụ về, về đến tiến độ trả tiền, phía Tân Hoàng Minh cho biết, hiện vẫn đang thu xếp, gặp gỡ các đối tác nhận chuyển nhượng dự án.
Phía Tân Hoàng Minh mong muốn một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đang bị tạm giam có thể được tại ngoại để tham gia trực tiếp điều hành hoạt động của tập đoàn
Đặc biệt, thông tin gây chú ý khách hàng và dư luận khi ông Luyện cho biết: Để có thể nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư, chúng tôi rất mong một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đang bị tạm giam có thể được tại ngoại để tham gia trực tiếp điều hành hoạt động của tập đoàn.
“Sự có mặt của một số lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn như ông Đỗ Hoàng Việt, ông Đỗ Anh Dũng trong việc điều hành hoạt động kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng vào quá trình thu xếp tài chính để hoàn trả nhà đầu tư” - ông Luyện cho biết.
Trước thông tin phía Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin cho Chủ tịch Đỗ Anh Dũng được tại ngoại, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tân Hoàng Minh là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can là có căn cứ, đúng pháp luật.
Luật sư Tiền cũng chỉ ra: Trong thời hạn thực hiện hoạt động tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam.
Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh tuỳ trong từng trường hợp cụ thể.
Cũng theo luật sư Tiền, vụ án Tân Hoàng Minh đang trong giai đoạn điều tra, nhiều nội dung diễn biến phức tạp, liên quan đến nhiều người nên việc đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can ở thời điểm này là rất khó có thể được cơ quan tố tụng chấp nhận.
Đồng quan điểm với luật sư Tiền, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thông tin thêm: Mặc dù với những trường hợp kết quả điều tra đã, lời khai của các bị can đã đầy đủ, xét thấy không cần thiết phải tạm giam nữa lúc này cơ quan điều tra có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Song với lý do doanh nghiệp không có người điều hành, khó khăn trong công tác quản lý, thì đây không phải lý do để thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Vẫn theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, yêu cầu của doanh nghiệp trong trường hợp này sẽ khó có căn cứ để cơ quan tố tụng chấp nhận thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can.
Theo quy định của luật doanh nghiệp, điều lệ của doanh nghiệp, khi người đại diện theo pháp luật chết, bị bắt, sẽ quy định cấp phó, những chức danh khác thay thế làm người đại diện theo pháp luật.
Trong trường hợp tất cả những người được dự kiến là người đại diện theo pháp luật thay thế đều bị bắt, đại diện sở hữu vốn của doanh nghiệp là đại hội đồng cổ đông, hội nghị thành viên góp vốn sẽ tiến hành họp để bầu ra, cử ra người đại diện theo pháp luật.
Về nguyên tắc chung, để ai là người quản lý trực tiếp doanh nghiệp sẽ do chủ sở hữu vốn quyết định, trên cơ sở điều lệ của doanh nghiệp hoặc nghị quyết của hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên.