Trong bản lý lịch của chủ tịch Tập Cận Bình - được đăng tải ngày 17/11/2017 với tiêu đề "Tập Cận Bình và thời đại của ông", hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã hé mở ở mức độ hiếm thấy về đời tư của nhà lãnh đạo này.
Theo Reuters, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền sau Đại hội khóa VXIII của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, chính phủ Trung Quốc một vài lần công bố số ít thông tin cá nhân của ông, bao gồm hình ảnh cha, mẹ, phu nhân Bành Lệ Viện, và con gái Tập Minh Trạch thuở nhỏ.
Điều này được cho là nỗ lực xây dựng hình ảnh một lãnh đạo mà người dân "có thể tiếp cận", dẫn dắt hành trình phục hưng Trung Quốc, cũng như kiểm soát những thông tin về ông Tập.
Một tháng trước khi Tân Hoa Xã công bố bản lý lịch nổi bật trên, ông Tập Cận Bình đã đắc cử chức vụ tổng bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ hai tại Đại hội khóa XIX của đảng này, với quyền lực và địa vị lãnh đạo hạt nhân trong đảng được củng cố.
Ông Tập Cận Bình (giữa) cùng các ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa XIX (Ảnh: Xinhua)
Ông Tập bơi 1.000m mỗi lần
Trong bản lý lịch, Tân Hoa Xã hết lời ca ngợi ông Tập là "Người cầm lái không thể so bì" - tương tự với cụm từ "Người cầm lái vĩ đại" thường được sử dụng để đề cập lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Ngoài một số giai thoại đã được truyền thông nhà nước giới thiệu trước đây - như chuyến "vi hành" ở các phố cổ Bắc Kinh trong giai đoạn thành phố này gặp khủng hoảng vì ô nhiễm sương mù, nhiều thông tin mới đã được Tân Hoa Xã hé lộ.
Theo hãng tin này, ông Tập tự mình xem xét tất cả các tài liệu chính sách then chốt và đọc kỹ từng câu văn.
"Các nguồn tin thân cận với ông Tập nói với Tân Hoa Xã rằng tất cả báo cáo được gửi đến, bất kể là đêm muộn ra sao, đều được chuyển lại vào sáng hôm sau với các chỉ thị đưa ra."
Tiết lộ về sức khỏe của ông Tập, Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo Trung Quốc yêu thích thể thao, gồm bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền và đấm bốc. Ông Tập cũng dành ra thời gian trong lịch trình bận rộn để bơi 1.000m mỗi khi có dịp.
Lý lịch cũng đề cập "khoảng thời gian khó khăn" mà ông Tập Cận Bình trải qua khi cha ông là Tập Trọng Huân trở thành nạn nhân trong "cuộc đàn áp chính trị" vào năm 1962 - được hiểu là thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.
Bức ảnh ông Tập đạp xe cùng con gái khi còn làm việc ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Ảnh: Xinhua)
Con đường "không bằng phẳng"
Cũng theo Tân Hoa Xã, ông Tập nhớ lại chuyện thời 5-6 tuổi, khi ông được mẹ mua cho những cuốn truyện tranh về Nhạc Phi - một tướng lĩnh quân sự thời Nam Tống (1127-1279), và biết đến câu chuyện mẹ Nhạc Phi khắc chữ trên lưng con trai mình để nhắc nhở về nghĩa vụ với đất nước.
"Tinh trung báo quốc (phục vụ đất nước với tất cả lòng trung thành): Tôi luôn ghi nhớ 4 chữ này. Đó là mục tiêu theo đuổi cả cuộc đời tôi," Tân Hoa Xã trích lời ông Tập, cho biết ông từng 8 lần nộp đơn xin gia nhập đoàn Thanh niên và 10 lần xin gia nhập đảng, trước khi chính thức được vào đảng năm 20 tuổi.
Bên cạnh một số hé lộ về đời tư, Tân Hoa Xã nói cuộc chiến chống tham nhũng được phát động dưới thời ông Tập "không giống bất kỳ [chiến dịch chống tham nhũng nào] trong lịch sử 96 năm của ĐCSTQ".
Những quan chức quyền lực được đánh giá thâm căn cố đế đã "ngã ngựa" có cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, 2 cựu Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, và cựu Chánh văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch.
Tính đến tháng 11/2017, 43 ủy viên và ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ cùng 9 ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) đã bị điều tra. Ông Tập tuyên bố "Nếu không đả kích hàng trăm quan chức tham nhũng thì chúng ta sẽ đả kích chính 1.3 tỉ dân Trung Quốc".
Bác bỏ nghi ngại việc chống tham nhũng sẽ tác động đến phát triển kinh tế, ông Tập cho rằng "Bầu trời sẽ không sập xuống". Theo Tân Hoa Xã, con đường của chủ tịch Trung Quốc "không bằng phẳng", khi từ "đấu tranh" đã được ông nêu 23 lần trong báo cáo trước Đại hội XIX.