Tối 6/4 (giờ địa phương), theo lệnh Tổng thống , các tàu chiến Donald TrumpMỹ đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria.
Đây là lần đầu tiên sau khi ông Trump chính thức lên nhậm chức, Mỹ tiến hành tấn công vào mục tiêu quân sự của chính phủ Syria nhằm trả đũa cuộc tấn công vũ khí hóa học khiến hàng trăm dân thường thương vong hồi tuần trước - phía Mỹ cáo buộc do quân đội chính phủ Syria gây ra.
Tuy nhiên, một số ý kiến đặt nghi vấn tại sao Washington lại hành động quá nhanh như vậy khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới đang tiến hành thảo luận hành động đối phó trước sự kiện tấn công vũ khí hóa học này.
Theo Thiệu Kiệt - phóng viên hãng thông tấn xã nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, động thái trên của Nhà Trắng mang ba hàm ý sâu xa.
Tổng thống Trump cho rằng cuộc tấn công phục vụ "lợi ích an ninh quốc gia tối quan trọng" của Mỹ và lên án chính quyền Assad đã tàn sát dân thường Syria một cách dã man. (Ảnh: Getty)
Thứ nhất, Tổng thống Trump mong muốn chứng minh hình tượng "nhà lãnh đạo cứng rắn", tách khỏi những tin đồn "thân Nga".
Kể từ khi Trump bước vào Nhà Trắng đến nay, mọi sáng kiến cải cách của ông đều gặp rất nhiều trở ngại, ví như việc ban hành lệnh nhập cư. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa ông và điện Kremlin vẫn luôn nhận được nhiều bình luận trái chiều từ truyền thông và các nhóm đối lập.
Quyết định tấn công tên lửa vào mục tiêu quân sự của chính phủ Syria lần này dường như có liên quan đến mong muốn tách khỏi tin đồn "thân Nga" của ông chủ Nhà Trắng, Thiệu Kiệt bình luận.
Thứ hai, động thái này chứng tỏ lập trường cứng rắn của Trump đối với vấn đề tấn công vũ khí hóa học tại Syria cũng như "tránh giẫm vào vết xe đổ của người tiền nhiệm".
Cựu Tổng thống Barack Obama từng đưa ra lằn ranh đỏ với Syria, cảnh cáo chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không được sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, sau cuộc tấn công vũ khí hóa học xảy ra tại Đông Guta hồi năm 2013, chính quyền cựu Tổng thống Obama không đưa ra bất cứ động thái nào. Khi đó, truyền thông Mỹ đã chỉ trích ông Obama "quá mềm yếu" trong vấn đề Syria.
Hiện nay, sau khi vụ tấn công vũ khí hóa học lại một lần nữa phát sinh ở Syria, Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích, nhận định sự kiện này "đã phá vỡ nhiều lằn ranh đỏ". Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng cho rằng, nếu Hội đồng bảo an bỏ qua vụ tấn công vũ khí hóa học lần này, Washington sẽ độc lập hành động.
Thứ ba, Tổng thống Mỹ muốn dùng hành động quân sự để chứng minh Mỹ không bị "ra rìa" trong vấn đề Syria.
Hơn năm qua, dưới sự ủng hộ của Moscow, quân đội của chính phủ Syria đã phát động nhiều cuộc tấn công lớn mạnh, không ngừng phản công, giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo từ tay lực lượng đối lập.
Đặc biệt, với sự tham gia của Nga, thỏa thuận ngừng bắn song phương sẽ phát huy vai trò ở một trình độ nhất định.
"Rõ ràng, Mỹ không muốn nhìn thấy cục diện Syria sẽ do chính phủ nước này và Nga nắm quyền chủ đạo", phóng viên Tân Hoa Xã nhấn mạnh.
Theo Thiệu Kiệt, việc sử dụng các máy bay chiến đấu hiện đại và tên lửa hành trình phát động các cuộc tấn công vào các nước khác là phương thức quen thuộc của Nhà Trứng nhằm truyền tải thông điệp chính trị cứng rắn.
Đáng chú ý, sau khi đạt được mục đích chính trị, Washington sẽ không thực hiện các hành động quân sự tiếp theo.
"Rất khó nhận định, hành động tấn công bất ngờ vào Syria lần này có phải là sự lặp lại kịch bản hay không. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp tại Syria hiện nay, đợt tấn công này không chỉ ảnh hưởng xấu tới tiến trình giải quyết khủng hoảng Syria, thậm chí còn khiến tình trạng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn", ông Thiệu kết luận.