Tuy nhiên, tổ hợp tiên tiến nhất trong số đó – hệ thống phòng không S-400 – lại "im hơi lặng tiếng".
Và mặc dù các hệ thống phòng không lỗi thời của Syria đã bắn ra một số tên lửa đánh chặn nhưng là sau khi tên lửa của liên quân đã đánh trúng mục tiêu (theo tuyên bố của Lầu Năm Góc).
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/4 sau vụ không kích, Trung tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Kenneth McKenzie, trưởng ban tham mưu liên quân của Lầu Năm Góc cho biết các hệ thống phòng không Nga đã được kích hoạt, chúng quét mục tiêu và ở trong trạng thái phòng không, nhưng không tiến hành đánh chặn.
Một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời, đó là Nga lựa chọn không khai hỏa S-400 hay đơn giản là họ không thể, bởi khả năng tấn công phi động năng của Mỹ đã có ảnh hưởng nhất định tới các hệ thống đó, hay vì một số lý do nào khác?
Xét tới việc Lầu Năm Góc đã báo trước cho Nga về vụ tấn công và việc không hệ thống phòng không nào của Nga trở thành mục tiêu của cuộc không kích thì các nhà phân tích đang nghiêng về giả thuyết đầu tiên: Nga lựa chọn không khai hỏa.
Ông Anton Lavrov, chuyên gia phân tích năng lực và tư duy quân sự của Nga cho rằng, sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa nếu liên quân tấn công các hệ thống phòng không của Nga, bởi "tổ hợp S-400 tại Syria không thể mang lại nhiều sự khác biệt. Có quá ít bệ phóng để đánh chặn được tất cả hay chí ít là một phần lớn trong hơn 100 tên lửa của liên quân".
Song, chính vì S-400 không đánh chặn mục tiêu nên theo chuyên gia Tom Karako tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Mỹ khó có thể rút ra được những kết luận chắc chắn về mạng lưới phòng không của Syria từ vụ tấn công.
"Chúng ta nên tránh đưa ra bất kỳ kết luận chắc nịch hoặc quá lạc quan nào về khả năng vô hiệu hóa S-400", ông Karako nói, "chúng ta không rõ các phương thức phòng thủ thụ động của họ là gì".
Ngoài ra, cũng chính vì S-400 chỉ nằm im nên Mỹ sẽ khó có khả năng sử dụng cuộc không kích này như bằng chứng để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh trong khối NATO không nên mua hệ thống của Nga.
Đối với Mỹ, họ dường như không rút ra được nhiều kết luận về S-400 thông qua cuộc không kích vào Syria, tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Nga là bên có vẻ đã thu được nhiều thứ.
"Nếu tôi là Nga, và tôi biết các vị đang tiến đến thì tôi sẽ đứng trước một lựa chọn – Cho các vị thấy rõ năng lực của tôi, hay sẽ án binh bất động, chờ thời cơ?", ông Karako đặt câu hỏi.
Theo ông Karako suy đoán, Moscow đã chọn phương án thứ hai.
Đồng quan điểm này, ông Lavrov cũng cho rằng cuộc tấn công của liên quân vào Syria đã mang lại cho Moscow rất nhiều thông tin.
"Đây là cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để Nga quan sát tỉ mỉ cuộc tấn công quy mô lớn trong thực tế bằng tên lửa hành trình của NATO ngay từ loạt đầu tiên", ông Lavrov nói, "Và quân đội Nga sẽ thu được nhiều điều từ cuộc không kích này, như chiến thuật, đường bay, tín hiệu radar (của tên lửa tàng hình JASSM)…".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định cuộc không kích ở Syria đã thành công đánh trúng mọi mục tiêu, gây thiệt hại nhiều trang thiết bị, nguyên liệu liên quan đến vũ khí hóa học của nước này.