Ukraine dàn dựng kịch bản bị quân Nga ở Transnistria tấn công
Những diễn biến gần đây khiến nhiều người lo ngại cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ vượt ra ngoài biên giới hai nước, gây ra một điểm nóng mới ở Moldova, nằm sát biên giới phía đông của NATO.
Ngày 24/02, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin trên kênh Telegram của mình rằng, chính quyền Kiev đã tăng cường chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Cộng hòa Moldova Pridnestrovie tự xưng (PMR, còn gọi là Transnistria) và chỉ trích điều này sẽ gây ra mối đe dọa đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang đồn trú trong vùng lãnh thổ ly khai khỏi Moldova này.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, gần biên giới Ukraine-Pridnestrovie hiện nay có sự tập trung đáng kể nhân sự và thiết bị quân sự của Kiev. Từ việc triển khai pháo binh tại các vị trí khai hỏa đến sự gia tăng chưa từng có trong các chuyến bay không người lái của Lực lượng vũ trang Ukraine.
“Chính quyền Kiev đã tăng cường chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Cộng hòa Moldova Pridnestrovie. Như đã đưa tin trước đây, hành động này của lực lượng vũ trang Ukraine sẽ được thực hiện để đáp trả cuộc tấn công được dàn dựng là của quân đội Nga từ lãnh thổ Pridnestrovie" - tuyên bố nêu rõ.
Theo đó, các chiến binh từ tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa Azov cũng sẽ tham gia. Để tạo cớ cho cuộc tấn công, Kiev có kế hoạch dàn dựng một “cuộc tấn công của quân đội Nga” từ lãnh thổ của Cộng hòa Moldova Pridnestrovie, tức là binh sĩ Ukraine sẽ giả dạng quân đội Nga để tự gây ra các vụ tấn công vào lãnh thổ nước mình.
Bộ này cũng nhấn mạnh thêm, rằng việc thực hiện hành động khiêu khích này đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai tại Transnistria trên cơ sở pháp lý và các lực lượng vũ trang của Nga sẽ đáp trả đầy đủ hành động khiêu khích sắp xảy ra của phía Ukraine.
Trước đó, một cựu quan chức Ukraine là ông Alexei Arestovich, cựu cố vấn của Tổng thống Vladimir Zelensky cũng có những phát biểu mang tính khiêu khích trên kênh YouTube Mark Feigin rằng: “Nếu Moldova yêu cầu, Ukraine sẵn sàng chiếm Pridnestrovie trong 3 ngày”.
“Moldova là một quốc gia có chủ quyền và họ tự quyết định sẽ yêu cầu ai giúp đỡ. Nếu chính quyền Moldova yêu cầu, chúng tôi mới có thể giúp đỡ, chúng tôi có khả năng. Nó (chiếm Pridnestrovie) có thể được giải quyết trong 3 ngày” - ông Alexei Arestovich nói.
Vị cựu quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng, chính quyền Kiev có đầy đủ lý do để gửi quân đến Pridnestrovie. Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Tổng thống Moldova Maia Sandu đã đồng thanh cáo buộc Nga đang “gây bất ổn tình hình trong khu vực”.
Transnistria - “cái dằm Nga” trong lòng NATO
Transnistria là vùng đất rộng hơn 3.000km2 bên bờ đông sông Dniester. Về thành phần dân tộc, sinh sống ở đây phần lớn là cư dân Nga, Moldova, Ukraine nên ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Nga và mang đậm bản sắc văn hóa Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Ngay sau đó, Moscow đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến hỗ trợ những người ly khai thân Nga.
Từ sau “Chiến tranh Transnistria/Pridnestrovie” 1992 đến năm 2014, có khoảng 1.400 binh sĩ Nga luân phiên đóng quân tại đây, so với hạn ngạch là tối đa 1500 quân. Ngoài ra, còn có một số quân nhân Pridnestrovie, Moldova, cũng như một số quan sát viên quân sự Ukraine, được triển khai tại 15 đồn cố định và trạm kiểm soát, bố trí tại các địa bàn then chốt trong vùng.
Tuy nhiên, kể từ sau Maidan 2014, với sự sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và việc 2 tỉnh Donbass tuyên bố tách khỏi Ukraine và thành lập 2 Nhà nước ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), tình hình Pridnestrovie cũng phát sinh biến động phức tạp.
Lãnh đạo và dân chúng nước cộng hòa này đã không ít lần bày tỏ nguyện vọng được sáp nhập vào Nga. Liên tiếp những năm sau đó, việc giới lãnh đạo Moldova đang có ý định ngả sang NATO, bất chấp nhân dân bày tỏ ý nguyện xây dựng đất nước theo đường lối trung lập, lại càng hun đúc quyết tâm sáp nhập vào Nga của lãnh đạo và nhân dân PMR.
Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi nước này thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU và ngả sang NATO. Mối quan hệ song phương xấu thêm từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, đồng thời, tình hình Transnistria cũng trở nên vô cùng căng thẳng. Các vụ nổ súng, nổ bom liên tiếp nổ ra kể từ tháng 5/2022.
Theo Tổng thống tự xưng của PMR là ông Vadim Krasnoselsky, các vụ nổ là hành động khiêu khích liên quan đến Ukraine từ vùng Odessa. Về phần mình, Phó Thủ tướng Moldova về Tái hòa nhập Oleg Serebrian nói rằng, lý do của những vụ việc này là do sự đối đầu trong chính nội bộ PMR.
Trong những tuần qua, tình hình xung quanh Transnistria càng leo thang nghiêm trọng. PMR đang nằm kẹp giữa các nước đồng minh và đối tác của NATO như Moldova, Ukraine, Romania… nên các cuộc chuyển quân của NATO xung quanh vùng lãnh thổ này lại càng được chú ý hơn.
Từ phía tây, các đơn vị NATO đang tiến về biên giới của Moldova, trong khi một số cựu quan chức Ukraine tuyên bố sẵn sàng đột nhập vào lãnh thổ Transnistria để mở mặt trận thứ hai và bắt giữ các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đang triển khai trong khu vực.
Nếu Ukraine phong tỏa Transnistria, Nga sẽ đánh chiếm Odessa?
Tổng thống Moldova Maia Sandu đầu tháng này cáo buộc Điện Kremlin muốn kích động bạo lực tại Moldova để lật đổ chính quyền của bà, thay thế bằng nhóm cầm quyền thân Nga.
Ngược lại, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là “những thông tin hoàn toàn vô căn cứ”.
Điện Kremlin nói rằng mối quan hệ của Nga với Moldova hiện nay rất căng thẳng, cáo buộc Kishinev đang theo đuổi chương trình nghị sự chống Nga, hòa điệu với NATO.
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hồi sắc lệnh năm 2012 vốn cam kết tìm cách giải quyết vấn đề Pridnestrovie “dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tình trạng trung lập của Cộng hòa Moldova”, tức là ủng hộ Kishinev trong việc giải quyết tương lai của Transnistria.
Mặc dù Moscow vẫn nói rằng, việc hủy sắc lệnh không đồng nghĩa Tổng thống Nga từ bỏ sự tôn trọng chủ quyền của Moldova, nhưng rõ ràng là Moscow đang dự trù cho những tình huống xấu nhất là NATO sẽ thúc đẩy Ukraine, Moldova vây hãm, thậm chí tấn công nhóm quân Nga ở PMR.
Theo giới phân tích, nếu quân Nga ở Transnistria bị tấn công hoặc bị phong tỏa gắt gao thì Nga có thể sẽ mở chiến dịch quân sự đánh chiếm Odessa, thành phố cảng bên bờ Biển Đen có một triệu dân sinh sống, nằm sát biên giới Romania, Moldova và đặc biệt là Transnistria.
Odessa nằm cách Transnistria khoảng 70 km. Thành phố cảng tây nam Ukraine chính là “điểm chốt” cắt đứt con đường tiếp vận trên bộ và trên không của Nga tới Transnistria.
Trước đây, Nga đã vận chuyển hàng tiếp tế và luân chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của họ tới Transnistria bằng 2 tuyến đường, một là gồm đường bộ hoặc đường không qua Ukraine, hai là đường không qua Moldova tới sân bay ở Tiraspol, thủ phủ của Transnistria.
Tuy nhiên, tuyến đường trên bộ và đường không qua Ukraine hiện đã bị đóng cửa, sau khi Ukraine quyết định ngăn chặn lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đi qua lãnh thổ của họ kể từ tháng 6/2014.
Trong khi đó, tuyến đường hàng không qua Moldova cũng có thể bị cắt đứt nếu chiến sự bùng phát hoặc gia tăng căng thẳng ở khu vực này.
Khi đó, để đến Transnistria, các máy bay Nga từ căn cứ không quân gần nhất của nước này ở Crimea sẽ chỉ có con đường nhanh nhất và duy nhất là đi qua không phận Ukraine tại Odessa.
Do đó, nếu Ukraine quyết tâm dàn dựng kịch bản đổ vấy cho Moscow để bao vây hoặc tấn công quân Nga ở Transnisstria, Điện Kremlin chỉ có một cách là ra lệnh dốc toàn lực đánh chiếm Odessa, nối thông hành lang trên bộ, trên không tới vùng đất ly khai này.
Tái hiện vùng đất lịch sử Novorossiya của Đế quốc Nga?
Thành phố cảng Odessa ở phía tây nam, với vai trò là là một cảng quốc tế, một khu phức hợp kinh tế chính của Ukraine bên bờ Biển Đen, có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, chế xuất xăng, kim loại, hóa chất; mà còn cả trong lĩnh vực quốc phòng của Ukraine.
Thành phố này hiện là nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Hải quân Ukraine, cảng Odessa không chỉ là cảng chính của hải quân nước này mà còn là cảng duy nhất mà các tàu chiến NATO có thể ghé thăm và tiếp tế hậu cần.
Do đó, nếu mất thành phố này, Hải quân Ukraine coi như đã bị xóa sổ và Kiev mất quyền truy cập cả biển Azov lẫn Biển Đen.
Đối với Moscow, Odessa có đa số dân nói tiếng Nga, với bản sắc văn hóa Nga đậm đặc nên nó cũng giữ một vị trí đặc biệt trong tâm trí của người Nga. Khi Maidan Kiev nổ ra tháng 2 năm 2014, thành phố này cũng đã nổ ra các cuộc biểu tình đòi ly khai nhưng đã nhanh chóng bị chính quyền Kiev dập tắt.
Do đó, nếu quân Nga tấn công vào thành phố này thì người dân chắc chắn sẽ ủng hộ và Moscow sẽ có sự hậu thuẫn rất lớn để mở rộng lãnh thổ đang kiểm soát ở Ukraine, tái hiện vùng đất lịch sử Novorossiya (“Tân Nga”, New Russia) của Đế quốc Nga, bắt đầu từ phía tây nam là Transnistria, Odessa; chạy dọc theo bờ biển phía nam Ukraine gồm: Mykolaiv, Kherson, Crimea, Dnepropetrovsk; tới tận Zaporizhia, Donetsk ở đông nam; tiến lên Lugansk, Kharkiv (Kharkov) ở phía đông.