Cuộc đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ - người Kurd
Theo tờ DW (Đức), chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Đông Bắc Syria có thể gây đổ máu và bất ổn tiềm tàng khắp khu vực Trung Đông trong những năm tới.
Thổ Nhĩ Kỳ coi Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) là khủng bố do có liên quan tới đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK là lực lượng nổi dậy chống chính quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan liên tục cảnh báo sẽ hành động quân sự ở Đông Bắc Syria, khu vực mà người Kurd và các đồng minh Arab, Thiên chúa giáo địa phương sống ổn định trong khu vực tự trị. Việc người Kurd ở Syria thử nghiệm mô hình tự trị dân chủ theo đường lối của PKK được xem là một thách thức về chính trị và hệ tư tưởng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tay súng SDF trong một cuộc chiến với IS ở Raqqa, Syria năm 2017. Ảnh: The New York Times
Thổ Nhĩ Kỳ sợ những bước tiến của người Kurd ở Syria sẽ kích động cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra một “tiểu quốc” ở biên giới.
Kết hợp với sức mạnh quân sự, chính trị và lãnh thổ của người Kurd ở Syria, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể nắm lợi thế lớn trong "ván bài mặc cả" chính trị với phe trung hữu cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước nguy cơ đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ngăn chặn bước tiến của người Kurd ở Syria.
Hiện chưa rõ quy mô chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Syria, chỉ biết chiến dịch sẽ chia thành một số giai đoạn. Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập một vùng đệm sâu 32km và dài 480km trong lãnh thổ Syria để bảo vệ an ninh.
Ankara định dùng hành lang an toàn này để tái định cư khoảng một triệu trong tổng số 3,6 triệu người Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng đệm này có thể mở rộng vài kilomet bên trong Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai gần biên giới với Syria. Ảnh: Reuters
Với sự hỗ trợ của quân đội, Thổ Nhĩ Kỳ dự định phối hợp cùng nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do để phát động tấn công thực địa và kiểm soát lãnh thổ. Quy mô chiến dịch có thể bị ảnh hưởng sau khi quân đội Mỹ cho biết sẽ đóng cửa không phận Syria với máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được thực hiện chiến dịch quy mô lớn.
Về phần mình, người Kurd ở Syria cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn thanh trừng sắc tộc và sắp xếp dân số khu vực dọc biên giới. Ước tính có 1,8 triệu người Kurd ở Syria, trong đó một nửa sống ở vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất ở trên.
Phản ứng trước kế hoạch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, SDF tuyên bố quyết tâm bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá. SDF hiện có 60.000 tay súng. SDF cũng cảnh báo nếu phải giao chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ phải điều trở lại các tay súng và do đó không thể bảo vệ những khu vực đã giành được từ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngoài ra, khoảng 11.000 phần tử IS trong các nhà tù SDF có thể trốn thoát nếu hỗn loạn xảy ra. Chiến dịch sẽ đẩy hàng trăm nghìn dân thường phải chạy vào khu vực do SDF kiểm soát ở phía Nam và khu vực người Kurd ở Iraq. Chiến dịch cũng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc trong nhiều năm tới, khiến Ankara sẽ phải đối phó với cuộc nổi dậy lâu dài của người Kurd.
Khi chiến dịch quân sự diễn ra, SDF có thể gặp khó khăn trong việc đối phó với quân đội lớn thứ hai Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì địa hình ở Đông Bắc Syria là khu vực bằng phẳng.
Khi không thể chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, cách duy nhất còn lại của người Kurd là tìm đến Nga hoặc Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Dù muốn tự trị nhưng người Kurd chưa bao giờ chống lại chính quyền của Tổng thống al-Assad, thậm chí còn sát cánh với quân đội Syria trong một số cuộc chiến.
Phản ứng của Mỹ
Một căn cứ quân sự mà lực lượng Mỹ đóng quân ở Tel Arqam, Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Theo tờ New York Times, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria – vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS - trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump "thay đổi chính sách bằng quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria", động thái dường như là “đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch chống SDF.
Ngày 7/10, Tổng thống Trump nói ông sẽ rút Mỹ khỏi xung đột Syria vì “đã đến lúc để người khác trong khu vực… bảo vệ lãnh thổ của chính họ”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo “hủy diệt hoàn toàn kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu hành động quân sự ở Syria của nước này đi quá xa”.
Quyết định của Tổng thống Trump bị cả Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao và phần lớn Quốc hội Mỹ phản đối. Đa số muốn Mỹ duy trì hiện diện nhỏ ở Đông Bắc Syria để tiếp tục chống IS hoặc làm đối trọng với Iran và Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Erdogan về vấn đề ngày 6/10. Khoảng 100 tới 150 quân nhân Mỹ ở khu vực đó được rút về trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sẽ không rút hoàn toàn khỏi Syria. Tuy nhiên. các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ không ủng hộ hay tham gia chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Tổng thống Trump hồi tháng 12/2018 đã kêu gọi rút hoàn toàn lực lượng khỏi Syria, song chưa thực hiện do bị Lầu Năm góc, quan chức ngoại giao và tình báo cũng như đồng minh châu Âu và Trung Đông phản đối.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: The New York Times
Nhận định về các diễn biến trên ở Syria, ông Soner Cagaptay, Giám đốc Chương Trình Nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, cho rằng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị Mỹ phản đối sẽ cho phép Ankara xâm nhập vào một phần lãnh thổ người Kurd ở Syria và chứng tỏ Tổng thống Ergogan có ảnh hưởng với Tổng thống Trump trong chính sách Syria. Ông Cagaptay cho rằng đây là diễn biến khá quan trọng.
Nhiều chuyên gia về Syria chỉ trích quyết định của Nhà Trắng. Nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego ở Arizona và là người từng phục vụ trong chiến tranh Iraq viết trên Twitter: “Cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Bắc Syria là một trong những động thái gây bất ổn nhất mà chúng ta có thể gây ra ở Trung Đông”.
Người tị nạn Syria tại ở Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The New York Times
Tuy nhiên, giới chức tại Washington khẳng định rút binh sĩ khỏi Syria là để “tránh đường”. Mỹ đang ở thế mắc kẹt giữa hai đồng minh quan trọng trong cuộc chiến ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO, còn SDF lại là đối tác cùng chống IS. Một quan chức giấu tên nói: “Chúng ta sẽ không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và chúng ta cũng không ủng hộ SDF. Nếu họ đấu nhau, chúng ta sẽ đứng ngoài”.
Khi Mỹ muốn đứng ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thanh trừng người Kurd, người Kurd ở Syria thề bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá, không khó hình dung hậu quả của chiến dịch mà Ankara định thực hiện, nhất là với dân thường.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tan-cong-nguoi-kurd-o-syria-tho-nhi-ky-gay-hau-qua-kho-luong-20191009113934534.htm