Tấn công đổ bộ đường không: Mỹ cũng phải "ngả mũ kính nể" trình độ tác chiến của Nga

Tú Anh |

Ngày nay, các đơn vị tấn công đổ bộ đường không của Nga đã trở thành lực lượng tinh nhuệ với lòng dũng cảm vô song, khả năng chiến đấu quật cường và lập nhiều chiến công hiển hách.

Khi nói đến các chiến dịch đổ bộ đường không, các lực lượng vũ trang Nga có lẽ chỉ đứng sau Quân đội Mỹ. Theo Báo cáo đánh giá cân bằng quân sự năm 2018 (Military Balance Report 2018), Nga hiện đang có trong biên chế 177 máy bay vận tải, từ hạng nặng đến trung bình. Con số này của Mỹ là 658, Trung Quốc là 84, Pháp 46 và Vương quốc Anh là 44.

Phi đội vận tải Nga đã chứng tỏ được khả năng hoạt động hiệu quả trong các chiến dịch quân sự gần đây ở Syria. Tuy nhiên, làm thế nào một lực lượng như vậy đạt được những bước phát triển ngoạn mục trong một quân đội vốn trước đây thường chỉ tập trung sức mạnh cho khả năng chiến tranh mặt đất? Đâu là những nét độc đáo trong tác chiến đổ bộ của Nga?

Một trong những động lực cơ bản để Moscow thúc đẩy việc phát triển phi đội vận tải hùng mạnh chính là sự tồn tại Lực lượng Lính dù Nga (VDV). Đây là đơn vị không quân chuyên nghiệp trực thuộc Quân đội Nga nhưng lại tách biệt hoàn toàn với các lực lượng mặt đất.

Nếu Thủy quân lục chiến Mỹ được coi là lực lượng tác chiến chuyên nghiệp với các đơn vị viễn chinh luôn sẵn sàng triển khai tới bất cứ đâu trên phạm vi toàn cầu ngay khi nhận mệnh lệnh thì VDV của Nga cũng hoạt động theo một học thuyết tương tự.

Giữ vai trò nòng cốt trong phi đội vận tải đường không của Quân đội Nga chính là dòng máy bay Il-76. Đây là loại phương tiện hậu cần phục vụ các chiến dịch đổ bộ có thể mang theo 3 xe chiến đấu bộ binh BMD, tương đương một trung đội.

Il-76MD-90A, phiên bản mới nhất của dòng máy bay Il-76 được trang bị khung sườn và động cơ mạnh mẽ hơn để tương thích với trọng lượng của xe chiến đấu BMD-4.

Tấn công đổ bộ đường không: Mỹ cũng phải ngả mũ kính nể trình độ tác chiến của Nga - Ảnh 1.

Cuộc tấn công của lính dù Nga ở vùng Paghma (Afghanistan). Ảnh: Sputnik

Do Quân đội Nga có quy mô lớn nên VDV cũng có thể hoạt động như một lực lượng vận tải thông thường phục vụ các chiến dịch tiếp viện tăng cường hoặc chống phản công.

Trong trường hợp này, phi đội vận tải đường không Nga có thể nhanh chóng vận chuyển một số trang thiết bị tới khu vực tác chiến nhưng các xe tăng và phương tiện chiến đấu bộ binh nặng hơn thường được vận chuyển bằng đường sắt.

Ngày nay Không quân Nga còn được biên chế thêm máy bay vận tải hạng nặng An-124 có khả năng vận chuyển các phương tiện thiết giáp khối lượng lớn. Mặc dù vậy, công việc này thường vẫn được Quân đội Nga thực hiện bằng đường bộ hoặc đường biển.

Được thành lập từ thập niên 1930 tại Liên Xô với sứ mệnh ban đầu chỉ là thực hiện vai trò hỗ trợ nhưng đến nay các đơn vị lính dù Nga đã trở thành lực lượng tinh nhuệ với nhiều chiến công hiển hách. Lính dù Nga đã chứng tỏ được lòng dũng cảm vô song, khả năng chiến đấu quật cường và lập nhiều công trạng hiển hách.

Họ đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong cuộc tấn công đập tan quân đội Quan Đông của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945 – các lính dù Nga đã đánh chiếm được nhiều cứ điểm trọng yếu trong hậu phương địch, hỗ trợ bẻ gãy tuyến phòng thủ của người Nhật.

Các lính dù Nga từng tham gia vào trận đánh chiếm các căn cứ quan trọng ở Séc và Slovakia năm 1968, giúp giữ toàn vẹn tuyến phòng thủ Hiệp ước Warsaw.

Không thể không nhắc tới cuộc hành quân thần tốc của lính dù Nga mùa hè năm 1999 khi họ vượt qua 600 km và chiếm sân bay Slatin, cách không xa thành phố Prishtina, không cho quân đội NATO trở tay và chứng tỏ rằng lưỡi lê Nga vẫn chưa hề hoen gỉ.

Tại Nam Osetia vào năm 2008, chỉ một lần xuất hiện trên chiến trường, lính dù Nga đã khiến cho quân đội Gruzia vội vàng tháo chạy. Chính vì thế không có gì cường điệu khi nói rằng ở đâu có lính dù Nga, ở đó luôn luôn có những hành động dũng cảm.

Thủy quân lục chiến Nga luyện tập đổ bộ bờ biển Syria ngày 8/9

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại