Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính đất đai và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư, bảo đảm đất đai là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh . Ảnh: Phạm Thắng
Nhiều ĐBQH quan tâm đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể và phương pháp tính định giá đất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai tới đây sẽ bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hàng năm.
"Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, chúng ta sẽ xây dựng bảng giá đất hàng năm lần đầu tiên và đang dự kiến sẽ xong trước ngày 31-12-2025. Bảng giá đất xây dựng lần đầu tiên sẽ khó khăn nhất, dùng các phương pháp để chúng ta có bảng giá đất sát, đúng, giao cho HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất này. Bảng giá đất này lần đầu chúng ta xây dựng mất thời gian, công sức hơn nhưng hàng năm chúng ta sẽ cập nhật sự thay đổi về giá đất vào bảng giá đất này" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Về phương pháp định giá đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho hay dự thảo luật đưa ra 4 phương pháp, đó là phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập và phương pháp hệ số điều chỉnh. Vì sao lại có 4 phương pháp? Nhiều đại biểu rất quan tâm là tại sao không phải 1 phương pháp. Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, vì 4 phương pháp này sẽ bao trùm, đều giải quyết được tất cả những trường hợp đất đai hiện nay của chúng ta.
Về định giá đất cụ thể, tùy theo từng trường hợp UBND cấp tỉnh sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, yêu cầu là bảo đảm không có tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, sát nhất với thị trường và đảm bảo công bằng.
Về thực hiện đấu giá, đấu thầu, giao đất, cho thuê đất theo thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết sẽ ưu tiên việc đấu giá đất. Việc chúng ta sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước phải triệt để và đấu giá đất này thì chắc chắn đất của chúng ta phải được gọi là đất sạch, đất đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng. Như vậy, Nhà nước đứng ra đấu giá đất theo đúng với quy hoạch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho rằng có vấn đề là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhiều ý kiến ĐBQH phát biểu tại sao lại 5 ha, 10 ha, tại sao quy định như thế này? Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, chúng ta sẽ nghiên cứu về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định, tức là không cần phải con số, đó là những dự án nào, những dự án trọng điểm, những dự án quan trọng, những dự án vì sự cần thiết của địa phương thì thẩm quyền giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho hay các ĐBQH trao đổi làm thế nào để chúng ta đừng để "treo", nhân dân chờ đợi. Bộ trưởng Bộ TN-MT bày tỏ đồng tình với phương án này nhưng hiện nay chúng ta theo Luật Quy hoạch và chúng ta đã làm quy hoạch tổng thể Quốc gia. Từ quy hoạch tổng thể Quốc gia, chúng ta cũng sẽ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chúng ta đã phê duyệt quy hoạch các vùng, rồi chúng ta có quy hoạch các tỉnh, năm nay các địa phương sẽ thực hiện, rồi quy hoạch chung đô thị. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ căn cứ vào các quy hoạch này.
"Nếu như chúng ta làm tốt định hướng các quy hoạch này thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ không bị "treo". Việc này đòi hỏi chúng ta phải có tính đồng bộ trong quy hoạch. Quy hoạch sẽ công khai, minh bạch cho nhân dân được theo dõi, được sử dụng, khai thác và được giám sát việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" - Bộ trưởng Bộ TN-MT nói.
Về vấn đề việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho rằng chúng ta phải có một phương châm khuyến khích giải quyết việc tranh chấp từ cơ sở, không để lên cấp cao hơn và đặc biệt càng không để lên cấp trung ương. Hòa giải và tranh chấp chúng ta cố gắng khuyến khích bên tranh chấp tự hòa giải và người công dân có quyền lựa chọn UBND cấp xã hoặc tòa án.
"Tôi nói thật, không đồng ý với nhau nữa thì ra tòa thôi. Nhưng giải quyết được ở cơ sở thì có thêm cơ quan nhà nước để tham gia hòa giải và đấy chính là tôn trọng quyền tự do của nhân dân" - Bộ trưởng Bộ TN-MT nói.