Trả lời báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thể bày tỏ, cảm ơn Quốc hội đã phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng để ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
"Đây là vinh dự và trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đã tin tưởng giao cho tôi", tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trả lời câu hỏi về việc ưu tiên trước mắt trên cương vị mới, ông Nguyễn Văn Thể cho biết có rất nhiều việc phải làm nhưng "các vấn đề liên quan đến dự án BOT của ngành giao thông" là một trong những việc cần ưu tiên giải quyết trước mắt.
Cùng với đó là sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam và sân bay quốc tế Long Thành, sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP.HCM, đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho thủ đô Hà Nội, TP.HCM và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất...
Và toàn diện hơn là đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020.
Giải thích việc ưu tiên chọn giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án BOT của ngành giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, BOT là chủ trương đúng, đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội là huy động phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhận định, các dự án BOT hiện còn những vấn đề cần điều chỉnh mà nguyên nhân như Quốc hội cũng xác định là luật pháp chưa hoàn chỉnh, quá trình thực hiện còn mới mẻ.
"Để giải quyết tồn tại của BOT thì phải tập trung giải quyết những vấn đề đã nêu, để sắp tới BOT sẽ phải tốt hơn hiện nay", ông Thể nhấn mạnh.
Về những sự việc cụ thể đang xảy ra ở các dự án BOT giao thông vào thời điểm này, ông Nguyễn Văn Thể cho biết với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý từng vụ việc cụ thể.
"Sắp tới, chúng ta cố gắng hoàn chỉnh luật và thực hiện đúng luật để BOT đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân - nhà đầu tư và Nhà nước", ông nêu rõ.
Về lâu dài, tân Bộ trưởng cũng chỉ rõ, chúng ta phải tìm giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển cân bằng và hiệu quả các loại hình GTVT, nhất là phát huy hiệu quả của đường thủy nội địa, đường sắt và đường biển để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.