Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ

Mạnh Mường |

Các em cũng rất cần được trang bị kỹ năng sống và biết thêm chân trời mới, khác với những nương rẫy, củ sắn, củ khoai.

Mong mở ra cho các em chân trời mới, khác với những nương sắn, khoai

Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thúy, quê gốc ở Yên Định, Thanh Hóa nhưng theo chồng là bộ đội để về làm dâu mảnh đất Thanh Sơn (Phú Thọ) và gắn với nghề gieo chữ nhiều năm nay.

Tháng 8/2023, cô giáo này vừa nhận quyết định bổ nhiệm làm hiệu trưởng ở ngôi trường vùng cao Yên Lương, nơi mà theo cô nói, có thật nhiều những thách thức mới.

Bởi vì, trường THCS Yên Lương thuộc xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn. Trường có 10 lớp với 331 học sinh, hầu như là người dân tộc thiểu số (308/331, chiếm 93,05%), với các dân tộc chủ yếu như người Mường, Dao, Tày, Thái, Thổ, Sán Dìu.

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 1.

Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thúy và các học trò trường THCS Yên Lương, Thanh Sơn, Phú Thọ.

Ở đây, rất nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có nhiều hoàn cảnh hết sức éo le, thậm chí có em bị thiểu năng trí tuệ, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhân dân địa phương còn nghèo khó, thường phải chật vật ưu tiên mưu sinh nên chưa thực sự quan tâm tới việc học của con cái.

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 2.

Cô Đinh Thị Hồng Nhiên và cậu học trò Lê Văn Phong, khu Bồ Xồ, mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Hiện tại, Nhà trường đang chăm sóc và nuôi dưỡng 36 em thuộc diện bán trú dân nuôi ở 3 bản động vùng cao Quất, Náy, Bồ Xồ cách trường chừng 15 cây số.

Cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, hạn chế; môn tin học rất cần thực hành nhiều nhưng hiện chỉ có 1/16 máy tính còn hoạt động nên 2 năm qua, hầu như các em 'học chay'. Bên cạnh đó, bữa ăn các em bán trú cũng cần được cải thiện vì hiện nay chỉ dựa hoàn toàn vào 15kg gạo/tháng và 25.000₫/ngày/3 bữa mà Nhà nước hỗ trợ.

Đối diện với những thực tế hiển hiện, cô Thanh Thúy đã đại diện cho thầy và trò nơi đây, gửi tâm thư kèm những 'phiếu điều ước' của các bạn nhỏ nhắn nhủ tới các nhà hảo tâm miền xuôi:

"Trước đó, mình công tác ở nơi mà các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, chỉ cần chú tâm làm sao học cho tốt. Nhưng khi chuyển sang đây, nhiều em học sinh vừa đi học, vừa phải lo phụ cha mẹ chạy ăn từng bữa. Có những em diện bán trú, mỗi tháng được cấp 15kg gạo thì chỉ ăn 12kg, cố dành ra 3kg để mang về cho gia đình. Ngẫm thấy thương."

Trong thư, cô giáo Thúy còn cho biết thêm, trường THCS Yên Lương thiếu lớp học tới mức phải trưng dụng cả thư viện làm phòng học, đồng thời lại bố trí một nhà mái tôn tạm để làm "thư viện thân thiện".

Nhưng 'thư viện thân thiện' lại quá nghèo nàn về tài liệu, chỉ có một số báo cũ từ các năm trước, còn các sách thiết yếu như sách tham khảo, nâng cao, truyện và đặc biệt sách giáo dục kỹ năng sống,... thì không hề có. Do đó, niềm ao ước của các học sinh và giáo viên nơi đây là những cuốn sách.

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 3.

'Thư viện thân thiện' lại quá nghèo nàn về tài liệu, chỉ có một số báo cũ từ các năm trước...

Trong những phiếu điều ước, viết nắn nót được các em học sinh gửi tới 'Góp 1 cuốn sách', có những điều ước thật giản dị mà đôi chỗ còn thấy có gì đó xót xa lắm.

Em Nguyễn Thị Hải Yến, lớp 7A nói rằng: "Vì gia đình em rất nghèo nên đã nhiều năm rồi em không được mua ch. Em ước ao có được cuốn sách Những kiến thức hay về Toán 7."

Một bạn học sinh lớp 7A nữa, là em Đinh Thị Lan Phương dù rất thích sách nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên khoảng 1 năm rồi em không được mua sách.

"6 tháng rồi em chưa được mua sách vì gia đình em nghèo, một năm chi được mua vài cuốn. Em mong ước được tặng cuốn 'Mắt biếc' của Nguyễn Nhật Ánh.", em Đinh Ngọc Thanh Chúc lớp 8B nói trong phiếu điều ước của mình.

Học sinh Hà Trúc Linh lớp 9A nói rằng: "6 năm rồi em chưa được mua sách vì bố mẹ bận công việc và không hay ở nhà... Em luôn mong ước được tặng cuốn sách Hai vạn dặm dưới biển."

Phùng Thị Kiều Châu lớp 6B chia sẻ rằng, từ năm lớp 5 em đã không được mua sách hay vì điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp...

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 4.

Trong hơn 300 điều ước của hơn 300 học sinh vùng cao Yên Lương đa phần đều đã quá lâu rồi chưa được mua sách, cũng có những em chưa bao giờ được mua những cuốn sách mà các em yêu thích. Và đa phần do điều kiện gia đình khó khăn.

Dù biết còn nhiều việc phải làm nhưng điều mong ước nhất của cô hiệu trưởng đầy tâm huyết này là, cải thiện được thư viện:

"Mong thì mong nhiều lắm, nhưng ao ước nhất là có thêm nhiều sách hay cho các bạn nhỏ vì hiện tại, đầu sách trong thư viện quá ít ỏi, lượng sách cũ thanh lý gần hết, kinh phí đầu tư cho thư viện lại rất hạn hẹp.

Các em cũng rất cần biết về những bài học cuộc sống, cần trang bị kỹ năng sống và biết thêm một thế giới khác ngoài những nương rẫy, củ sắn, củ khoai để rồi dần dần thay đổi cuộc sống chứ cứ tiếp tục như ông bà cha mẹ các em thì khổ lắm, thương lắm", cô Thúy nói với giọng đầy xúc động.

Địa chỉ quen thuộc 'Góp 1 cuốn sách, thắp vạn ước mơ'

Đã nhiều năm nay, dự án 'Góp 1 cuốn sách' của SohaNews trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều người tìm đến trao gửi sách, đồng thời, đây cũng là nơi mà nhiều ngôi trường khó khăn nhưng thầy và trò ham học, ham đọc tìm đến để nhờ giúp đỡ về nguồn tài liệu.

Nói thêm về 'Góp 1 cuốn sách'. Đây là dự án từ thiện, hoàn toàn vô danh, vô lợi vì mục tiêu tốt đẹp cho sự phát triển bền vững về nhân cách, trí tuệ cho thế hệ tương lai của đất nước.

Dự án hướng đến hỗ trợ sách và phát triển văn hóa đọc ở các ngôi trường có truyền thống hiếu học, trên mảnh đất danh nhân hoặc ở những trường còn khó khăn nhưng học sinh ham học, ham đọc.

Được biết, tính đến nay, có hơn 200 thư viện mini, với khoản kinh phí hàng chục tỉ đồng đã được trao đi. Một triệu cuốn sách quý đã đến tay học sinh nhiều nơi trên cả nước như: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, An Giang.

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 5.

Dự án Góp 1 cuốn sách may mắn có sự chung tay từ cộng đồng, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng đồng hành vì thấy rõ sự thiết thực của dự án. Trong ảnh là 2 cầu thủ nổi tiếng Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải và Hà Đức Chinh trong lần tham gia ký tặng sách để dự án Góp 1 cuốn sách trao tặng tới các em nhỏ.

Chia sẻ quan điểm xuyên suốt khi triển khai dự án phi lợi nhuận mang tên 'Góp 1 cuốn sách', nhà báo Bùi Ngọc Hải - lãnh đạo SohaNews luôn tâm niệm rằng:

"Cho một cái bánh mì người ta ăn hết, cho một cân gạo người ta ăn hết nhưng tặng một cuốn sách, tặng tri thức và tặng lòng nhân ái thì còn mãi."

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 6.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải - lãnh đạo SohaNews, người sáng lập dự án Góp 1 cuốn sách, tâm huyết chia sẻ những bài học cuộc sống trong lần trao tặng sách tại Hòa Bình.

CHUNG TAY GÓP 1 CUỐN SÁCH, THẮP VẠN ƯỚC MƠ:

Tiếp nhận các loại sách (mới hoặc đã dùng nhưng còn đẹp) phù hợp cho học sinh THCS như: truyện, truyện tranh, tạp chí, sách văn học, lịch sử, dư địa chí, sách y tế sức khỏe, giáo dục giới tính, sách kỹ năng sống, sách hạt giống tâm hồn, sống đẹp, gương hiếu học, danh nhân, gương người tốt việc tốt, bài học cuộc sống, sách tham khảo, sách nâng cao, khám phá, khoa học, tin học, ngoại ngữ,...

Mọi sự đóng góp ủng hộ xin ghi rõ: GÓP 1 CUỐN SÁCH

Số tài khoản: 1248685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP.

Địa chỉ tiếp nhận: SohaNews, số 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Người nhận sách: Phạm Đình Mạnh: 0974.974.104.

Fapage: GÓP 1 CUỐN SÁCH

Những khoản đóng góp của Quý vị cho dự án sẽ trở thành sách tặng học sinh nghèo và được đăng tải công khai!

"Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Tâm thư của hiệu trưởng và những điều ước bình dị từ vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại