Đây là lời bộc bạch của Guoguan, một người dân Trung Quốc giữa dịch bệnh.
01
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã trải qua một loạt các sự kiện bất thường.
Những thay đổi môi trường, những áp lực bất ngờ đã bộc lộ ra điểm yếu của nhiều người: sức khỏe yếu đuối, hoảng loạn, thiếu thức ăn, buông thả bản thân...
Cùng với sự thiếu hụt nguồn cung cấp y tế trong thời gian ngắn, sự xuất hiện của một loạt tin đồn và tin tức giả đã tạo ra các phản ứng căng thẳng khác nhau.
Warren Buffett từng nói: "Chỉ khi thủy triều rút dần, bạn mới biết ai đang bơi khỏa thân."
Trong cuộc sống hàng ngày, có bao nhiêu người phung phí vật chất, tinh thần và tiền bạc, khiến cuộc sống rơi vào trạng thái "sức khỏe rác" mà không biết.
Dịch bệnh, và cũng đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với 3 sự thật này.
02
Cơ thể khỏe mạnh
Đằng sau những con số tử vong đang tăng lên mỗi ngày là sự ra đi của những số phận, dịch bệnh đã cướp đi hy vọng của họ.
Người đã chết lúc còn sống đau đớn dằn vặt, người còn sống hối hận vô bờ.
Mọi người cuối cùng đã nhận ra được sự tàn nhẫn của sinh - lão - bệnh - tử.
Cũng giống như câu nói:
"Bạn vĩnh viễn không bao giờ biết được, ngày mai và điều ngoài ý muốn, cái nào sẽ tới trước."
Một người từng chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh ung thư của mình như sau: Cô cho biết cách đây 219 ngày, cô được chẩn đoán có khối u tuyến giáp ác tính. Sau khi được điều trị, một vết sẹo dài để lại trên cổ cô. Khi ai đó hỏi cô làm sao, cô chỉ cười xuề xòa và nói: "Có gì đâu".
"Cái chết là bài học giáo dục chân thực nhất cho cuộc sống", cô nói.
Cái chết sẽ không mặc cả với chúng ta, nó đối xử với mọi người như nhau.
Chính vì vậy, chúng ta phải buông bỏ sự chủ quan và kiêu ngạo của mình, buông bỏ những bất cẩn tự cao tự đại của bản thân.
Stefan Zweig, nhà văn người Áo nổi tiếng từng nói: "Một người khi còn trẻ luôn cho rằng bệnh tật và thần chết chỉ ghé qua chỗ người khác."
Có quá nhiều người, tranh thủ lúc cơ thể còn khỏe mạnh, liều mạng làm việc, đâm đầu vào vui chơi, lại còn khoe khoang "chiến tích" thức đêm suốt mấy ngày liền, mà không biết rằng, đời người chỉ có một lần, cơ thể mới là tài sản quý giá nhất.
Trên mạng có người nói rằng: "Tôi cứ tưởng người mất đi chủ yếu là người già, không ngờ lại có nhiều người trẻ tới vậy."
Trên thế gian này, tất cả những sự "không ngờ" đều đã âm thầm được cắm rễ từ lâu.
Nếu bạn "khai thác" cơ thể một cách mù quáng, bỏ qua sức khỏe của mình, tới cuối cùng bạn sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp.
Sự bùng phát của dịch bệnh lần này là một hồi chuông báo động, nó cung cấp cho tất cả mọi người một cơ hội để tự vấn lại bản thân đồng thời điều chỉnh thói quen hàng ngày của họ.
Dẫu sao thì đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, mọi chuyện khác đều sẽ chỉ là chuyện nhỏ.
03
Tâm lý khỏe mạnh
Ngoài những người bị nhiễm virus, chúng tôi còn nhìn thấy "bệnh dịch cảm xúc".
Rất nhiều người chìm đắm trong các loại thông tin tiêu cực để rồi cảm thấy bất lực:
"Mệt mỏi lướt điện thoại, càng lướt càng thấy hoang mang."
"Khó thở, tức ngực, chỉ muốn khóc."
"Thấp thỏm, lo âu, không tập trung được cho việc gì."
Tôi từng đọc được một tin tức như sau:
Anh Chu, một người dân Hồ Bắc, trong tình hình bệnh dịch, anh vẫn ăn uống bình thường, nhiệt độ bình thường, mỗi ngày cũng đều kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
Một hôm sau khi ngâm chân, nhiệt độ cơ thể có hơi tăng lên một chút, anh bỗng bật khóc.
Người cha ôm anh vào lòng vỗ về: "Ba không lo con bị bệnh viêm phổi mà lo tinh thần con có vấn đề."
Đối mặt với dịch bệnh, ai cũng đều khó tránh khỏi lo lắng.
Đặc biệt là trong thời đại thông tin bùng phát như hiện nay, bất kể một sự việc nào cũng đều có thể không ngừng bị lặp lại, không ngừng xuất hiện. Mỗi một lần "vuốt" ra được một tin tức xấu là một lần tạo ra gánh nặng cho tâm lý.
Đối mặt với một vấn đề nan giải chưa bao giờ gặp phải, một người có tâm lý mạnh mẽ có thể kịp thời điều chỉnh bản thân.
Cảm xúc ổn định cho phép họ đối mặt với vấn đề với một thái độ tích cực khi, một tâm trí tập trung và rõ ràng.
Còn người yếu đuối, vì lo lắng và bất lực, trong dòng chảy thông tin quá tải, họ rơi vào sự tin tưởng mù quáng.
Thông thường, những người như vậy không giỏi trong việc phát hiện và xử lý những cảm xúc tiêu cực.
Phàm là chuyện gì họ cũng nén ở trong lòng, không chia sẻ với bất kì ai kể cả những người thân bên cạnh, nó giống như một trái bóng, càng nén càng to và cuối cùng bùng phát trong dịch bệnh.
Trong những ngày tới, khi bạn nhận thấy những cảm xúc tiêu cực, hãy kịp thời chia sẻ, bộc lộ hết ra bên ngoài, để cảm xúc được người khác nhìn thấy, ngoài việc làm giảm bớt sự lo lắng tạm thời, còn có thể mang lại cảm giác liên kết và an toàn.
Đối mặt với khủng hoảng và khó khăn, chúng ta cần phải tiến về phía trước với một gánh nặng, nhưng cũng đừng quên đặt gánh nặng xuống sau khi đã vượt qua.
Đối mặt với mọi thứ với một suy nghĩ lành mạnh, tích cực và đừng bỏ qua bất cứ ai quan tâm tới chúng ta.
04
Tài chính khỏe mạnh
Sự bùng phát của dịch bệnh đã tạo ra một cú sốc cho những người không có tiền gửi tiết kiệm, đặc biệt là những gia đình không có thu nhập nếu không đi làm.
Không có tiền tiêu, không trả được tiền điện nước, không trả được tiền nhà...
Tới lúc này mới bắt đầu thở dài: "Tiết kiệm tiền thực sự quan trọng!"
Nếu chúng ta để cho mình một đường lui, khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất ngờ, chúng ta vẫn có thể bám trụ được một thời gian, cũng không lo thất nghiệp, càng không phải mỗi ngày vừa mở mắt ra đã phải nghĩ tới mấy chuyện lao tâm khổ tứ này.
Có một mẩu tin tức trên mạng như sau: Ba xuất huyết não đột ngột, chi phí phẫu thuật hơn 100.000 nhân dân tệ, nhà không có tiền, vay đông vay tây vẫn không đủ.
Cuối cùng, hoặc là vì chữa bệnh mà khuynh gia bại sản, hoặc là người bệnh từ bỏ trị liệu để đỡ tốn tiền.
Một cắc tiền cũng có thể khiến anh hùng hảo hán chao đảo, câu nói này không hề sai.
Sống trên đời, không ai là không cần tiền, cái tôi, sự tự tin của người trẻ cũng là tiền cho.
Nhưng người hiện đại đang sống trong thời đại chi tiêu không giới hạn và quá thuận tiện, mong muốn, khát khao của họ được khuếch đại một cách vô hạn, họ không có nhiều nhận thức về việc tiết kiệm tiền, coi thường tính không chắc chắn của tương lai, rủi ro cá nhân, rủi ro tài chính và cả những rủi ro thị trường có thể phải đối mặt.
Chúng ta có nên suy nghĩ thật nghiêm túc, làm sao để tiêu tiền một cách lý tính hơn?
Tiết kiệm tiền là một loại thói quen, nó không liên quan tới giàu nghèo, nó không chỉ là người bảo hộ cho cuộc sống của bạn mà nó còn là thái độ sống trách nhiệm với bản thân và người nhà.
Đối với hầu hết những người bình thường, tiền là sự an toàn, là khả năng chống lại rủi ro.
Khi đối mặt với cám dỗ, nên hay không nên mua, chúng ta phải cực kì tự chủ và lý tính.
Đừng tin rằng biết tiêu tiền rồi mới biết kiếm tiền, tiền để trong ngân hàng cũng vô vị, chi bằng mang ra tiêu cho "sướng cái con người".
Khi bạn bắt đầu tiết kiệm tiền, bắt đầu biết lập kế hoạch thu chi, không còn bị ràng buộc bởi những ham muốn và cám dỗ từ những thứ phù phiếm bên ngoài là khi bạn có được sự "tự do", "độc lập" và quyền lựa chọn khi đối mặt với rủi ro.
05
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi và cuộc sống sẽ trở lại đúng quỹ đạo vốn có của nó. Nhưng, chúng ta không được quên những bài học kinh nghiệm trong lần dịch bệnh này.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta phải chú ý không để "sức khỏe rác" làm xói mòn cơ thể và tâm lý của mình.
Trong thời bình có thể lo trước tính sau, lo làm chuồng khi còn bò, vậy thì mới có thể bình chân không sợ bão.