Các nhân viên y tế tại Trạm Y tế lưu động
Đi qua giai đoạn khó khăn
Chiều 18/9, bác sĩ Gia Phúc (trực thuộc Tổ Y tế cộng đồng phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) đã gói ghém hành lý, thu xếp đồ đạc, quần áo… cho vào balo. Anh đứng nhìn trung tâm thật lâu, ôm tạm biệt các thành viên ở lại, nhắn nhủ mọi người giữ gìn sức khỏe rồi rời đi.
Hơn 2 tháng ròng rã cấp cứu, tiếp oxy cho bệnh nhân F0, đi từ khu phong tỏa này đến điểm cách ly nọ, cuối cùng, anh đã được tạm … thất nghiệp. Đối với anh, đây là một niềm hạnh phúc.
Thời điểm căng thẳng nhất, hai điện thoại hotline của trạm y tế luôn trong tình trạng "cháy máy", ai cũng đi như chạy. Trạm nhận xử lý, ghi nhận và tư vấn từ xa các trường hợp mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Bên cạnh đó, đội oxy có lúc tiếp nhận liên tục 8-10 cuộc gọi để xử lý tình trạng cần thở oxy.
Cấp cứu cho một trường hợp nguy kịch tại quận 7
Những ngày đầu, khi nhân sự còn mỏng so với số trường hợp mắc Covid-19 tại khu vực, ai cũng cảm thấy áp lực. Một số bệnh nhân lớn tuổi mắc nhiều bệnh nền, mất ý thức và không tự chủ được, đòi hỏi các nhân viên y tế phải vận chuyển người bệnh nhanh chóng, kịp thời nhất.
Có lần, đội nhận cấp cứu cho một F0 có bệnh nền là người béo phì đang nguy kịch. Người đàn ông ở trọ trên lầu, mất nước, mất sức và rơi vào tình trạng mê man. Không thể dìu anh đi, ê-kíp các nhân viên y tế chỉ khoảng 2-3 người phải dùng búa phá tường gỗ, móc dây đưa bệnh nhân xuống.
Nhân sự càng mỏng, áp lực cấp cứu kịp thời cho F0 càng lớn. Đôi lúc, BS Phúc đã phải bật khóc vì bệnh nhân trở nặng quá nhanh, mất ngay khi oxy được đưa đến.
Từ khi có lực lượng quân y phía Bắc vào hỗ trợ, nhân sự của trạm dày thêm. Đội ngũ shipper được test nhanh hơn, áp lực cấp cứu các ca F0 cũng được giảm tải.
Rời khỏi "vùng xanh"
BS Phúc cho biết: "Tình hình dịch bệnh ở quận 7 cơ bản đã được kiểm soát. Người dân đa phần đã tiêm mũi 1. Tỉ lệ nhiễm ngoài cộng đồng không còn cao như trước. Về phía trạm y tế lưu động, chúng tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ test nhanh cho người tự cách ly và test cho người nghi nhiễm gọi báo.
Đội oxy vẫn hỗ trợ đổi bình cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, do dịch bệnh đã được kiểm soát nên một vài bác sĩ, tình nguyện viên đã được về nhà".
Bác sĩ Gia Phúc
Trước khi quận 7 trở thành vùng xanh, nhóm cũng đã gấp rút hỗ trợ tiêm vắc xin, test nhanh để giải phong tỏa một số khu vực.
Hiện tại, các ca bệnh nặng được chuyển viện kịp thời, ca có triệu chứng nhẹ được cấp phát thuốc, hướng dẫn sử dụng, vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
"Suốt 2 tháng qua, các anh chị lãnh đạo đã quan tâm, động viên các nhân viên y tế rất nhiều. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng lao vào cuộc chiến bất kể nắng mưa, đêm ngày. Mấy hôm nay ra đường thấy người dân đã có thể bắt đầu nhịp sống mới, hàng quán mở cửa, shipper đông hơn, tôi vui lắm", BS Phúc nói.
Hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà
Trước ngày rời khỏi "vùng xanh", BS Gia Phúc đã ghé để tạm biệt một số bệnh nhân F0, chúc họ nhiều sức khoẻ. Có những người từng bị trở nặng, nguy kịch nhưng may mắn vượt qua được, anh đã tìm đến họ, thăm hỏi trước khi rời đi.
Vừa qua, quận 7 đã khẩn trương khoanh vùng phong tỏa, thần tốc truy vết xét nghiệm để bóc tách F0 (không có bệnh nền, không triệu chứng, không đủ điều kiện cách ly tại nhà) ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, quận cũng đã sàng lọc, kiểm soát để thu dung điều trị kịp thời, giảm tối đa trường hợp tử vong.
Theo thống kê, trước đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 có từ 4-5 ca tử vong, nay giảm xuống còn 2 ca/ngày, đặc biệt ngày 1/9 đã ghi nhận không có ca nào tử vong.
Cùng với huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, quận 7 là địa phương đã công bố kiểm soát được dịch bệnh. Đây cũng sẽ trở thành nơi thí điểm của thành phố để từng bước đi đến giai đoạn "bình thường mới".