Nhiều cặp đôi ban đầu rõ ràng yêu nhau nhưng tại sao cuối cùng lại chia tay? Ông John Gottman (Mỹ) – Chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình đã có câu trả lời.
Ông thực hiện một nghiên cứu theo dõi kéo dài 40 năm trên 700 cặp vợ chồng và cuối cùng nhận thấy:
69% các cặp đôi sẽ xảy ra mâu thuẫn. Nói cách khác, chắc chắn sẽ có những khác biệt không thể xóa bỏ trong hôn nhân. Bí quyết để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc về cơ bản phụ thuộc vào thái độ của cặp đôi trước những khác biệt, xung đột.
(Ảnh minh hoạ)
Tại sao mọi người thay đổi sau khi kết hôn?
Nhiều cặp vợ chồng tỏ ra thất vọng, chán nản bởi sau kết hôn, đối phương dường như thay đổi hoàn toàn, không phải là người ban đầu họ tìm hiểu.
Bộ phim "Cuộc sống hôn nhân" kể về cặp đôi tìm lại được tình yêu sau ly hôn. Vợ chồng John và Marianne có sự nghiệp thành công, cuộc sống sung túc và có 2 cô con gái. Trong mắt người ngoài, họ là cặp đôi viên mãn. Nhưng trong lòng họ, người kia đã không còn là người họ thích nữa.
John cảm thấy Marianne luôn làm theo các quy tắc rất nhàm chán, khiến cuộc sống bình lặng như vũng nước tù. Còn Marianne cho rằng John không quan tâm gia đình. Sau đó, John đệ đơn ly hôn Marianne.
Tại phiên toà, John bộc lộ sự bất mãn với Marianne: "Mọi thứ đều ngăn nắp, hoàn hảo khiến tôi ngột ngạt, khó chịu". Marianne cũng giận dữ tố cáo chồng. Sau ly hôn, họ ước đời này không bao giờ gặp lại nhau.
Phải đến vài năm sau họ mới gặp lại, lúc này mỗi người đã có một cuộc sống mới. Họ lái xe về vùng nông thôn, cùng nhau trò chuyện vui vẻ dọc đường và tìm lại vị ngọt của mối tình nồng cháy trước đây. Lúc này, họ nhận ra đối phương chưa bao giờ thay đổi, điều thay đổi chính là cách họ nhìn về nhau.
Trên thực tế, đây không phải là câu chuyện duy nhất về những cặp đôi hối hận vì ly hôn. Trong giao tiếp có một hiện tượng tâm lý gọi là "hiệu ứng hào quang". Sau khi một người để lại ấn tượng đầu tiên tốt đẹp, bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng người kia xuất sắc về mọi mặt.
Điều này cũng đúng trong hôn nhân. Khi yêu một ai đó, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những điểm sáng ở người đó. Sau khi bước vào cuộc sống đời thường, "hiệu ứng hào quang" dần thất bại, khuyết điểm của cả 2 sẽ lần lượt bộc lộ.
Vì vậy, hầu hết các cặp đôi sẽ cảm thấy đối phương đã thay đổi và mối quan hệ của họ ngày càng tệ đi. Thực ra, những điều tốt và xấu vẫn luôn tồn tại, chúng chỉ bị bỏ qua hoặc phóng đại mà thôi.
Trong một cuộc hôn nhân bình thường, bạn phải học cách đánh giá điểm mạnh của đối phương theo từng giai đoạn. Chỉ bằng cách liên tục xem xét lại, bạn mới có thể nhớ được lý do chọn kết hôn với người đó và giúp hôn nhân tươi mới như những ngày đầu.
Nền tảng của hôn nhân là tình yêu, sự gắn bó và tôn trọng. (Ảnh minh hoạ)
Nên "mở mắt" việc lớn và "nhắm mắt" việc nhỏ
Cảm giác an toàn và thuộc về trong hôn nhân phụ thuộc vào sự khôn ngoan khi nhắm mắt làm ngơ. Đứng trước vấn đề quan trọng, bạn cần "mở mắt" để đưa ra lựa chọn đúng. Nhưng với những chuyện vụn vặt, tầm thường, hãy "nhắm mắt" bỏ qua.
Nhà giáo dục Bella Leonidova nói: "Nền tảng của hôn nhân là tình yêu, sự gắn bó và tôn trọng". Đối với những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh, bạn không nên làm theo cảm xúc mà cần thảo luận kỹ thì đối phương mới thấy được yêu thương và tôn trọng.
Các cặp đôi không cần phải lo lắng những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống khiến cả 2 xa cách. Bởi chỉ cần yêu thương và thấu hiểu cho nhau thì đây chính là chất xúc tác khiến mối quan hệ vợ chồng xích lại gần nhau hơn.
Một điều mà các cặp đôi cũng cần lưu ý là đừng bao giờ coi hôn nhân quan trọng hơn mạng sống. Trong hôn nhân có một luật: "Những người tự cân bằng có nhiều khả năng có được cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn".
Nếu cuộc đời là một vòng tròn lớn thì hôn nhân chỉ là một vòng tròn nhỏ. (Ảnh minh hoạ)
Nếu cuộc đời là một vòng tròn lớn thì hôn nhân chỉ là một vòng tròn nhỏ. Nếu bạn còn chưa hiểu rõ thì hãy theo dõi câu chuyện sau:
Sau khi tốt nghiệp đại học nào đó, cô gái Keiko tới Thượng Hải tìm việc làm. Vì sự cạnh tranh khốc liệt, cô phải vào làm ở một công ty với mức lương thấp và vất vả vì không đủ năng lực.
Để tiết kiệm chi phí, cô thuê căn phòng đơn sơ, tồi tàn cùng các đồng nghiệp nữ. Sàn gỗ nhiều vết nứt, cửa tủ hư hỏng, 8 người chung một phòng tắm, môi trường sống vô cùng bừa bộn và mất vệ sinh. Cộng với việc bị khách hàng phàn nàn, bị sếp khiển trách khiến cô chán nản, mệt mỏi.
Mong muốn thoát khỏi cuộc sống tồi tệ, cô kết hôn với một giám đốc bán hàng hơn cô 8 tuổi trong vòng 2 tháng sau lần gặp đầu. Chẳng bao lâu sau khi kết hôn, cô có thai và yên tâm trở thành một bà nội trợ.
Cô từng thầm vui mừng vì có "chiếc ô che chở", cuộc đời gập ghềnh có thể xoay chuyển được. Không ngờ Keiko không có khả năng xử lý mối quan hệ vợ chồng và nảy sinh mâu thuẫn với mẹ chồng. Áp lực chăm sóc con, sự thiếu thông cảm từ chồng, thiếu tôn trọng từ mẹ chồng đè nặng lên cô đến mức khó thở.
Cô muốn tạm thời rời xa gia đình, nhưng lại không có khả năng tìm được việc làm tốt nên chỉ có thể chán nản cả ngày. Nỗi bất hạnh là do chính cô gây ra. Cô coi người bạn đời như "vị cứu tinh" và hôn nhân như nơi nương tựa trong cuộc sống.
Thực ra, hôn nhân chỉ là một phần của cuộc sống. Chỉ khi vòng tròn lớn của cuộc sống được trọn vẹn thì vòng tròn nhỏ của hôn nhân mới luôn được bảo vệ. Đằng sau cuộc hôn nhân chất lượng cao, cả 2 bên đều cần năng lực kiểm soát cuộc sống của chính mình. Thay vì vắt óc duy trì cuộc hôn nhân, tốt hơn hết bạn nên mở rộng tầm nhìn và tập trung vào sự phát triển cá nhân. Khi cuộc sống viên mãn, hôn nhân sẽ không quá tệ.
Hôn nhân là sự kết hợp của tình yêu, trách nhiệm và sự trưởng thành về mặt tinh thần. Cả 3 yếu tố đều không thể thiếu. Hãy kiên trì khám phá những ưu điểm của nhau, tình yêu sẽ không biến mất theo thời gian.