Ông Aslam Dasoo cho biết, tính cấp bách của dịch bệnh và tâm lý lo lắng sợ hãi dịch bệnh càng khiến người dân e sợ đối với vaccine
Tâm lý bài vaccine ngừa Covid-19 đang có xu hướng lan rộng tại Nam Phi, trong bối cảnh có khá nhiều thông tin trái chiều về tính hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới của virus Sars Cov-2 tại quốc gia này. Xu hướng này xuất hiện ngay cả ở những nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch Covid-19. Điều này đặt ra thách thức lớn trong nỗ lực chống dịch bệnh chết người này ở cả Nam Phi và thế giới.
Là một y tá trong tuyến đầu chống dịch tại một bệnh viện ở Nam Phi, với 20 năm kinh nghiệm, thế nhưng chị Lerato Mthunzi cho biết, chị sẽ không tiêm phòng khi không chắc chắn về độ an toàn và sự hiệu quả của vaccine: “Chúng tôi sẽ không sử dụng vaccine cho đến khi có những thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine đảm bảo an toàn và vaccine không mang lại tác dụng phụ cho chúng tôi. Chừng nào còn chưa chắc chắn, chúng tôi sẽ không sử dụng vaccine cho bản thân, cho những người thân yêu và cả cộng đồng mà chúng tôi đang phục vụ".
Đây không phải là quan điểm riêng của chị Lerato Mthunzi mà là quan điểm chung của rất nhiều y tá và người dân ở Nam Phi sau khi nước này mới đây quyết định tạm thời ngừng sử dụng vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca. Kết quả thử nghiệm do Đại học Witwatersrand tại Nam Phi thực hiện mới đây cho thấy, vaccine của AstraZeneca chỉ có hiệu quả phòng ngừa ở mức 22% đối với biến thể virus ghi nhận tại Nam Phi, càng khiến tâm lý bài vaccine có xu hướng tăng mạnh tại nước này. Theo kết quả thăm dò dư luận do công ty khởi nghiệp CompariSure, Nam Phi thực hiện trong tháng này cho thấy, một nửa dân số Nam Phi sẽ từ chối sử dụng vaccine nếu được yêu cầu. Trong khi kết quả thăm dò dư luận khác do đại học Johannesburg thực hiện lại cho thấy, chỉ 1 phần 3 trong số 10.000 người được hỏi cảm thấy an toàn với vaccine.
Giới chuyên gia nhận định, tâm lý bài vaccine này sẽ đặt ra thách thức lớn trong nỗ lực chống dịch Covid-19 ở cả Nam Phi và thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này chính là sự kém hiểu biết. Ông Aslam Dasoo, người đứng đầu nhóm vận động vì sự tiến bộ của y tế ở Nam Phi cho biết: “Đại dịch đã tạo ra sự lo lắng và sợ hãi không chỉ với cách vaccine đang được phát triển hiện nay. Có lẽ vấn đề nằm ở cách truyền thông không hiệu quả. Tính cấp bách của dịch bệnh và tâm lý lo lắng sợ hãi dịch bệnh càng khiến người dân e sợ đối với vaccine. Cùng với sự thiếu hiểu biết, loại hình tâm lý này càng có cơ hội phát triển và lan rộng".
Đây là một thực tế không chỉ ở Nam Phi mà ở nhiều nước tại Châu Phi. Nỗ lực xóa bỏ dịch bệnh tại châu lục này đã không ít lần phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của niềm tin tôn giáo và sự không tin tưởng đối với các công ty dược ở một bộ phận người dân. Vào năm 2003, một số giáo sĩ Hồi giáo đã kêu gọi thẩy chay tiêm phòng vaccine phòng bại liệt ở miền Bắc Nigeria ngay khi dịch bệnh này sắp sửa được xóa sổ. Với tâm lý bài ngoại, gần đây nhất, bản thân Tổng thống John Magufuli thậm chí đã kêu gọi người dân nước này tránh sử dụng vaccine ngừa Covid-19./.