Cưu mang những đứa trẻ yếu thế
“Em coi cô Nhung như mẹ đẻ. Cô đã tìm thầy thuốc chữa bệnh cho em, lo cho em những lúc ốm đau, dạy dỗ nuôi nấng để em có ngày hôm nay. Em luôn muốn ở cạnh, không bao giờ rời xa cô”. Đó là tâm sự của Trương Đình Tứ (sinh năm 1989, quê ở tỉnh Quảng Bình), người được bà Nhung cưu mang hơn một thập kỷ qua. Vừa tâm sự với chúng tôi, Tứ vừa nhìn bà Nhung với ánh mắt tràn đầy niềm yêu mến, kính phục.
Kể chuyện về Tứ, bà Nhung nghẹn lời: “Hơn 10 năm trước, khi về Quảng Bình thăm mộ liệt sĩ, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Tứ, tôi thấy thương quá. Cháu bị trầm cảm, khó giao tiếp, nhận thức lúc đó rất kém. Tôi đưa Tứ ra Hà Nội chữa bệnh. Sau hơn một năm chạy chữa thì sức khỏe và tinh thần của Tứ được cải thiện. Cũng từ đó, cháu sinh hoạt chung cùng cả nhà tôi và gắn bó đến giờ. Tôi cũng đưa hai em ruột của Tứ ra Hà Nội học việc và đi làm, hiện các cháu đã lập gia đình riêng”.
Mấy năm trước, qua công việc buôn bán hằng ngày ở chợ Châu Long (quận Ba Đình), bà Nhung biết đến em Tạ Long Nhân (sinh năm 2001, quê ở tỉnh Phú Thọ), bị thiểu năng trí tuệ. Bố mất, mẹ bị bệnh thần kinh, Nhân ở với bà ngoại gần 80 tuổi. Vốn là người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, bà Nhung đã nhận Nhân về nuôi và bố trí làm công việc phù hợp với sức khỏe.
“Tôi không kìm được nước mắt khi đến thăm bà và mẹ cháu Nhân. Họ ở một chỗ mà tôi không thể gọi là nhà, chỉ gọi là túp lều. Ngay lúc ấy, tôi tự nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm giúp đỡ gia đình họ có một chỗ ở tươm tất hơn”, bà Nhung xúc động kể lại. Sau đó, bà Nhung đã giúp bà và mẹ của Nhân xây sửa nhà cửa... “Cháu vẫn ngờ nghệch lắm, gần 20 tuổi đầu mà chẳng biết gì. Hằng ngày, cháu loanh quanh phụ tôi những việc nhẹ…”, bà Nhung chia sẻ.
Nuôi dạy người bình thường đã khó, bà Nhung còn cưu mang những đứa trẻ yếu thế, bệnh tật. Điều đó cho thấy sự vất vả suốt bao năm qua của người phụ nữ sắp bước sang tuổi 60 này. Không chỉ em Nhân, ba anh em Tứ, bà Nhung còn dìu dắt, dạy dỗ, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều thanh niên khác, đến mức khi chúng tôi hỏi chuyện bà bảo “không thể nhớ hết được”. Chỉ biết rằng, ai đến với bà Nhung cũng đều được bà chăm lo, coi như con mình. Đến tuổi lớn hơn, bà Nhung lại động viên mỗi người theo học một nghề để tự lập trong cuộc sống tương lai. Người nào thích học sửa chữa ô tô, xe máy, bà hỗ trợ tiền cho theo học; ai muốn theo nghề buôn bán hải sản của bà, bà sẵn sàng hướng dẫn, dìu dắt...
“Tôi muốn các con có một công việc để chúng tự đứng trên đôi chân của mình. Tôi cố gắng tần tảo để lo cho chúng có một mái ấm. Đa phần các cháu đều có cửa hàng riêng, làm ăn phát đạt. Một số cháu về địa phương hoặc đi nơi khác lập nghiệp, có dịp là lại đến thăm gia đình tôi, coi như người thân. Vợ chồng tôi còn mang trầu cau đi hỏi vợ cho nhiều cháu. Đó là niềm hạnh phúc của tôi”, bà Nhung nở nụ cười thật ấm áp khi nói về những người “con” của mình.
Đam mê làm việc thiện
Không dừng lại ở đó, tấm lòng nhân ái của bà Nhung còn thể hiện qua các hoạt động thiện nguyện khác. Những ngày đầu tháng 5 này, nhiều người bắt gặp bà Nhung với dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười thường trực đang tất bật phát cơm cho người nghèo, khi tham gia các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội. Trước đó, trong đợt cao điểm của dịch Covid-19, bà Nhung đã kết nối với Hội Chữ thập đỏ nhiều địa phương, đến tận nơi để tặng quà từ thiện và trao tiền hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Được làm việc, nhất là việc có ích cho mọi người, tôi thấy vui lắm. Không chỉ tôi, mà những người cùng chung tay góp sức cho các hoạt động thiện nguyện đều thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Trong nhà tôi hiện giờ vẫn còn 4 tạ gạo và tôi đang mua 2 tạ nữa chuẩn bị sẵn để sắp tới sẽ cấp cho những người nghèo”, bà Nhung tự hào khoe.
Cũng vì đam mê làm việc thiện mà bà Nhung biết đến nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn” từ hơn 3 năm nay. Hầu như tháng nào bà cũng đóng góp 1 tạ gạo để nhóm nấu cháo tặng bệnh nhân tại các bệnh viện. Đáng quý hơn, khi thấy nhóm không có trụ sở hoạt động, bà Nhung quyết định bỏ ra số tiền tích góp được trong 20 năm buôn bán của mình, mua ngôi nhà 4 tầng ở phố Lạc Nghiệp, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), giao cho các thành viên trong nhóm quản lý, làm nơi liên lạc, kết nối để thuận tiện hơn trong hoạt động từ thiện.
Với trách nhiệm và nhiệt huyết, bà Nhung đã cùng với các thành viên trong nhóm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ cộng đồng, trong đó nổi bật nhất là việc tổ chức tặng cháo 3 lần/tuần, mỗi lần 3.000 suất cho các bệnh nhân nghèo tại 7 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Hết lời khen ngợi bà Nhung, chị Thành Thu Lương, Trưởng nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn” chia sẻ: “Chị Nhung đúng là bà tiên giữa đời thường. Có đồng hành với chị khi nấu cháo tặng bệnh nhân, khi đi thăm tặng quà người nghèo mới thấy hết tấm lòng của chị. Lần nào cũng vậy, không chỉ góp tiền của, chị Nhung luôn là người đi đầu, thường xuyên dậy từ 3h sáng để nấu những phần ăn thật ngon cho người khốn khó. Nhiều năm nay, bất kể xa hay gần, hễ biết ở đâu có người cần giúp đỡ, chị sẵn sàng tìm đến hỗ trợ. Tấm lòng của chị thật đẹp, luôn là nguồn động lực và truyền cảm hứng làm việc thiện cho chúng tôi”.
Không thể kể hết những gì bà Nhung đã làm cho người khác hay bao nhiêu người đã được bà giúp đỡ. Về phía mình, bà Nhung luôn cho rằng đó là việc thường ngày của bà, không có gì to tát. “Chỉ cần có lòng thiện, cảm thông với những mảnh đời khốn khó thì ít hay nhiều mình cũng chung tay với cộng đồng, tạo nên sức mạnh to lớn hơn”, bà Nhung bày tỏ.
Trong hơn 30 năm làm việc thiện, bà Nhung đã nhận được nhiều Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Năm 2020, bà vinh dự nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng. Nhưng có lẽ, gia tài lớn nhất bà có được là những đứa con nuôi hiếu thảo, gắn bó. Đó cũng là động lực để bà tiếp tục giúp đỡ, san sẻ phần nào với những hoàn cảnh, những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống.