Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 người về 5 tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Trong vụ án này, hàng loạt các cựu cán bộ của Bộ Ngoại giao, các bộ ngành bị cáo buộc nhận hối lộ tổng số tiền hơn 180 tỷ đồng để đưa doanh nghiệp thân quen tham gia chiến dịch "chuyến bay giải cứu". Trong đó, người nhận hối lộ nhiều nhất là bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) với tổng số tiền lên tới 42,6 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, một số người nộp lại một phần.
Các bị can trong vụ án.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ vật chứng, tiền, tài sản liên quan đến vụ án. Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra đã tạm giữ 670.000 USD, 146 lượng vàng, 1 tỷ đồng, 4 điện thoại di động, 2 đầu ghi camera, 1 thẻ nhớ, 2 thẻ ngân hàng tạm giữ khi khám xét Nguyễn Anh Tuấn (Cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội), Hoàng Văn Hưng (nguyên trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra, Bộ Công an).
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra tạm giữ 3 điện thoại di động do Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh), Bùi Công Cường tự nguyện giao nộp, 8 thiết bị ngoại vi chứa dữ liệu camera đã trích xuất, sao lưu.
Cơ quan chức năng đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong cả trong và ngoài nước.
Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân...