Thành lập ngày 5.10.1959 song các điều kiện khách quan cũng như chủ quan chưa cho phép đưa xe tăng vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, không vì thế mà các chiến sĩ xe tăng "ăn không, ngồi rồi".
Họ đã sát cánh với các lực lượng phòng không đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ và đã lập công xuất sắc. Đó là chuyện không phải ai cũng biết!
Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc- một cuộc chiến vô cùng ác liệt
Những năm 60 của thế kỷ XX, sau khi chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị thất bại, đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam bằng việc đưa lục quân tới tham chiến trên chiến trường miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân (CTPH) ra miền Bắc.
Bốn mục tiêu của CTPH là: Cứu vãn tinh thần đang sa sút của chính quyền Sài Gòn; Ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ngừng hỗ trợ cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam; Phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp, các lực lượng phòng không của VNDCCH và Ngăn chặn dòng tiếp viện của miền Bắc vào miền Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, hàng ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt chiếc máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ cất cánh từ các sân bay ở miền Nam, ở Thái Lan và các Hàng không mẫu hạm của Hạm đội 7 đến ném bom, đánh phá các mục tiêu có ý nghĩa quan trọng như: căn cứ quân sự, kho tàng, đường sá, cầu cống... ở miền Bắc.
Tính đến 24 tháng 12 năm 1965 - sau 9 tháng tiến hành chiến dịch "Sấm Rền", các phi đội của Không quân đã bay 25.971 lượt, thả 32.063 tấn bom. Hải quân bay 28.168 lượt và thả 11.144 tấn bom. Không lực Việt Nam Cộng hòa đóng góp 682 phi vụ. Cuộc CTPH của Mỹ đối với miền Bắc ngày càng trở nên khốc liệt.
Về phía VNDCCH, do đã có những dự báo sớm về tình hình nên đã kịp thời có các đối sách rất chính xác: sơ tán các căn cứ quân sự, kho tàng và dân cư ở các thành phố, thị xã; chuyển phần lớn các hoạt động sang ban đêm, xây dựng thêm các cầu, mở các đường dự bị...
Bên cạnh đó, "một cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc đánh phá trên không" đã được tiến hành.
Với tư tưởng chỉ đạo: "mỗi công dân là một người lính, mỗi làng xóm, phố phường, nhà máy là một pháo đài trên mặt trận chống Mỹ", một hệ thống phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, rộng khắp đã được xây dựng nhằm chống lại các cuộc tập kích đường không.
Trong tình hình đó, các đơn vị Tăng thiết giáp (TTG) cũng được sơ tán triệt để khỏi các doanh trại chính quy. Hầu hết các loại trang bị được đưa tới các kho dã ngoại tại những nơi hẻo lánh.
Mặc dù vậy, ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ TTG thì không hề suy giảm. Một khẩu hiệu khổng lồ: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" được xây dựng trên sườn Núi Đinh đã thể hiện điều đó. Hàng xấp "Quyết tâm thư" của cán bộ, chiến sĩ được gửi lên cấp trên đề nghị được đi chiến trường đánh Mỹ.
Tuy nhiên, thời cơ vẫn chưa chín muồi, xe tăng vẫn chưa đủ điều kiện để vào miền Nam tham gia chiến đấu. Và một cơ hội đã được mở ra, Bộ Tư lệnh TTG chủ động đề xuất với cấp trên: "Trong biên chế các trung đoàn xe tăng có cả pháo phòng không tự hành. Đề nghị cho sử dụng lực lượng đó để đánh máy bay Mỹ".
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 của Việt Nam được trưng bày trong bảo tàng
Tạm cất xe tăng vào kho, nhận pháo phòng không tự hành đi đánh máy bay Mỹ
Ngày 1.10.1966, Bộ Tư lệnh TTG nhận lệnh của Bộ Tổng Tham mưu đồng ý với đề xuất cho sử dụng cao xạ tự hành để đánh máy bay Mỹ. Ngay lập tức mệnh lệnh được triển khai.
Thực ra, vào thời điểm đó theo đúng biên chế thì mỗi trung đoàn xe tăng chỉ có 1 đại đội cao xạ tự hành (CXTH), trang bị pháo phòng không tự hành ZSU-57-2. Tuy nhiên, trong kho của Binh chủng lúc đó lại còn khá nhiều xe CXTH các loại với tình trạng kỹ thuật tương đối tốt.
Sau khi kiểm kê trang bị, Bộ Tư lệnh TTG ra quyết định thành lập Đoàn 510 gồm 11 đại đội CXTH, mỗi đại đội trang bị 4 xe CXTH lắp pháo cao xạ 57 mm hoặc 37 mm. Phiên hiệu 510 của Đoàn có ý nghĩa kỷ niệm ngày thành lập Binh chủng - 5.10.1959.
Các thành viên kíp xe CXTH lấy từ thành viên kíp xe TTG và được tập trung huấn luyện về kỹ chiến thuật phòng không, sử dụng CXTH bắn máy bay... song song với việc củng cố xe pháo cho đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Sau một thời gian huấn luyện, các đơn vị của Đoàn 510 được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn bảo vệ một số mục tiêu quan trọng như: sân bay Đa Phúc (Nội Bài bây giờ), sân bay Hòa Lạc, cầu Việt Trì, cầu Đuống, Khu gang thép Thái Nguyên...
Và thế là công cuộc "tạm cất xe tăng vào kho, nhận cao xạ đi đánh máy bay" đối với một số cán bộ chiến sĩ Binh chủng TTG bắt đầu.
Mặc dù lực lượng không lớn song với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường... các đơn vị CXTH đã lập nên nhiều chiến công vang dội, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân các địa phương cũng như các đơn vị bạn mà họ đến phối hợp tác chiến.
Ngày 19.2.1967, Đại đội 12C phối hợp với dân quân Núi Đôi bảo vệ sân bay Đa Phúc. Bị địch phát hiện, đánh vào trận địa suốt 2 giờ đồng hồ nhưng đơn vị vẫn trụ vững, có khẩu đội chỉ còn 2 người vẫn tiếp tục chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay F105D.
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 hành quân chiến đấu.
Sau trận này, đại đội được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và được Bộ Tư lệnh PK-KQ tặng danh hiệu "Cồn Cỏ đất liền".
Nhiều tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng liên tục xuất hiện:
- Pháo thủ Nguyễn Văn Cầm dùng chân trái đạp cò thay cho chân phải bị thương;
- Đoàn Văn Tình bị thương không rời trận địa, nằm tại chỗ lắp đạn vào băng;
- Khẩu đội phó Nguyễn Bá Cố bị nhiều vết thương không đứng được phải dựa vào thành công sự chỉ huy bộ đội chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng...
Cuối năm 1967, khi thời cơ đến, Bộ Tổng Tham mưu chấp thuận cho đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Đoàn 510 được rút về binh chủng. Mặc dù thời gian chiến đấu chỉ kéo dài hơn 1 năm song đoàn đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, góp phần bắn rơi 10 chiếc khác, nhiều tập thể và cán bộ chiến sĩ được tặng huân, huy chương...
Huyền thoại "Tạm cất xe tăng vào kho, nhận cao xạ đi đánh máy bay Mỹ" tạm thời khép lại tại đây song đã để lại những dòng lịch sử sáng ngời phẩm chất những người lính xe tăng - những anh Bộ đội Cụ Hồ.