Tiếng chim hót đánh thức Dung dậy vào buổi sáng sớm. Đã từ lâu, chị mới có cảm giác yên bình như vậy. Dung dành hai ngày cuối tuần để trải nghiệm M-Village Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM. Đây là một cơ sở trong hệ thống của startup cho thuê lưu trú đang mở rộng nhanh chóng.
Hoàng Thị Kim Dung là giám đốc quốc gia của Genesia Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản đầu tư vào M-Village. Với đặc thù công việc của mình, không quá khi nói Dung nắm rõ từng chân tơ kẽ tóc của startup. Chị đồng thời là một người bạn của Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập công ty.
Đầu năm 2022, quỹ đầu tư của Dung cùng một số nhà đầu tư mạo hiểm khác đầu tư 1,7 triệu USD vào M-Village trong vòng hạt giống. Genesia Ventures sau đó dẫn đầu vòng đầu tư tiếp theo, các quỹ mạo hiểm giải ngân tổng cộng 2 triệu USD vào startup cho thuê phòng trong vòng cầu nối. Điều đáng nói, không chỉ riêng Genesia, các nhà đầu tư còn lại rót vốn vào M-Village đều tham gia hai vòng liên tiếp.
Nguyễn Hải Ninh nổi tiếng với việc là nhà sáng lập và lèo lái chuỗi cà phê The Coffee House trở thành một thế lực trong ngành F&B Việt Nam. Đầu năm 2021, anh thông báo khép lại hành trình 6 năm với The Coffee House trên trang facebook cá nhân. Có thể nhiều tín đồ cà phê cảm thấy điều này có chút hụt hẫng, nhưng khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác mở ra.
Nguyễn Hải Ninh triển khai M-Village, mô hình nhà ở cho người trẻ mà anh đã từng thấy ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Thượng Hải. “TP HCM sớm muộn cũng đi theo xu hướng này”, anh nói. Quan điểm về sở hữu nhà cửa của giới trẻ bắt đầu thay đổi. Trước đây, nhà ở là tài sản; giờ đây, nhà ở bắt đầu được coi là tiêu sản, CEO M-Village bổ sung.
Khi nghỉ chân tại The Coffee House, Ninh suy tính bước đi tiếp theo, một lĩnh vực mà cuộc chơi ít nhất phải kéo dài 10 năm. Anh lục lại những ý tưởng mình có trong lúc kinh doanh, M-Village hiện ra. “Ở Việt Nam, bạn có ý tưởng, bạn phải đem vào thực tế, làm, vừa làm vừa sửa, và thay đổi từ từ”, Ninh nói với người viết trong cuộc phỏng vấn tại Every Half Võ Thị Sáu.
Ninh bắt đầu bằng việc tiến hành khảo sát với 200 người thuê nhà tại TP HCM để xem họ đang sống thế nào. Một kết luận được đội ngũ M-Village rút ra: mặc dù mật độ dân số ngày càng cao, khoảng cách tâm hồn lại càng xa hơn. “Đó là mâu thuẫn rất thú vị”, anh nói.
Sinh ra ở miền Bắc, Ninh hiểu rõ về văn hoá làng xã hết sức đặc trưng. Nếu loại trừ những điểm nhiều người cho là “hơi phiền”, mặt tích cực của làng xã là tính cộng đồng với sự kết nối với nhau rất chặt chẽ. “Người ở đầu làng biết nhà ai ở cuối làng sắp tổ chức đám cưới”, nhà sáng lập M-Village nói. Anh muốn đem tính cộng đồng đó vào mô hình kinh doanh trong một phiên bản hiện đại hơn.
Nguyễn Hải Ninh có trong mình sự nhanh nhạy của các nhà sáng lập. Anh nói chắc như đinh đóng cột rằng nhìn thấy khoảng trống cung - cầu lớn trong lĩnh vực nhà ở tại các thành phố lớn của Việt Nam mà không cần số liệu. Như tại TP HCM, trong những năm qua, lượng người nhập cư tăng lên nhanh chóng, trong khi nguồn cung chung cư mới không thấm vào đâu.
Sau khi khai trương cơ sở M-Village đầu tiên được vài tháng, Nguyễn Hải Ninh và đội ngũ vấp phải thách thức đáng gờm. Đại dịch COVID-19 trở nên nghiêm trọng. Trong những tháng cao điểm, hoạt động của toàn TP HCM bị tê liệt.
“Ban đầu tôi nghĩ mình đã chọn sai thời điểm, tất cả lĩnh vực kinh doanh đều bị tổn thương”, Ninh chia sẻ. Nhưng anh cùng đội ngũ nhanh chóng nhìn thấy điểm sáng trong bức tranh tối tăm. Khi bị giãn cách xã hội nhiều, người ta bắt đầu nhận ra không gian sống đóng góp tỷ lệ lớn trong tổng hạnh phúc của mỗi người.
“Thử tưởng tượng bạn bị nhốt trong căn phòng 10 mét vuông 2 – 3 tháng, mọi thứ tồi tệ như thế nào?”, Ninh đặt câu hỏi. Thành ra, mọi người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của chỗ ở và không gian sống xung quanh, điều này trùng khớp với mô hình M-Village đang triển khai.
Chính Nguyễn Hải Ninh cũng cảm thấy bất ngờ với hiệu ứng mà COVID-19 đem lại với mô hình kinh doanh của mình. Đại dịch đẩy mọi thứ diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là quan điểm về lưu trú. “Giống như 3 năm dồn lại trong vòng 3 tháng”, anh nói.
Xuất phát điểm của M-Village không mới. Cho thuê phòng là hoạt động kinh doanh đã có lịch sử hàng trăm năm. Vấn đề nằm ở việc cách thức làm xưa nay vẫn vậy, không hề có cải tiến nào đáng kể. Đây là cơ hội để M-Village làm tươi mới lại, thay đổi mô hình cho phù hợp với bối cảnh, Ninh chia sẻ. Cách tiếp cận mới cho nhà sáng lập M-Village thấy một thị trường đại dương xanh. “Thị trường nhà ở lưu trú cộng đồng đang thiếu cả số lượng và chất lượng”, anh nói.
Điểm lại trên thị trường, những mô hình kiểu như M-Village vẫn chưa có nhiều tại Việt Nam. Nếu có, quy mô cũng chưa đạt đến mức đáng kể. M-Village dẫn đầu về độ lớn đang quản lý gần 500 phòng tại TP HCM, tương đương ba khách sạn 5 sao.
“Tôi nghĩ đối thủ cạnh tranh của M-Village là các cô chú đang có nhà cho thuê tại HCM”, Ninh nói. Điều này có nghĩa anh cùng đội ngũ có thể là những người đi tiên phong trong việc định nghĩa lại thị trường cho thuê phòng. Nhưng nhà sáng lập M-Village không nhìn ở góc độ cạnh tranh, mà startup sẽ tiến tới việc hỗ trợ các chủ nhà vận hành tài sản cho thuê. Chỉ có như vậy, Ninh mới có thể giải quyết được bài toán cho số đông.
Ý tưởng này có được khi Nguyễn Hải Ninh nhìn vào mô hình kinh doanh của các nhà quản lý khách sạn hàng đầu thế giới, ông chủ các khách sạn và đơn vị vận hành phần đông là hai thực thể khác nhau. Anh hay nói rằng M-Village muốn giống như Uber trong lĩnh vực cho thuê lưu trú. Vai trò của startup là điểm kết nối người có nhà cho thuê và người đi thuê, từ đó lấp đầy khoảng trống cung cầu.
Một câu hỏi quan trọng đặt ra với đội ngũ điều hành M-Village là mô hình này liệu có dễ dàng bị sao chép? Ninh nói, hoàn toàn có thể. “Chỉ cần trò chuyện một ngày là bạn nắm được hết ý tưởng của tôi”, anh cười. Nhưng ai đó muốn làm giống M-Village, Ninh cho rằng cần phải làm sở hữu hai điều: một, năng lực thực thi tốt; hai, tạo được trải nghiệm khách hàng tuyệt vời. Sản phẩm ở vừa phải thoải mái, nhưng cũng phải xây dựng cộng đồng vui.
“Xây nhà đẹp thì dễ, nhưng vận hành nó ổn định trong 10 năm là điều không phải ai cũng làm được”, CEO M-Village chia sẻ. Anh cho rằng, thị trường cho thuê lưu trú hiện đang thiếu một đơn vị có thể làm xuyên suốt các khâu từ thiết kế, vận hành, bán hàng. Đây là điểm khác biệt so với cho thuê phòng truyền thống.
Bí quyết của nhà sáng lập M-Village là “bạn phải thực sự yêu thích công việc này”. Nếu ai đó để ý, con đường sự nghiệp của Nguyễn Hải Ninh tất cả là về xây dựng cộng đồng. Đó là thế mạnh của anh, điều mà giới đầu tư hay dùng từ know-how để nói về. Ngay cả khi Ninh xây dựng hệ thống The Coffee House, anh muốn mỗi cửa hàng sẽ là một cộng đồng về cà phê. “The Coffee House không bán cà phê, mà bán không gian xung quanh”, Ninh chia sẻ.
Sau khoảng 3 năm bắt đầu với hành trình mới, mọi thứ lúc này có lẽ đang như mơ với đội ngũ M-Village. Mô hình kinh doanh được các nhà đầu tư đánh giá cao. Ninh nói rằng anh và đội của mình đang chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo.
Phong thái của Ninh trầm ổn, anh không chủ động công bố thành tích gọi vốn của M-Village với truyền thông. Anh luôn cố gắng làm tốt việc mình, thấy sai, sửa sai nhanh chóng, để cộng đồng mình xây dựng ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. “Tất cả mọi thứ như một bánh đà, mỗi ngày bạn hoàn thiện thêm một chút, dần dần tạo được động lượng”, Ninh nói.
Đến hết năm ngoái, M-Village hoàn thiện tính phù hợp của mô hình với thị trường (Product Market Fit). Đó là kết quả của nhiều lần thử - sai - điều chỉnh. Ninh nói, 2023 chính là năm chuỗi nhà ở thuê cộng đồng do anh sáng lập mở rộng quy mô mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu 900 phòng vào cuối quý 2 và 1.300 phòng vào cuối năm. Cùng với đó, anh muốn đưa M-Village tiến ra thị trường Hà Nội.
Mặc dù vậy, Ninh tin rằng M-Village mới chỉ giải quyết một phần rất nhỏ nhu cầu của thị trường. Mỗi cơ sở được M-Village cho ra mắt mới lấp đầy sau vài tuần. Tỷ lệ lấp đầy toàn hệ thống đang đạt mức trên 90%, Ninh cho biết. Đây là con số mơ ước đặt trên hệ quy chiếu của bất kỳ khách sạn nào.
Xuất phát từ ngành bán lẻ, Nguyễn Hải Ninh không tin vào việc mô hình kinh doanh lúc nào cũng cần phải “đốt tiền” để có thêm khách hàng. Khi đạt tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối, mô hình M-Village đang tăng trưởng bằng nội lực của chính nó. Ninh nói rằng, lợi nhuận công ty sẽ đến khi M-Village đủ quy mô, phục vụ lượng khách hàng đông đảo hơn.
Rõ ràng, hành trình của M-Village mới chỉ đang ở những chặng đầu tiên. Nhìn rộng hơn, startup đang muốn đánh cược vào nhu cầu cải thiện đời sống của người dân. “Chúng tôi xuất phát từ phòng cho thuê, nâng cấp thành trải nghiệm sống, sau đó có thể cung cấp sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu khách hàng”, Ninh chia sẻ tầm nhìn của M-Village.
Trong mắt nhà sáng lập, thách thức chính với mô hình của M-Village là việc phát triển đến quy mô lớn mà vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm, dịch vụ như ban đầu. Bản thân mô hình lưu trú cộng đồng liên quan nhiều đến trải nghiệm con người, không chỉ đơn thuần là cung ứng một sản phẩm cho cụ thể cho khách hàng. Chưa kể, áp lực của đơn vị tiên phong luôn phải làm mới để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Nguyễn Hải Ninh lập nghiệp với cà phê năm 23 tuổi. Nói về cà phê, Ninh có thể được xem là tượng đài với cộng đồng người hâm mộ đông đảo. Ninh hay nói về ước mơ của những người làm cà phê Việt Nam. Khi anh chuyển hướng sang lĩnh vực khác, ước mơ bị bỏ dở. Nhưng bằng cách nào đó, Ninh vẫn đang gắn bó với ngành cà phê như một niềm đam mê cháy bỏng, lần này anh lùi lại và đặt niềm tin vào thế hệ kế cận.
“Cà phê là thứ rất dễ phối trộn vào các hoạt động kinh doanh khác”, Ninh nói. Trong suy nghĩ, Ninh tưởng tượng mình với tư cách là một khách hàng, sống ở M-Village, sáng sớm thức dậy ngửi mùi hương cà phê phảng phất, xuống nhà thưởng thức một ly, rồi bắt Grab đi làm.
Hay cuối tuần, thay vì phải ngược xuôi vào trung tâm hẹn hò cà phê với bạn bè, cư dân có thể từ tốn bước ra vườn, cầm theo cuốn sách, gọi một ly cà phê và tận hưởng buổi sáng cuối tuần. Đó là lý do vì sao nhiều cơ sở M-Village đang dành một phần không gian cho Every Half, chuỗi quán cà phê đặc sản được sáng lập bởi một đồng đội cũ của Ninh tại The Coffee House.
Hoàng Thị Kim Dung đã trải nghiệm đúng như những gì Nguyễn Hải Ninh tưởng tượng tại M-Village Võ Thị Sáu. Nữ giám đốc đầu tư mạo hiểm chọn cách âm thầm sử dụng dịch vụ M-Village, và chỉ nhắn tin cho nhà sáng lập khi đã rời đi.
Khẩu vị đầu tư của Dung là những mô hình kinh doanh có nhu cầu lớn và ngày càng lớn hơn. Chị tin M-Village là một trường hợp như vậy. “Không còn quá nhiều mô hình kiểu này trong thời buổi hiện nay”, Dung nói. “Nếu startup có thể tạo ra nguồn cung uy tín chất lượng cao, họ sẽ nhìn ra cửa thắng”, giám đốc Genesia Ventures chia sẻ.
Bạch Mộc
Vũ Nhật