Có một thời, nhìn vào cách ăn vận, người ta xác định được ngay thế nào là một tay anh chị.
Cỡ 30 năm trước, ở miền Bắc, cứ ông nào quần áo "Polpot" rộng thùng thình, đi đôi dép cao su loằng ngoằng (còn gọi là đi "đúc") hay đôi dép nhựa quai hậu "Tiền Phong" cấm không được ngả màu vàng ệch, đội lệch lệch cái mũ cối Tàu, đích thị ông ấy là tay anh chị. Thùng thình thế kia, chắc có lận lưỡi lê trong người là cái chắc.
Rồi sau đổi mới, kinh tế khá khẩm hơn, anh chị bắt đầu chuyển sang dây chuyền vàng choé, đội mũ lưỡi trai sùm sụp, mắt đeo kính râm gọng vàng, mặc áo thun polo, quần tây, phì phèo thuốc lá ba số ngoại.
Thời ấy rồi cũng qua. Bây giờ, xã hội đen ăn mặc như dân chơi nên chả phân biệt được ông nào xã hội đen, ông nào không. Cũng Gucci, LV…, định nghĩa xã hội đen qua manh quần tấm áo là điều bất khả.
Nhận ra xã hội đen hay không, phải chơi với giới ấy mới hiểu. Có chơi rồi, gặp một người nào đó, nghe cách họ nói chuyện, nhìn vào cách họ xử sự, lúc ấy mới bắt đầu có thể phân biệt được người ấy "đen" hay "không đen".
Rồi cũng đến lúc chẳng thể đánh giá được con người qua manh áo tấm quần.
Nói chung, ở vào cái lúc thông tin chia sẻ rộng mở như hôm nay, manh quần tấm áo gần như xã hội đồng phục theo xu hướng, xác định một chủ thể nào đó qua cách phục trang của họ gần như là bất khả.
Manh áo rõ ràng không là nên thầy tu. Cà sa y bát không chắc là sư; mặt mũi bặm trợn nhưng có khi lại mang tâm Phật. Tất cả đều là bất khả tri với chúng ta cả.
Cũng từ cái chuyện manh quần tấm áo kia, lướt qua cái tin "Chelsea và Nike đạt thỏa thuận thương mại liên quan đến trang phục thi đấu kéo dài 15 năm với giá trị lên tới 900 triệu bảng Anh" bỗng thấy cái ý "manh áo không làm nên thầy tu" của các cụ xưa chuẩn thật.
Hợp đồng 900 triệu bảng ấy của Chelsea là một kỷ lục mới trong thế giới bóng đá, dù tính ra giá trị thu được hàng năm, Chelsea vẫn thua Barca (120 triệu bảng/năm); Real Madrid (106 triệu) và Man United (75 triệu).
Nếu cách đây 16 năm, liệu Nike có trả Chelsea mức tiền tài trợ quần áo thi đấu nhiều đến mức họ vươn lên là CLB nhận hợp đồng kỷ lục thế giới đồng thời đứng thứ tư toàn cầu nếu xét trên mức giá trị hàng năm như hôm nay hay không? Chắc chắn là không. Với Chelsea của 16 năm trước, mơ ước trở thành một thương hiệu toàn cầu như Man United, Liverpool hay Arsenal là một cái đích quá lớn.
Mười sáu năm của kỷ nguyên Abramovich, Chelsea cuối cùng đã khẳng định thành công vị thế của mình.
Điều đó chứng tỏ rằng nỗ lực khẳng định vị thế của Chelsea suốt kỷ nguyên Abramovich đã cho kết quả. Quá trình từ một đội bóng hạng khá trở thành một "đại ca giữa chốn giang hồ" của Chelsea không đơn giản chút nào như cái cách chúng ta vẫn nhìn vào từng mốc thành quả mà họ đạt được.
Lượng CĐV của họ tăng cả chục ngàn phần trăm so với 16 năm trước và đó chính là cơ sở để họ có được tấm áo 900 triệu bảng.
Rõ ràng, Chelsea đã làm nên tấm áo chứ không phải tấm áo đã tạo ra Chelsea. Và chúng ta, nếu thích một cầu thủ nào đó của Chelsea chẳng hạn, mua tấm áo "authentic" của họ, cùng tên và số áo của cầu thủ ấy rồi khoác lên người thì liệu nó có biến ta thành cầu thủ đó của Chelsea hay không?
Bởi vậy, kể cả chúng ta có cách ăn vận giống xã hội đen đi nữa (mà thực ra đến giờ cũng chẳng ai định nghĩa được thế nào là trang phục xã hội đen), chúng ta cũng không thể là xã hội đen, vĩnh viễn.
Một tấm áo được định nghĩa rõ ràng là "thuộc về ai đó" như của Chelsea, Man United hay Barca còn không định nghĩa được người khoác áo đó là cầu thủ CLB ấy huống chi một tấm áo không hề được định nghĩa rõ ràng như cái áo "xã hội đen"…