Phong trào Taliban tăng cường các cuộc tấn công quân sự tại Afghanistan
Ngày 21/1/2019, các chiến binh của Phong trào Taliban đã tấn công một căn cứ quân sự và Trung tâm đào tạo cảnh sát của chính phủ Afghanistan ở thành phố Maidan Shahr, thủ phủ của tỉnh Wardak cách thủ đô Kabul chừng 45 km về phía Nam.
Theo hãng tin Reuters, cuộc tấn công này đã làm ít nhất 126 người bị thiệt mạng, trong đó có 8 chỉ huy cao cấp và nhiều người khác bị thương. Các nguồn tin độc lập khác đưa tin từ bên trong Afghanistan cho biết số người bị chết có thể lên tới trên 200 người.
Đây là một trong các vụ tấn công đẫm máu nhất do các lực lượng Taliban tiến hành chống lại chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani kể từ nhiều năm nay.
Cuộc đánh bom này được tiến hành chỉ một ngày sau khi các lực lượng Taliban tấn công vào một trung tâm cảnh sát thuộc tỉnh Logar lân cận, giết chết 8 nhân viên an ninh.
Các chiến binh Taliban.
Bối cảnh các cuộc tấn công của Taliban
Trong thời gian gần đây, Phong trào Taliban đã tăng cường các cuộc tấn công chống chính phủ trên phạm vi cả nước. Các cuộc tấn công này là có chủ đích, được tiến hành trong bối cảnh Mỹ đang có những hoạt động ngoại giao dồn dập, đặc biệt là các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đại diện của Phong trào Taliban.
Sau 17 năm chiếm đóng Afghanistan với chi phí lên tới trên dưới 1 ngàn tỷ USD, 3.546 binh sĩ của liên quân bị giết, trong đó có 2.412 quân Mỹ, hơn 50 ngàn dân thường bị thiệt mạng. Đây là cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém nhất sau cuộc chiến tranh Việt Nam mà đến nay vẫn chưa thấy hồi kết.
Tình hình này cho thấy vấn đề Afghanistan không thể giải quyết được bằng quân sự. Washington đang muốn thông qua các cố gắng ngoại giao để khởi động lại tiến trình hòa bình, nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.
Ngày 19/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria và có ý định sẽ rút một nửa trong tổng số 14.000 quân khỏi Afghanistan.
Trước đó, tháng 9/2018, chính quyền Mỹ đã cử Zalmay Khalilzad, cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan và Iraq làm Đặc phái viên về vấn đề Afghanistan.
Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad. Ảnh: AP.
Ngay sau đó, từ 4-15/10/2018, Zalmay Khalilzad đã tiến hành chuyến thăm 5 nước liên quan gồm Afghanistan, Pakistan, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, và Qatar.
Chuyến công du này đã dẫn đến cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các đại diện của Phong trào Taliban với các quan chức Mỹ tại Abu Dhabi, thủ đô UAE ngày 17/12/2018 với sự tham dự của phái đoàn UAE, Ả Rập Saudi và Pakistan.
Tiếp theo đó, Phong trào Taliban cho biết ngày 21/1/2019 họ đã gặp Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad tại thủ đô Doha của Qatar, vài ngày sau khi họ đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan. Taliban tuyên bố sẽ ngừng đàm phán với Washington nếu Mỹ không đưa ra được một chương trình nghị sự, trong đó có việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.
Tại Afghanistan, cuộc bầu cử tổng thống được lên kế hoạch vào tháng 4/2019, đã bị hoãn lại đến tháng 7/2019. Hàng ngàn quân chính phủ đem theo vũ khí đã gia nhập hàng ngũ Taliban. Phong trào Taliban kiểm soát trên 60% lãnh thổ đang chuẩn bị và rất có thể sẽ sớm tuyên bố thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo riêng.
Bằng các cuộc tấn công, Taliban muốn gửi đi thông điệp gì?
Những tháng mùa xuân sắp tới sẽ là thời gian rất khó khăn đối với các lực lượng Mỹ. Khi mùa Đông kết thúc, tuyết sẽ tan, các con đường từ các vùng núi và nông thôn, căn cứ địa của Taliban dẫn đến thủ đô Kabul sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Washington rất muốn nối lại các cuộc đàm phán để đạt được giải pháp hoặc ít nhất cũng giảm bớt được sức ép từ phía Taliban.
Thông qua một loạt các cuộc tấn công, đặc biệt là cuộc tấn công Maidan Shahr ngày 21/1/2019, Phong trào Taliban muốn gửi tới Washington một thông điệp bằng máu nếu Mỹ thực sự muốn tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Afghanistan thì phải có một chương trình giải quyết các vấn đề cụ thể trước khi bước vào đàm phán.
Quan điểm của Taliban là chỉ đàm phán trực tiếp với Mỹ trên cơ sở có một chương trình cụ thể và kiên quyết bác bỏ việc chính phủ Kabul tham gia vào các cuộc đàm phán.
Taliban cho rằng chính phủ Kabul là chính phủ bất hợp pháp do Mỹ dựng lên và không có khả năng đáp ứng được các đòi hỏi của họ.
Các lực lượng Mỹ tại Afghanistan.
Các cuộc đàm phán tập trung vào các vấn đề chính như sau:
1. Rút toàn bộ quân Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác khỏi Afghanistan.
2. Trao đổi tù binh giữa Mỹ và Phong trào Taliban.
3. Taliban từ bỏ các mối quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
4. Công nhận bản Hiến pháp của Afghanistan.
5. Cho phép các nhà lãnh đạo Taliban được tự do đi lại bên trong và bên ngoài Afghanistan.
Từ việc coi Phong trào Taliban là một tổ chức khủng bố, Mỹ đã phải ngồi vào bàn đàm phán với đại diện của phong trào này. Taliban trở thành một tổ chức chính trị, quân sự không thể thiếu được trong giải pháp cho vấn đề Afghanistan.
Đây là bước đầu tích cực nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại đất nước vùng Trung Á này. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là một quá trình kéo dài và khó khăn đòi hỏi sự hợp tác và thiện chí của tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.