Theo bản án sơ thẩm, Tuấn là tài xế của Công ty TNHH Tuấn Anh (Đồng Nai). Khoảng 17h30' ngày 8/8/2009, Tuấn lái xe tải BKS 60M – 4859 trên quốc lộ 52 (Xa lộ Hà Nội), hướng từ Biên Hòa về trung tâm TP HCM.
Đến đoạn gần cầu Rạch Chiếc, do đoạn đường đang thi công, đường hẹp nên Sở GTVT TP HCM bố trí chiều lưu thông về trung tâm TP thành 2 làn, làn phía trong cho ôtô và phía ngoài xe 2 bánh lưu thông.
Tuấn được cho không lái xe vào làn ôtô mà lưu thông trong làn môtô. Lúc này, anh Nguyễn Thành Trung (28 tuổi, ngụ quận 2) điều khiển xe máy BKS 51V1 – 5801 vượt phải ôtô của Tuấn.
Vừa qua đầu xe tải, môtô của anh Trung bất ngờ quẹt vào đuôi xe máy phía trước. Anh Trung thắng gấp khiến xe máy xoay ngang đường. Phương tiện do Tuấn điều khiển trờ tới, cuốn nạn nhân cùng môtô vào gầm, kéo lê hơn 13 mét khiến người này tử vong.
Nạn nhân Nguyễn Thành Trung là trung úy, công tác tại Công an phường Linh Xuân (quận Thủ Đức). Hôm gặp nạn, anh Trung đi làm về và có uống rượu với 3 người khác. Sau khi bị xe tải cán, mặc dù bị đứt đôi hoàn toàn cơ thể đoạn hông bụng nhưng nạn nhân vẫn tỏ ra rất tỉnh táo, sờ xuống kiểm tra phần cơ thể đã mất. Anh Trung còn trả lời rành mạch câu hỏi của người dân.
Một đoạn clip quay lại cảnh này đã khiến nhiều người rất xúc động, đồng thời cũng rất kinh hoàng trước hình ảnh thảm khốc mà tai nạn giao thông gây ra. Nạn nhân sau đó đã tử vong trên đường đến bệnh viện vì đa chấn thương và mất nhiều máu.
Kết quả khám nghiệm hiện trường sau khi xảy ra sự việc cho thấy, mặt đường tai nạn có 2 làn, làn trong rộng 3,7 mét và làn ngoài rộng 6,2 mét, phân cách bằng vạch sơn đứt, tổng chiều rộng 9,9 mét.
Thời điểm xảy ra tai nạn, Xa lộ Hà Nội đoạn qua cầu Rạch Chiếc đang được mở rộng. Bản kết luận số 4 ngày 5/1/2011 của Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Công ty CII, đơn vị thi công) cho biết, vụ tai nạn xảy ra ở khu vực chưa thi công, cách đoạn đường đang mở rộng 300 mét.
Tuy nhiên, kết luận số 1083 ngày 22/7/2013 của CII lại thể hiện, Xa lộ Hà Nội trước chỗ đang thi công đủ rộng để bố trí mỗi bên 3 làn xe. Địa điểm xảy ra tai nạn mặt đường hẹp, chỉ 8,5 – 8,25 mét nên phân thành 2 làn. Trong khi đó, theo biên bản khám nghiệm hiện trường, đoạn đường tai nạn rộng 9,9 mét, không phải hơn 8 mét như kết luận của CII.
Biển báo đường hẹp nằm trước địa điểm tai nạn. Ảnh tư liệu.
Tuấn khai, ở phía sau địa điểm tai nạn có biển báo phân 3 làn đường, phía trước mấy trăm mét là biển báo đường hẹp. Tài xế cho rằng, theo biển báo thì mình đang lưu thông trên đoạn đường 3 làn. Lời khai của Tuấn và nhân chứng cũng thể hiện, thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải có tốc độ 35 – 40 km/h.
Theo kết quả giám định xe tải, các hệ thống của phương tiện hoạt động bình thường. Tuy nhiên, xe tải được chở tối đa 11.000 kg hàng nhưng thời điểm tai nạn, phương tiện này chở đến 23.485 kg đá dăm.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nồng độ cồn trong máu nạn nhân là 177mg%. Trước khi xảy ra tai nạn, anh Trung uống hết 1,5 lít rượu cùng 3 người khác. Thấy anh Trung có dấu hiệu say xỉn, nhóm bạn nhậu khuyên đi taxi về nhưng người này không nghe mà chạy xe máy.
Đầu năm 2010, sau khi xem xét hiện trường và những chứng cứ thu thập được, VKSND và Công an quận Thủ Đức đều quyết định không khởi tố vụ án vì nhận định anh Trung chạy xe máy khi mới uống rượu xong, nồng độ cồn vượt mức cho phép, chạy quá tốc độ quy định và tự ngã dẫn đến tai nạn.
Không đồng ý với kết quả này, gia đình nạn nhân đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý hình sự vụ tai nạn. Sau đó, VKSND quận Thủ Đức đã quyết định khởi tố vụ án, ngày 10/10/2011, Tuấn bị bắt và tại ngoại ngày 24/1/2014.
Vụ án từng được đưa ra xét xử nhiều lần nhưng phải trả hồ sơ điều tra lại vì còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Tại phiên tòa ngày 20/5/2016, TAND quận Thủ Đức nhận định, hành vi chở quá tải trọng của Tuấn khiến hệ thống phanh xe bị ảnh hưởng, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn?
Đồng thời, Tuấn lưu thông trong đoạn đường có biển cảnh báo đường hẹp nhưng không giảm tốc độ đến mức an toàn dẫn đến tai nạn. Còn nạn nhân Trung cũng có một phần lỗi, nồng độ cồn vượt mức cho phép khi tham gia giao thông.
HĐXX tuyên phạt Tuấn 2 năm 3 tháng 14 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam). Còn Công ty Tuấn Anh, chủ sở hữu xe tải phải bồi thường 232 triệu và cấp dưỡng nuôi con nhỏ của nạn nhân mỗi tháng 2 triệu đồng đến khi đủ 18 tuổi.
Sau đó, Công ty Tuấn Anh kháng cáo về phần bồi thường, còn Tuấn không kháng cáo. Trao đổi với phóng viên, Tuấn cho biết 2 xe không hề va chạm với nhau, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do anh Trung uống rượu, chạy nhanh nên tự ngã. Xe quá tải không thể là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn như bản án.
Tuấn cho biết, dù rất ấm ức vì bản án có phần nặng tay với mình, nhưng lúc này người cha bị ung thư giai đoạn cuối nên không kháng cáo để quay về quê chăm sóc. Đồng thời, anh Tuấn cũng mong vụ việc dừng lại để còn làm ăn. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay đã 7 năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm khiến tài xế này không làm được gì.
Đại diện Công ty Tuấn Anh và bị cáo tại tòa. Ảnh: K.Thành.
Tại tòa phúc thẩm, phía Công ty Tuấn Anh cho rằng, căn cứ vào hệ thống biển báo thì đoạn đường tai nạn có 3 làn xe. Tuấn chạy làn ở giữa dành cho xe tải là đúng quy định, biển báo đường hẹp ở phía trước 300 mét nên xe chưa đi vào đường hẹp.
Bị cáo và nhân chứng khai, ôtô chạy từ 35 – 40 km/h, là tốc độ mà xe tải trên 3.000 kg được phép lưu thông trong khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, quá trình điều tra không làm rõ được tốc độc chính xác của xe tải lúc tai nạn là bao nhiêu.
Về lỗi quá tải, công ty này cho rằng cơ quan điều tra không tiến hành thực nghiệm hiện trường xem chở quá tải có ảnh hưởng đến hệ thống phanh hay không, nên không thể nói rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn như tòa sơ thẩm quy kết.
Công ty Tuấn Anh cho rằng, tài xế không có lỗi. "Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về công ty, chúng tôi sẽ bồi thường đầy đủ. Nhưng trường hợp này bất khả kháng khi nạn nhân uống rượu say rồi tự té ngay trước đầu xe tải. Chúng tôi chỉ chấp nhận hỗ trợ một phần, không đồng ý số tiền như phía nạn nhân yêu cầu".
Đại diện VKS cho rằng, mặc dù quá trình điều tra có nhiều thiếu sót nhưng nguyên nhân chính xảy ra tai nạn vẫn ở xe tải. Chính bị cáo cũng thừa nhận điều này và không kháng cáo?
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy, lỗi phía tài xế và công ty là chở quá tải trọng, đi vào đường hẹp nhưng không giảm tốc độ, không chuyển làn. Nạn nhân thì uống rượu say, lưu thông quá tốc độ cho phép, lỗi hỗn hợp của 2 bên nhưng chỉ bắt phía công ty bồi thường thì không đúng pháp luật.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Tuấn Anh, giảm mức bồi thường xuống còn 165 triệu và cấp dưỡng nuôi con nạn nhân 2 triệu đồng/tháng đến khi đủ 18 tuổi.