Tài xế “xe ôm công nghệ” của Mai Linh phải dưới 50 tuổi, xe máy đã sử dụng không quá 3 năm

Vương Diệu Quân |

Phòng Dự án M.Bike thuộc Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc cho biết, sẽ không có chiếc xe máy nào được đầu tư để triển khai dịch vụ “xe ôm công nghệ”. Thay vào đó, Mai Linh chọn cách kết nối người có nhu cầu đi xe với lái xe nhàn rỗi. Những lái xe này sẽ trở thành đối tác của công ty.

Không có tiêu chuẩn khắt khe nào được Mai Linh đặt ra với các lái xe. Những cá nhân dưới 50 tuổi, đã được cấp giấy phép lái xe đều có thể tham gia mạng lưới M.Bike.

Tuy nhiên, phương tiện được các tài xế xử dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ “xe ôm công nghệ” không được vượt quá 3 năm sử dụng. Điều này có nghĩa, những xe sản xuất trước năm 2014 sẽ không xuất hiện trong mạng lưới của M.Bike.

Mặc dù vậy, Mai Linh vẫn chưa tiết lộ tiêu chuẩn về lái xe và phương tiện của dịch vụ M.Bike Premium. Đây là dịch vụ đang nhận được sự quan tâm lớn vì mức cước cao gấp đôi M.Bike thông thường và gần tương đương với việc trải nghiệm dịch vụ vận chuyển trên xe hơi như UberX hay GrabCar.

Theo thông tin từ Mai Linh, dịch vụ “xe ôm công nghệ” của công ty này sẽ có bộ nhận diện thương hiệu riêng. Công ty sẽ trang bị áo và mũ bảo hiểm cho lái xe tham gia mạng lưới M.Bike.

Trước đó, Mai Linh Hà Nội đã công bố bảng giá cước dịch vụ “xe ôm công nghệ” M.Bike. Đối với loại xe M.bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu.

Khách hàng phải trả thêm 3.800 đồng/km tiếp theo. M.Bike Premium có mức giá cước gấp đôi M.Bike thông thường, ở mức 20.000 đồng/2km đầu và 7.000 đồng/km tiếp theo.

 Tài xế “xe ôm công nghệ” của Mai Linh phải dưới 50 tuổi, xe máy đã sử dụng không quá 3 năm  - Ảnh 1.

Hồi đầu năm 2017, “xe ôm công nghệ” cũng là dịch vụ được một hãng taxi khác cân nhắc cung cấp. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thương niên 2017, Chủ tịch HĐQT Vinasun cho biết công ty này sẽ nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc cung cấp thêm dịch vụ xe ôm của các hãng taxi không phản ánh sự “chật chội” của thị trường. Trái lại, đây là cách các hãng taxi phục vụ nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ taxi bằng xe máy.

“Thị trường taxi chưa phải là chật chội, nhưng luôn rất phong phú, đa dạng. Một bộ phận hành khách chỉ có nhu cầu hoặc khả năng đi xe máy. Một bộ phận khác có nhu cầu đi bằng xe du lịch 4 chỗ thì người ta gọi taxi. Chẳng có cơ sở gì để cho rằng thị trường đã chật chội” – ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại