Video: Những vụ tai nạn thảm khốc do tài xế lấn làn, vượt ẩu.
" Bây giờ, cứ đến thời điểm cận Tết tôi lại thấy day dứt, vì đó cũng là ngày giỗ của nạn nhân chết do hành động lấn làn, vượt ẩu của tôi ", ông Hùng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) có thâm niên gần chục năm lái xe Nam - Bắc, chia sẻ.
" Tôi lãnh mức án gần 2 năm tù. Chấp hành xong, tôi không dám quay lại nghề cũ. Bây giờ, cứ đến thời điểm cận Tết tôi lại thấy day dứt. Người người vui Tết, nhà nhà sum họp, còn gia đình nạn nhân thì u buồn. Hai đứa trẻ mất mẹ, chồng mất vợ. Năm nào tôi cũng đến nhà chị ấy, xin được thắp nén nhang và tạ lỗi với gia đình, nhưng chồng con chị không cho phép. Họ vẫn chưa thể tha thứ cho sai lầm của tôi ", ông Hùng bùi ngùi.
" Thi thoảng, anh em tài xế qua nhà chơi, tôi thường khuyên, dù có áp lực thời gian đến đâu cũng đừng phóng nhanh vượt ẩu, đừng đánh bạc với chính mạng sống của mình và người khác ", tài xế Hùng chia sẻ sau câu chuyện day dứt lương tâm.
Cũng từng gây tai nạn chết người, anh Nguyễn Bắc Lương (lái xe Công ty Vận tải Quê Hương) may mắn không phải chịu án tù do gia đình nạn nhân không khiếu kiện. Song, anh cũng luôn sống trong day dứt và từng phải bỏ nghề.
" 135 ổ gà, 12 điểm cầu cạn, 10 vị trí lắp camera phạt nguội và 9 nút giao cắt với đường quốc lộ ", anh Lương nhớ chính xác từng chi tiết trên quãng đường dài gần 100km từ đầu cao tốc Nội Bài đi Yên Bái - tuyến đường anh chạy xe nhiều năm.
Lão luyện trong làng lái xe khách đường dài, nhưng anh Lương không dám nói hay nói giỏi, vì theo anh, đầy rẫy những sự cố phát sinh trên đường. Mỗi phút, mỗi giây, chỉ cần người tài xế chủ quan, lơ là một chút là có thể mất mạng người ngay.
Bản thân anh cũng từng lái ẩu, lấn làn, gây tai nạn khiến một người tử vong.
Năm 2005, có bằng lái xe hạng E, anh Lương về đầu quân cho Công ty Vận tải Quê Hương, nhận chiếc xe 29 chỗ tuyến Hà Nội - Yên Bái theo hướng Quốc lộ 32 và ngược lại. Ngoài thời gian nghỉ ngơi chóng vánh, gần như 12 tiếng mỗi ngày anh ngồi ôm vô lăng.
Tháng 10/2006, trong một lần lấn làn, phóng vượt xe đối thủ để đón khách, anh Lương đâm vào 2 xe máy đi ngược chiều khiến 1 người tử vong tại chỗ.
" Đoạn đường gần khu vực nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc khá hẹp, chỉ 2 làn đường. Vì muốn tranh đón được người khách đang đứng vẫy xe phía trước, tôi nhấn chân ga, đánh lái sang làn đường đối diện, vượt lên xe đối thủ. Do chủ quan, không quan sát tốt, khi vừa phóng xe lên thì gặp 2 chiếc xe máy đang đi ngược lại. Tôi không kịp phản ứng gì. Một tiếng ầm vang lên trong tích tắc ", nam tài xế nhớ lại.
Để khắc phục sự cố chết người ấy, anh Lương được công ty hỗ trợ đền bù thiệt hại, xin gia đình nạn nhân rút đơn kiện nên không vướng lao lý. Tuy nhiên, giải quyết xong sự việc, anh suy sụp, phải xin nghỉ để ổn định lại tinh thần.
Anh tự nhốt mình trong phòng, tự trách bản thân quá hiếu thắng, đã cướp đi một sinh mạng vô tội. Anh rơi vào trầm cảm, sợ ánh mắt soi xét của tất cả mọi người, thậm chí sợ không dám ra đường, không dám ngồi lên xe ô tô.
" Tôi đã cố tình nhấn chân ga, coi thường sự an toàn của những người trên xe và người đi đường để rồi gây tai nạn. Thật sự tôi từng nghĩ mình chẳng khác nào một kẻ sát nhân ", anh Lương tự trách.
Đến năm 2009, được gia đình động viên, anh Lương đi làm trở lại, tiếp tục công việc lái xe khách đường dài Hà Nội - Lào Cai từ đó đến nay.
Sau biến cố, tự rút ra kinh nghiệm, kỹ năng lái xe của anh Lương tốt hơn. Anh bình tĩnh xử lý sự cố, chấp hành tốt luật giao thông, nói không với lấn làn, vượt ẩu.
" Bài học xương máu về hành vi lấn làn, vượt ẩu cả đời tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi cũng luôn căn dặn những người em trong nghề: Thà không có khách, thà thua xe bạn còn hơn lấn làn, vượt ẩu. Chỉ một giây sơ suất nhỏ sau vô lăng sẽ biến ta thành kẻ sát nhân bất cứ khi nào ", anh Lương nói.
Cũng muốn nhắn nhủ tới những người còn cầm lái, cựu tài xế Hoàng Văn Khánh (39 tuổi, Phú Thọ) chia sẻ câu chuyện của mình.
Trước khi bỏ nghề, anh Khánh làm cho một công ty vận tải, được giao lái xe khách 45 chỗ tuyến Mỹ Đình (Hà Nội) - Bến xe Thác Bà (Yên Bái).
Một ngày giữa năm 2022, trời mưa khá to. Đến khu vực hết đường đôi, nhập làn chung để lên cầu Việt Trì, qua nút giao IC6 cao tốc, thấy đã chậm thời gian điểm danh, anh Khánh đánh liều nhấn chân ga, vượt phải một chiếc xe tải 5 tấn.
Do khuất tầm nhìn và chủ quan vượt phải nên khi vừa phóng xe lên với tốc độ cao, anh đâm trực diện chiếc xe 4 chỗ đi ngược chiều khiến xe này bẹp dúm, biến dạng. 4 người phải đi cấp cứu, trong đó một người bị thương nặng, phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, đến giờ đi lại vẫn khó khăn.
Ám ảnh vì tai nạn gây ra, anh Khánh bàn bạc với vợ rồi quyết định rời bỏ nghiệp lái.
" Rời xa vô lăng 2 năm, nhưng thi thoảng tôi vẫn mơ thấy chính mình bị tai nạn vì lấn làn, vượt ẩu. Tôi thật sự ân hận. Chỉ vì áp lực của bản thân, áp lực nghề nghiệp mà tôi dám liều vi phạm luật giao thông ", nam tài xế tự vấn.
" Đừng bao giờ để sự cố xảy ra rồi mới ôm nỗi day dứt, ám ảnh suốt cuộc đời với câu nói giá như ", cựu tài xế Hoàng Văn Khánh thở dài.
Tài xế gây tai nạn chết người sống trong day dứt, người nhà nạn nhân mang nỗi đau suốt đời chẳng thể nguôi. Với bà Nguyễn Thị Hoài (63 tuổi, TP Quy Nhơn, Bình Định), nỗi đau mất con vẫn ngày ngày vò nát trái tim.
Một buổi chiều cuối tuần nhiều năm trước, Giáp (con trai cả bà Hoài) đi xe máy từ Phú Yên về nhà với mẹ và các em sau một tuần làm việc, đem theo số tiền tích góp để mua cho đứa em trai thứ 2 chiếc xe máy đi làm.
Khi đi đến đoạn Sông Cầu (Phú Yên), còn cách nhà tầm 15 km, một xe tải chạy ngược chiều với tốc độ cao, lấn đường, va chạm với xe của anh Giáp. Cú tông mạnh khiến anh Giáp văng xa, tử vong tại chỗ.
" Anh gặp nạn lúc 20h mà hơn 2 tiếng sau người nhà mới nhận được tin để đến làm thủ tục đưa anh về. Cơ thể anh không còn nguyên vẹn. Khi cơ quan chức năng trao lại chiếc ví của anh cho gia đình, trong ví có 14 triệu đồng, là tiền anh đem về để mua xe cho tôi ", em trai anh Giáp ngậm ngùi.
Sau khi anh Giáp mất, bà Hoài lúc tỉnh lúc mê. Bà đem tất cả những tấm hình lưu trong điện thoại của con trai đi in và treo khắp nhà.
" Anh trai mất, từ đó mẹ tôi thần trí không còn tỉnh táo. Nhiều lần mẹ ôm tôi rồi gọi tên anh trai. Cứ đến ngày giỗ của anh là mẹ khóc suốt, chạy lang thang kêu tên anh. Người gây tai nạn và gia đình cũng đến tạ lỗi, xin được thay anh Giáp phụng dưỡng mẹ, nhưng tôi và em út chỉ nhận lời xin lỗi chứ không nhận bất kì thứ gì khác. Mất mát với gia đình tôi không thể bù đắp nổi. Với mẹ tôi, đây là nỗi đau mẹ mang theo cả đời ", em trai anh Giáp tâm sự.
Nằm trong khoa chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1972, ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) gập người lại, nhờ vợ bóp chân. Kể từ buổi chiều định mệnh bị nạn do chiếc container lấn làn, ông Vinh không làm chủ được bản thân.
Chiều 7/3/2024, sau khi tan buổi chợ, ông Vinh lái xe máy về nhà. Khi đến Km 119+800 QL19C thuộc buôn Quang Dù (xã Đức Bình Tây, Sông Hinh), chiếc xe ô tô đầu kéo BKS 78F-005.88, rơmoóc 78R-007.87 do Phan Thanh T. (SN 1972, trú khu phố Phước Hậu 3, Phường 9, TP Tuy Hòa) điều khiển, lưu hành hướng Bắc - Nam, va chạm với xe mô tô của ông lưu hành ngược chiều.
Vụ va chạm khiến ông Vinh bị gãy xương đùi, đã qua 2 lần phẫu thuật nhưng vẫn chưa thể đi lại.
Ông Vinh là trụ cột chính trong gia đình, hằng ngày bán rau ở chợ nuôi 3 người con ăn học. Vợ ông ở nhà chăm sóc mẹ già 95 tuổi.
Giờ đây, ông Vinh nằm trên giường bệnh, mọi sinh hoạt đều nhờ vợ. Mẹ già ở nhà phải nhờ hàng xóm trông coi. Con cái đứng trước nguy cơ nghỉ học vì không có tiền. Cả gia đình ông vốn đã khó khăn, giờ càng thêm khốn khổ vì tài xế xe container vượt ẩu.