Sẽ xử lý hành vi vi phạm như thế nào?
Vụ việc tài xế xe biển xanh 80B - 3589 của Ban Kinh tế Trung ương gây tai nạn rồi bỏ chạy điên cuồng trên phố tại Hà Nội bị người dân đuổi theo, chặn lại đang gây xôn xao dư luận và hiện các cơ quan đang tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) chỉ rõ, thực tế, gần đây, liên tiếp không ít vụ việc lái xe biển xanh vi phạm các quy định của luật an toàn giao thông, gây tai nạn rồi bỏ chạy khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần mạnh tay hơn nữa để chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp xe biển xanh vi phạm này để đảm bảo công bằng, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Riêng trong trường hợp này, theo luật sư Cường, việc lái xe biển xanh trên tham gia giao thông rồi vi phạm pháp luật gây tai nạn là đáng trách, lại còn bỏ chạy không cấp cứu người bị nạn thì càng đáng lên án.
"Ở đây, các cơ quan chức năng sẽ xem xét hậu quả mà hành vi của lái xe biển xanh này gây ra có đến mức nghiêm trọng hay không. Nếu hậu quả đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì lái xe có thể bị xử lý trách nhiệm về mặt hình sự.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, thì mới có 1 người bị nạn đến trình báo và người này chỉ bị thương nhẹ, phương tiện hư hỏng nên hai người đã tự giảng hòa.
Do đó, trong trường hợp này, sau khi cơ quan công an làm rõ nếu hậu quả không nghiêm trọng thì có thể sẽ xử lý về mặt hành chính về tội sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, gây tai nạn và bỏ chạy với tốc độ cao", luật sư Cường nói.
Ông Hùng - người điều khiển chiếc xe biển xanh mang BKS 80B-3589 tại cơ quan Công an quận Đống Đa
Đồng quan điểm đó, luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, theo thông tin ban đầu từ công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cung cấp thì 1 người bị nạn trong vụ việc đến trình báo chỉ bị thương tích nhẹ, tài sản thiệt hại không cao nên tài xế xe biển xanh có thể chỉ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, luật sư Út cho hay, theo thông tin báo chí phản ánh, tài xế này có sử dụng rượu bia khi điều khển phương tiện.
Do đó, tùy thuộc vào kết quả kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng sẽ căn cứ Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để xử phạt, với mức cao nhất lên tới 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 6 tháng.
Về hành vi bỏ chạy sau khi gây tai nạn giao thông thì ở đây, nếu xác định hậu quả mà tài xế xe biển xanh gây ra chưa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng, tài sản của nạn nhân có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 46 với mức từ 5.000.000 đến 6.000.000 đồng.
Thêm vào đó, luật sư Út cũng nhìn nhận, tài xế này hiện là lái xe của Ban Kinh tế Trung ương và sử dụng phương tiện của Ban gây ra vi phạm giao thông thì ngoài việc bị cơ quan công an xử phạt còn có thể bị cơ quan tiến hành việc kiểm điểm kỷ luật.
"Dù rằng pháp luật có nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ được xử lý một lần, nhưng việc gây tai nạn sau khi uống rượu rồi bỏ chạy bằng phương tiện của cơ quan thì người vi phạm ấy vẫn có thể tiếp tục bị xử lý kỷ luật.
Bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan và dựa vào quy định, quy chế của cơ quan sẽ có hướng xử lý thích hợp, thậm chí cho thôi việc hoặc buộc thôi việc", luật sư Út bày tỏ.
Không nên truy đuổi
Theo đoạn clip quay lại sự việc cho thấy, nhiều người dân đã dùng xe máy chạy với tốc độ cao trên đường để truy đuổi chiếc xe biển xanh vi phạm, bỏ chạy điên cuồng này khiến không ít người bày tỏ sự lo ngại.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu người vi phạm giao thông chưa gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ là vi phạm hành chính thì cả cảnh sát giao thông và mọi người dân đều không được quyền truy đuổi.
Việc xử lý vi phạm hành chính sẽ theo chứng cứ pháp lý khác mà không cần phải "bắt quả tang".
"Chỉ trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang pháp luật mới cho phép mọi công dân truy đuổi, bắt, khống chế, bắt giữ.
Tuy nhiên quá trình đuổi bắt cũng vẫn phải đảm bảo an toàn cho những người khác đang tham gia giao thông. Nếu truy đuổi, bắt người vi phạm mà lại gây thiệt hại cho bên thứ ba thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật hiện hành.
Còn người vi phạm hành chính như trong trường hợp này thì không được phép truy đuổi, bắt giữ. Nếu người dân truy đuổi thì sẽ vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, vi phạm về biển báo, tốc độ… thì đều phải chịu xử lý.
Ngoài ra, người nào bắt, giữ hoặc giam người vi phạm hành chính thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 123 BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009", luật sư Cường nói.
Do đó, theo luật sư Cường, khi gặp phải những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy như thế này thì cần phải cân nhắc rất kỹ và nên ghi lại biển số xe, báo ngay cho cơ quan chức năng thay cho việc truy đuổi.
Trước đó, trong thông cáo phát đi tối 11/12, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an làm rõ sự việc và sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với lái xe biển xanh gây tai nan rồi bỏ chạy điên cuồng.