Tài xế taxi công nghệ phân biệt đối xử hành khách châu Á vì dịch viêm phổi Corona

Du Lam |

Nhiều người châu Á phản ánh họ bị tài xế Uber, Lyft phân biệt đối xử vì dịch viêm phổi do chủng mới của virus Corona gây ra.

Eric Han, làm việc tại cửa hàng bán lẻ Microsoft tại Seattle (Mỹ), cho biết anh gọi xe Uber hôm 3/2, bước vào xe và ho. Hôm ấy trời khá lạnh. Tài xế ngay lập tức hỏi có phải Han tới từ Trung Quốc không và anh trả lời không. Tài xế nói rằng anh bị ho có thể do nhiễm virus Corona rồi mở cửa sổ. “Tôi không bị nhiễm, tôi đến từ Mỹ”. Tài xế đáp lại: “Nói sao cũng được”.

Trao đổi với CNBC, Han nói rằng anh không phải tuýp người dễ mất bình tĩnh nên không tức giận hay báo cáo tài xế với Uber. Vài tuần trước, anh còn bị một nhóm người lạ gặp trên đường bảo rằng “quay về quê đi”.

Khi virus Corona lây lan, các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc cũng tăng lên. Đối với các nền tảng đi chung xe như Lyft hay Uber, những sự cố này xảy ra bất chấp nỗ lực chống lại hành vi phân biệt đối xử. Một thành viên trong nhóm Facebook có hơn 12.000 tài xế Lyft và Uber nói có ít nhất 5 bài viết mỗi ngày nhắc tới virus. Thành viên còn chia sẻ ảnh chụp màn hình cho CNBC và tiết lộ nhiều tài xế nói họ không muốn nhận hành khách gốc gác châu Á và cho rằng không an toàn khi làm vậy.

Nghiên cứu của CNBC chỉ ra hàng chục tweet liên quan tới cả tài xế và hành khách từ chối chở hay đi chung xe với người có ngoại hình châu Á. Nhiều tweet được đăng từ tuần trước khi virus Corona được xác nhận có mặt tại nhiều quốc gia.

Han không phải trường hợp duy nhất. Khi Lilian Wang muốn gọi xe Lyft tại sân bay San Francisco hôm 2/2, tài xế từ chối mở cửa xe. Theo Wang – người Mỹ gốc Á đang làm trong lĩnh vực công nghệ, tài xế chỉ cho họ vào sau khi một người bạn nước ngoài xuất hiện. Đây là nhà sản xuất video của CNBC, Katie Schoolov.

Sau khi ngồi ghế sau, tài xế hỏi có phải cả hai vừa trở về từ Trung Quốc không và Schoolov trả lời họ về từ Mexico. “Ổn rồi, không phải Trung Quốc”, tài xế đáp. Tài xế cũng nói anh được thông báo cẩn thận và đã từ chối yêu cầu gọi xe từ những người có tên như người Trung Quốc.

Schoolov gửi khiếu nại lên Lyft và nhanh chóng nhận được điện thoại từ một đại diện. Người này nói tài xế đã bị loại khỏi nền tảng.

Hôm 1/2, Indra Andreshak nói cô gọi một chuyến xe chung trên Lyft. Tài xế còn phải đón 2 hành khách khác ở gần đó. Ứng dụng hiển thị ảnh đại diện của hành khách thứ nhất “có ngoại hình của người châu Á và tên Hero”. Cô nghe tài xế lặp lại “Hero, Heee-ro, Hero ở Chinatown. Tôi hi vọng anh ta không lây virus Corona cho tôi”. Andreshak cũng báo cáo sự cố cho Lyft.

Myeonghoon Han cho biết vài ngày trước ở Luân Đôn (Anh), anh gọi Uber cùng vài người bạn Hàn Quốc. Họ thấy tài xế nhìn có vẻ khó chịu, còn xua tay ám chỉ không muốn họ trong xe. Han nói “chúng tôi không phải người Trung Quốc” và tài xế thay đổi thái độ ngay lập tức, vui vẻ chở họ tới điểm đến. Nhóm không báo cáo sự việc này.

Theo phát ngôn viên Dana Davis của Lyft, họ luôn xem xét kỹ lưỡng cáo buộc phân biệt đối xử. Lyft theo sát cập nhật chính thức về tình hình dịch bệnh toàn cầu và đưa ra hướng dẫn theo các chuyên gia y tế trong, ngoài nước. Trong khi đó, Uber đưa ra quy định cộng đồng, nói rõ tài xế nên có tương tác tích cực với những ai “trông không giống bạn hay có cùng tín ngưỡng”. Tại Mexico, Uber đã tạm khóa tài khoản của 240 người tiếp xúc với người nghi nhiễm virus Corona.

#ICT_anti_nCoV

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại