Từ một câu chuyện nhân văn ở Nhật Bản…
Có một thực tế không thể phủ nhận là: Ở Việt Nam, mà cụ thể hơn là tại những thành phố lớn, người đi bộ luôn là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất trong những đối tượng tham gia giao thông.
Điều này trái ngược hoàn toàn so với những quốc gia phát triển – nơi người đi bộ lại chính là những "phương tiện" có quyền lực nhất trong nấc thang ưu tiên trên đường.
Xin được kể lại một câu chuyện mà tôi tận mắt chứng kiến chỉ vài ngày trước tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản – một câu chuyện mà đối với nhiều người Việt Nam lại thật ngược đời.
Chiều hôm đó, tôi thấy một cậu học sinh đi bộ băng qua đoạn sang đường dài khoảng 2 mét. Đây là đoạn sang đường không có vạch ngựa vằn (zebra crossing – loại vạch dành riêng cho người đi bộ qua đường mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới).
Từ đường nhánh, một chiếc xe ô tô phóng tới. Dù đi đúng luật, chiếc xe này vẫn phải đạp phanh rất gấp tránh cậu học sinh, tạo nên chiếc má phanh chạm lốp rợn tóc gáy.
Điều gì đang xuất hiện trong đầu bạn nếu cảnh tượng này diễn ra ở Việt Nam? Cậu học sinh sẽ ăn ngay một "rổ gạch đá" từ người lái xe ô tô vì qua đường bất cẩn. Cậu cũng có thể bị giật thót mình bởi tiếng còi xe thể hiện sự giận dữ.
Nhưng điều tôi chứng kiến ở Nhật Bản lại ngược lại hoàn toàn: Lái xe ô tô bước xuống cúi đầu xin lỗi vì đã gây nên sự hoảng hốt và nguy cơ xảy ra tai nạn. Bạn không hề đọc nhầm: Người lái xe thật sự đã CÚI ĐẦU xin lỗi.
Ở Nhật Bản, người đi bộ là đối tượng được ưu tiên bậc nhất. (Ảnh minh họa)
Tôi đem chuyện này kể lại với một vài người bạn Nhật Bản. Họ cười phá lên và nói rằng: Ở Nhật, sau các loại xe ưu tiên như cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát thì người đi xe "hai cẳng" chính là đối tượng được ưu tiên bậc nhất.
Lý do rất nhân văn thế này: Người đi bộ là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất trong các phương tiện giao thông trên đường. Họ phải chịu cái lạnh, cái nóng tác động trực tiếp. Họ có thể bị mưa ướt, họ phải đi ngược chiều gió và dĩ nhiên là tốn khá nhiều calories.
Trong khi đó người lái xe được ngồi trong xe, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Xét về cả khía cạnh tình người và pháp luật, người đi bộ xứng đáng được tôn trọng.
… tới công bằng cho người đi bộ ở Việt Nam
Đọc tới đây hẳn nhiều người sẽ phản ứng rằng: Ở Nhật Bản, vỉa hè dành riêng cho người đi bộ. Trên vỉa hè không có vật cản, không có xe máy dựng, không có các quán trà đá… Nói chung, vỉa hè ở Nhật nói riêng và các nước phát triển nói chung được làm ra để thuộc về riêng người đi bộ hoặc đi xe đạp.
Trong khi đó, vỉa hè ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thực tế có mà… như không – khi đa phần nó bị chiếm dụng một cách triệt để phục vụ cho kinh doanh, cho dựng xe và cho cả lúc… tắc đường, xe máy leo lên đó nữa.
Không có vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Mà khu vực đó vốn dĩ ưu tiên cho xe cơ giới nên người đi bộ chuyện bị chèn ép cũng dễ hiểu.
Hơn thế nữa, thực tế thì một bộ phận rất lớn người đi bộ ở Việt Nam cũng từ chối quyền được ưu tiên, khi họ băng qua đường ở bất kỳ vị trí nào thay vì sử dụng vạch ngựa vằn. Tai nạn xảy ra là điều bất đắc dỹ.
Một bộ phận rất lớn người đi bộ ở Việt Nam cũng từ chối quyền được ưu tiên, khi họ băng qua đường ở bất kỳ vị trí nào. (Ảnh minh họa)
Những phân tích trên hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, xin các bạn nhớ cho là: Trong 10 người đi bộ ở Nhật chí ít cũng phải có 3, 4 người buộc phải đi bộ dưới lòng đường chung với xe ô tô và cả xe máy.
Trở lại với câu chuyện được kể phía trên: Cái cúi đầu xin lỗi của người lái xe ô tô thể hiện sự CẢM THÔNG dành cho người đi bộ chứ bản thân anh ta không hề sai luật.
Đó là sự cảm thông giữa con người với con người, giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, giữa những đối tượng được một khối thép bảo vệ và những người không có gì bảo vệ.
Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn không có sự cảm thông ấy. Ngay cả khi bạn đi qua đường đúng luật, bạn vẫn có thể bị những tiếng còi xe dội thẳng vào mặt yêu cầu nhường đường. Hãy một lần đặt bản thân vào vị thế của người đi bộ.
Vỉa hè tại các thành phố lớn ở Việt Nam thường bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. (Ảnh minh họa)
Ngoài sự cảm thông, một trong những khác biệt lớn nhất hướng về phía người đi bộ tại Việt Nam và các nước phát triển là thói quen lái xe của đại bộ phận dân chúng.
Ở Nhật nói riêng hay các quốc gia phát triển nói chung lái xe chỉ giữ nguyên một làn xuyên suốt cả chặng đường. Điều này giúp cho người đi bộ dễ dàng phán đoán và làm chủ tình hình.
Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta lưu thông theo phong cách "điền vào chỗ trống". Xe hơi đổi làn liên tục, nhanh chậm bất thường khiến cho người đi bộ thực tế không thể phán đoán chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Đi bộ là một hoạt động cần được khuyến khích, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực đưa các phương tiện công cộng như xe bus, tàu trên cao vào vận hành.
Nhưng đi bộ thế nào khi mà người đi bộ thiếu sự cảm thông từ các phương tiện khác?