Chiếc xe máy điện của tài xế công nghệ và hành trình ghi nhận trên ứng dụng.
Xu hướng giao thông xanh, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường đang dần trở nên rõ nét tại Việt Nam. Xu hướng này có thể thấy tại các doanh nghiệp vận tải, cũng như các tài xế công nghệ. Mới đây, một tài xế xe ôm công nghệ đã chia sẻ về một hành trình dài vài trăm kilomet trong một ngày khi sử dụng một mẫu xe do Việt Nam sản xuất.
Cụ thể, bài đăng mới đăng trên kênh mạng xã hội chính thức của hãng xe Selex Motors đã tường thuật lại chuyện tài xế công nghệ Nguyễn Thành Luân đã liên tục hoàn thành những cuốc xe dài khi sử dụng chiếc Selex Camel 2.
Trong câu chuyện, tài xế Luân cho biết tổng hành trình của ngày hôm đó lên tới gần 400km với những cuốc đi rất xa. Trong ngày đó, anh Luân đã thực hiện một cuốc đi từ Củ Chi tới cửa khẩu Mộc Bài (biên giới với Campuchia). Hành trình đi từ ngoại thành TP.HCM tới Tây Ninh này có khoảng cách gần 50km.
Anh chia sẻ: "Lúc nhận khách từ Củ Chi lên Mộc Bài, mình biết đây sẽ là một hành trình dài vì còn chạy lòng vòng theo yêu cầu của khách hàng chứ không phải đi thẳng. Đi thẳng thì sẽ ít hơn 50km nhiều. Trước khi đi, mình đổi pin tại trạm trên Quốc lộ 22, Phước Thạnh, và tiếp tục chạy thẳng với tốc độ trung bình 50km/h."
Anh cũng cho biết rằng chiếc Selex Camel 2 mà anh đang chạy cho cảm giác vận hành tốt: "Điều làm mình ngạc nhiên là dù đang chở khách 75-80kg, xe vẫn vận hành êm ái, không hề rung lắc".
Sau chuyến đi ra cửa khẩu, vị tài xế này nghỉ ngắn trước khi quay trở về TP.HCM, nhưng trên đường về đã nhận tiếp một cuốc xa nữa. Anh cho biết: "Sau khi kết thúc chuyến đi ở cửa khẩu Mộc Bài, xe vẫn còn tới 51% pin. Mình nghỉ ngơi vài phút rồi tiếp tục hành trình về lại Sài Gòn. Đến Hóc Môn, mình đổi pin thêm lần nữa trước khi nhận khách về Thủ Đức và nhận những quốc xe khác tới đêm".
Trong ngày hôm đó, anh Luân cho rằng tổng hành trình đã lên tới gần 400km.
Việc chạy 400km trong một ngày là việc không quá khó nếu sử dụng một chiếc xe xăng, nhưng di chuyển dài là một vấn đề nan giải với xe điện nói chung. Với xe máy điện nói riêng, loại xe này không có nhiều không gian để chứa pin, đi kèm với đó là vấn đề giá thành nên quãng đường di chuyển với mỗi lần pin đầy không xa như ô tô.
Khi công nghệ cải tiến thì điểm yếu đó đã phần nào được giảm trừ. Trong số những giải pháp được đưa ra, đổi pin là một phương án được tính toán tới. VinFast thời gian đầu cho phép đổi pin nhưng đã dừng sau một thời gian ngắn. Hiện tại, Selex là đơn vị duy nhất đang áp dụng mô hình đổi pin tại Việt Nam.
Giải pháp đổi pin được xem có tính hữu dụng và tương thích cao với ngành giao vận, bởi đặc thù của ngành này yêu cầu phương tiện vận tải phải di chuyển liên tục. Selex cho biết rằng pin Li-ion có thể hoán đổi của hãng được sản xuất tại Việt Nam với công nghệ bản quyền, tương thích tới 70% các mẫu xe máy điện khác, cho thấy tiềm năng ứng dụng cao.
Trong khu vực châu Á, Gogoro, thương hiệu xe máy điện đến từ Đài Loan (Trung Quốc), đã áp dụng thành công mô hình đổi pin tại nhiều quốc gia.
Ngoài Gogoro, Honda và Yamaha cũng đang có hợp tác để phát triển các mẫu xe máy điện có thể đổi pin. Honda, thực tế, đã triển khai bán các mẫu xe máy điện có thể đổi pin tại một vài quốc gia châu Á; sắp tới có thể giới thiệu một vài mẫu tương tự ở Việt Nam tại triển lãm diễn ra vào tuần sau.
Giải pháp đổi pin thậm chí còn được áp dụng trên ô tô với Tesla là hãng đầu tiên giới thiệu vào năm 2016, nhưng sau đó đã hủy bỏ dự án. Trong khi đó, NIO (Trung Quốc) đã triển khai rộng rãi mô hình đổi pin cho ô tô điện của hãng tại Trung Quốc và đang tiến hành mở rộng tại một số quốc gia châu Âu.