Tài xế Grab và ám ảnh về những vị khách "chờ một chút"

Hoàng An |

Đến nơi, vị khách nam bảo Tuấn chờ một chút đi vào trong lấy đồ để chở đi nơi khác, Tuấn nghĩ bụng sau câu "chờ một chút" ấy, có thể khách sẽ không bao giờ quay lại và anh đã đúng.

Ai cũng ít nhất một lần bị khách quỵt tiền, đối diện nguy hiểm

Chiều 1/10, Lê Danh Tuấn (23 tuổi, cựu sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia) lượn lờ quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình đón khách, anh chạy Grab để kiếm thêm thu nhập đã hơn một năm nay.

15h cùng ngày, lực lượng chức năng chở hai đối tượng sát hại nam sinh chạy Grab Nguyễn Cao S. (18 tuổi, quê ở Thanh Hóa) trên chiếc xe chuyên dụng đến trước cổng bến xe thực nghiệm hiện trường, phục vụ công tác điều tra phá án.

Tuấn hối hả chạy men theo vòng ngoài hàng rào thép để chọn vị chí gần nhất với mục đích "em phải nhìn rõ mặt hai thằng ác ôn này", Tuấn nói. Mấy ngày qua, anh đọc nhiều thông tin viết về vụ án mà vô cùng thắc mắc, không hiểu lý do vì sao mà nam sinh S. đã nhận khách đi đêm, thấy dấu hiệu gặp nguy hiểm vẫn chở.

Tuấn nhớ trong hơn một năm chạy Grab, đã có ít nhất khoảng 3 lần anh bị khách quỵt tiền với nhiều thủ đoạn khác nhau, lần gần đây nhất cũng đã vài tháng, một vị khách nam gọi anh chở đi nhưng không nói rõ địa điểm.

Trên đường, qua cách giao tiếp và quan sát, chàng cử nhân trẻ mới ra trường nhận thấy vị khách của mình có biểu hiện giống đối tượng nghiện, có "máu mặt", côn đồ. Biết sẽ có chuyện không hay nếu yêu cầu khách xuống xe, anh kiềm chế cảm xúc nghe theo yêu cầu vị khách nhằm tránh xảy ra xung đột.

Tài xế Grab và ám ảnh về những vị khách chờ một chút - Ảnh 2.

Tài xế GrabBike Lê Danh Tuấn . Ảnh: Hoàng An.

Đến nơi, vị khách nam bảo Tuấn chờ một chút đi vào trong lấy đồ để chở đi nơi khác, Tuấn nghĩ bụng sau câu nói "chờ một chút" ấy, có thể khách sẽ không bao giờ quay lại. Anh đã đúng, bởi sau ít phút chờ đợi rồi mất liên lạc, chàng cử nhân ngậm ngùi quay xe ra điểm đón mới mà trong lòng ấm ức nhưng nghĩ lại Tuấn cũng thấy mình may mắn vì thoát được vị khách có dấu hiệu gây nguy hiểm.

"Phải nói là mình đen thôi anh ạ, làm nghề này ai cũng ít nhất một lần bị khách quỵt tiền, đối diện nguy hiểm", Tuấn nói, rồi anh tự giải thích thêm mỗi ngày đưa đón đến vài lượt, mà khách thì có người nọ, người kia.

Quê Tuấn ở tỉnh Thanh Hóa, sau ngày tốt nghiệp đại học có vài anh chị em quen biết giới thiệu cho nhiều công việc nhưng cảm thấy không hợp, không ổn định nên anh quyết định chọn chạy Grab.

Anh tự so sánh với công việc làm văn phòng lương thấp, đi chạy Grab có thu nhập 7 – 8 triệu đồng/tháng nhưng nó tự do hơn.

Tài xế thâm niên cũng có lần mất trắng công sức

Anh Nguyễn Hữu Phương (36 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) từng học qua lớp trung cấp hàn xì, ra trường đi làm được vài năm thu nhập không ổn nên quyết định bỏ nghề.

Bốn năm nay, anh đứng len lỏi khắp các tuyến phố, ngóc ngách của Hà Nội để hành nghề chạy Grab. Vì coi là nghề đem lại thu nhập chính nuôi cả gia đình, trừ những ngày mưa gió, ốm đau thì anh đều có mặt ngoài đường.

Tài xế Grab và ám ảnh về những vị khách chờ một chút - Ảnh 4.

Tài xế Nguyễn Hữu Phương. Ảnh: Hoàng An.

Có lẽ vì thâm niên chạy xe lâu, va chạm với nhiều khách nên đã ít nhất năm, bảy lần anh bị người ta quỵt tiền, cũng có lần phải cự cãi, sắp xô xát ẩu đả, nhưng cuối cùng chấp nhận mất trắng công sức.

Có nhiều chiêu thức quỵt tiền của khách nhưng anh Phương thấy phổ biến nhất là: "Họ cứ bảo mình chở đến nơi, chờ vài phút để vào trong lấy đồ sau đó chở quay lại, đợi lâu không thấy là coi như họ đã trốn. Lúc đấy xác định mình bị lừa thôi".

Hành nghề lâu dần tích được thêm kinh nghiệm, mỗi lần khách có ý định như vậy anh lại bảo cho xin tiền trước. Lấy đồ xong, khách muốn đi tiếp đâu anh sẽ chở và tính tiền sau, vì thái độ "ăn chắc" như thế đã có lần anh bị khách "nói nặng lời", cũng có lần gặp phải người nóng tính, người có ý định lừa không thành công thì hai bên cự cãi.

Người ngoài thấy thế can thiệp, anh cũng lẳng lặng rời đi chấp nhận "tránh voi chả xấu mặt nào".

"Một điều nhịn, chín điều lành"

Lê Văn Khang (23 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) từng có nhiều năm sống ở Sài Gòn, đi làm cho một đơn vị tổ chức sự kiện. Vì muốn thay đổi bản thân, vài ngày trước anh quyết định ra Hà Nội học tiếng Nhật, sau khi có chứng chỉ sẽ đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.

Khang cho biết, gia đình phụ cấp cho 4 triệu đồng mỗi tháng phục vụ việc học, khoản tiền này dành thuê nhà cửa, chi tiêu không đủ cho một thanh niên đang độ tuổi cần thiết lập các mối quan hệ.

Tài xế Grab và ám ảnh về những vị khách chờ một chút - Ảnh 6.

Lê Văn Khang. Ảnh: Hoàng An.

Năm ngày trước, anh đến văn phòng Grab đăng ký làm đối tác GrabBike kiếm thêm thu nhập đỡ gánh nặng cho gia đình. Sau bốn ngày chạy xe, trừ chi phí mỗi ngày anh để dành 350.000 đồng.

Cái khó của chàng trai quê gốc Miền Trung chưa một lần đặt chân đến Hà Nội là không thuộc đường sá, anh chỉ đứng quanh vài tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy) đón khách, đến khi mặt trời lặn anh phòng nghỉ ngơi, đầu tư thời gian cho học tiếng.

Khang nghe nhiều, đọc nhiều về nam sinh Nguyễn Văn S. mới bị sát hại, anh bày tỏ lo lắng cho công việc của mình và bức xúc trước hành vi tàn bạo của hai đối tượng gây án.

Bốn ngày ít ỏi Khang chạy xe chưa một lần bị khách gây khó, quỵt tiền, mặc dù vậy anh cũng sẵn sàng đề phòng cho các tình huống xấu. "Dân tỉnh lẻ, đến đất khách quê người sống thì cứ nên 'một điều nhịn, chín điều lành'", Khang nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại