Ngắn gọn, súc tích, đọc theo vần, có nhịp điệu, dễ nhớ... là những đặc điểm của thành ngữ, tục ngữ, cao dao Việt Nam.
Trong kho tàng văn học Việt, có vô số thành ngữ đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, nhằm răn dạy con người về cách đối nhân xử thế.
Tuy nhiên, vì là truyền miệng nên khá nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị "tam sao thất bản" khiến cho người dùng đôi khi bị nhầm lẫn.
Một trong số đó là câu thành ngữ "Tai vách mạch dừng". Khá nhiều người nhầm lẫn câu thành ngữ này với câu "Tai vách mạch rừng".
Câu thành ngữ chính xác ở đây phải là: "Tai vách mạch dừng".
Giải nghĩa
Trong cuốn "Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam" của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân không có câu "Tai vách mạch rừng" mà chỉ có câu "Tai vách mạch dừng" và được hướng dẫn xem nghĩa tương đương tại "Dừng mạch vách tai".
Theo đó, Giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003) giải thích thế này: "Dừng mạch vách tai" là câu thành ngữ thể hiện việc một người cần phải cẩn thận khi nói chuyện với người khác vì lời nói của mình có thể lọt vào tai người thứ ba.
Từ "Dừng" và "Rừng" là hai từ dễ nhầm lẫn nhất trong câu thành ngữ ngày. Vậy, "Dừng" nghĩa là gì?
Dừng - theo nghĩa đen - ở đây là Danh từ, chỉ cốt nan tre/nứa để người xưa trát vách, làm nhà. Từ đó, người xưa mới nói "Dừng có mạch, vách có tai", về sau đọc gọn lại là "Dừng mạch vách tai".
Theo nghĩa bóng, Dừng có khe hở, không kín hết, nên nếu một người không giữ miệng, giữ bí mật thì sẽ dễ dàng để lọt sang tai người khác, mọi điều khi đó sẽ không còn là bí mật nữa.
Câu thành ngữ gốc này về sau khi xuất hiện trong văn học Việt Nam được đổi thành "Tai vách mạch dừng".
Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du cũng sử dụng thành ngữ này, thể hiện ở câu thơ:
Ở đây tai vách mạch dừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
Tham khảo: "Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam"