Dốc liên tục hiện ra trước mắt khiến chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Hậu chuyển dần từ đi sang bò. Chỉ cao 1,59 m, Hậu như người tí hon giữa các chuyên gia cao gần 2 m của hãng cáp treo Doppelmayr. Sau khi du học từ Australia về, do có vốn tiếng Anh tốt, anh được nhận làm phiên dịch cho công trường xây dựng cáp treo Fansipan.
"Lúc lên đến giữa dốc, mệt quá, tụt lại cuối cùng, em chỉ biết nằm khóc ngay lưng chừng. Chân tay, người ngợm thì rã hết ra. Lúc ấy chỉ muốn bỏ về và tự hỏi không hiểu sao mình lại lựa chọn công việc này", Hậu kể lại những tháng ngày ‘vượt bão’ để xây dựng tuyến cáp treo.
Không chỉ có Hậu, Nguyễn Khắc Tưởng, đội trưởng đội bảo dưỡng cáp công vụ đã ký giấy cho hơn 1.000 người vào rừng Hoàng Liên nhưng chỉ có hơn 100 người trụ lại, có người vừa mới đi chuyến đầu tiên đã khóc rồi viết đơn xin nghỉ việc. Với lá đơn xin nghỉ nào, Tưởng cũng động viên mọi người hãy ở lại "để làm điều gì đó điên rồ nhưng có ích cho quê hương". Câu nói này được nhắc lại quá nhiều, khiến nó trở thành câu nói đùa của những "kẻ điên" ở lại.
3 năm sau, điều có ích là tuyến cáp 3 dây dài nhất thế giới được hoàn thành. Mẹ của Hậu được con trai mời đi trải nghiệm. Bà chỉ mất 15 phút để đi hành trình mà anh đã lăn lê bò lết 2 ngày để vượt qua.
Vốn giấu kín chuyện ăn rừng ngủ núi, đây là lần đầu tiên Hậu kể cho mẹ nghe chuyện mình đã gian khổ thế nào, cả tuần mới tắm ra sao. Từ trên cáp treo, Hậu chỉ cho mẹ thấy những lán trại xưa, nhắc lại những kỷ niệm cũ. Bà sửng sốt rồi mắng: "Bay rảnh quá ha, chỗ sướng không ở lại đâm đầu vào chỗ khổ?" Trong suy nghĩ của bà giáo về hưu, con mình đi du học về, có bao nhiêu cơ hội làm văn phòng, chân đút gầm bàn mà không hiểu sao nó lại chọn nơi này. Hậu chỉ cười và nói rằng: "Con đi để làm việc để đời".
Nhưng rồi chính bà cũng không hiểu tại sao công trình "để đời" này lại có thể hình thành. Ngắm nhìn thành quả cùng sự thuyết minh của con, bà không giấu nổi sự tự hào.
Câu chuyện về quá trình xây dựng cáp treo Fansipan là một hành trình gian khổ, thách thức ý chí con người, là bài toán thách đố cả các chuyên gia của công ty xây dựng cáp treo hàng đầu thế giới. Nhưng trong khó khăn, bản lĩnh của người Việt Nam đã được phát huy để hàng triệu người Việt khác có thể đến thăm nóc nhà Đông Dương dễ dàng như ra tắm biển Cửa Lò hay ngao du Đà Lạt.
Fansipan trong tiếng dân tộc là Hủa Xi Pan, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. "Phiến đá" này cao tới 3.147 m (theo số liệu của Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam năm 2019). Nó là đỉnh núi cao nhất trong 3 nước Đông Dương. Trước khi có cáp treo, Hủa Xi Pan chỉ có thể được các thanh niên khoẻ mạnh chinh phục sau một hành trình leo núi kéo dài từ 2-4 ngày.
Và Sun Group đã quyết tâm đưa nóc nhà Đông Dương đến với số đông người dân. 4.400 tỷ đã được đầu tư để xây dựng tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục Guinness Thế giới: Cáp treo 3 dây dài nhất thế giới (6.292,5 m) và cáp treo 3 dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m). Kinh phí của tuyến cáp treo này cao gấp 8 lần tuyến cáp treo Bà Nà, 7 lần cáp treo Yên Tử, nhỉnh hơn tổng kinh phí của tuyến cáp treo Bà Đen (Tây Ninh) và Cát Hải - Phù Long (Hải Phòng) cộng lại.
Trước Hậu vài tháng, anh Trịnh Văn Hà, chàng kỹ sư dày dặn kinh nghiệm, từng làm tuyến cáp treo ở Bà Nà được chọn để đi khảo sát Fansipan. Anh cùng đồng nghiệp đã đi hết cả 5 ngọn núi xung quanh để chọn vị trí ga đi sao cho đủ cao để ngắm được vẻ đẹp thung lũng Mường Hoa, đủ thấp để không phá vỡ cảnh quan của rừng núi.
Điều đặc biệt nhất là, sau những chuyến khảo sát ấy, chuyên gia của hãng cáp treo hàng đầu thế giới Doppelmayr đã đề xuất chuyển từ cáp treo một dây sang ba dây. Bởi cáp treo một dây chỉ có thể vận hành với gió cấp 7 còn cáp treo 3 dây thì có thể hoạt động ở gió cấp 11. Khi trời lạnh, chỉ cần cáp không bị đóng băng là nó vẫn chạy trơn tru.
Nhưng nếu chọn phương án này thì chi phí tăng vọt và độ phức tạp cũng tăng lên. Do khoảng cách giữa các cột tăng từ vài trăm mét tăng lên hàng cây số nên đòi hỏi độ chính xác rất cao. Cả Châu Á khi ấy chưa có ai từng làm cáp treo 3 dây, và cáp treo 3 dây có độ dài, độ chênh giữa ga đi, ga đến lớn thế này thì chính Doppelmayr cũng chưa từng thực hiện.
Một bài toán vô cùng thách thức. Nhưng Sun Group vẫn quyết tâm làm, vì cáp 3 dây sẽ đảm bảo an toàn hơn cho du khách.
Không những thế, yêu cầu làm cáp nhưng phải giữ rừng khiến độ khó tăng lên gấp bội. Thông thường, các chuyên gia của hãng Doppelmayr sẽ cho chặt cây, mở đường để vận chuyển vật liệu, đưa máy móc lớn vào công trường. Nhưng công trường xây dựng lần này là rừng, và Sun Group đã quyết định dùng sức người để vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vật liệu xây dựng.
Mỗi ngày, 300-500 công nhân bản địa nối đuôi nhau như một đàn kiến "cõng" vật liệu lên ga đi, ga đến và 4 trụ cáp treo, trải dài từ độ cao 1.200 đến 3.147 m. Mỗi người chỉ mang được khoảng 30-40 kg. Họ cứ lầm lũi vác như thế từ sáng đến quá trưa mới đi được khoảng 3 km đường rừng rồi đi bộ xuống chân núi thì mặt trời cũng lặn.
Má A Tông, một chàng trai người H'Mông cao đến tận 1,8 m có kinh nghiệm gùi hành lý cho khách leo Fansipan xung phong vác hẳn một bao xi măng 50 kg từ chân núi lên điểm xây cột trụ T3 (độ cao 1.800 m). Lên đến nơi thì đôi chân quen đi đường núi của anh cũng mỏi nhừ. Anh kiệt sức, nằm vật ra. "Tiền công vận chuyển được tính theo cân, vác một bao thì được gấp đôi vác nửa bao nên em cũng cố", Má A Tông thật thà cho biết.
Tập kết đủ vật liệu thì quá trình thi công mới được chính thức bắt đầu. Bằng đôi tay trần, những người như Má A Tông xoay trần ra đào, cuốc, san gạt tạo mặt bằng. Công việc bộn bề nhưng tiến độ hết sức ì ạch do thời tiết quá lạnh. Mùa đông năm đó, nhiệt độ thường chỉ loanh quanh ngưỡng 0 độ C, cứ 15 - 20 phút, anh lại phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi mới làm tiếp được.
Những ngày đầu đến công trường, Sigrist Reto, kỹ sư của hãng Doppelmayr khi chứng kiến dòng người khổng lồ nhễ nhại mồ hôi, lưng gù hẳn đi để thồ vật liệu xây dựng nối đuôi nhau vượt dốc, đã phải thốt lên: "Không quốc gia nào có cách làm như ở đây cả." Thậm chí, các đồng nghiệp của Reto còn dự báo: Nếu cứ thực hiện một cách thủ công chỉ bằng cuốc, xẻng, xà beng… thì sẽ phải mất tới 5 năm, công trình mới có… cơ may vận hành.
Vất vả là thế, nhưng khi buông cuốc Má A Tông lại phải nhấc can lên đi đến khe suối xách nước về. Trời lạnh mà nước lại hiếm nên anh quên luôn thói quen tắm hàng ngày. Đến tối, anh mặc nguyên 3 lớp quần áo lấm lem mà ngủ.
Đi lại khó khăn nên thực phẩm cũng hạn chế. Có những khi mưa lớn, tuyết rơi, con đường tiếp tế bị đứt đoạn, công nhân phải ăn mì tôm nấu trong túi nylon, bẻ măng trúc làm rau và húp canh nòng nọc tanh ngòm cho có thêm chút đạm.
Lúc này, để đảm bảo công trình "chạy" kịp kế hoạch, vấn đề sống còn được đặt ra là cần phải nhanh chóng thiết lập tuyến cáp phụ để tăng tốc độ vận chuyển, đưa được thêm máy móc, thiết bị và vật tư vào cả 6 công trường, đặc biệt là trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn.
Tháng 7/2014, những công nhân thay vì vác sỏi đá thì chuyển sang gùi cấu kiện thép, dù đã tháo rời nhưng có chi tiết nặng tới 100 kg. Tháng 1/2015, tuyến cáp công vụ (LCS) được hình thành với sức nâng 5 tấn đánh dấu một bước ngoặt lớn với công trường trên dãy Hoàng Liên. Chỉ sau 2 tháng, nền móng bê tông được hình thành. Thêm 2 tháng nữa, 4 cột trụ cáp treo cũng được hoàn thiện.
Đời sống công nhân cũng cũng được cải thiện rõ rệt. Má A Tông đã không còn phải đi bộ cả km để xách nước nữa mà chỉ cần vặn vòi là nước từ đường ống sẽ chảy ra. Các khu nhà công nhân được xây dựng thay cho những lều bạt mỏng manh. Lương thực, thực phẩm cũng đa dạng và được tiếp tế thường xuyên hơn trước.
Có ga, có trụ rồi thì việc quan trọng nhất là phải kéo được cáp. Nhằm giảm thiểu thời gian cũng như sức người, phía Doppelmayr Garaventa đề xuất phương án dùng trực thăng chuyên dụng cỡ nhỏ để đưa cáp mồi băng qua khe vực dựng đứng. Không lâu sau, chiếc flycam 8 cánh trị giá hơn một tỷ đồng được Sun Group nhập về. Đây là flycam thuộc loại hiện đại bậc nhất vào thời điểm giữa năm 2015. Thiết bị này có độ ổn định lớn khi gặp gió, hơn nữa còn có thể định vị từ vệ tinh. Nó được kỳ vọng sẽ là thiết bị cơ khí đầu tiên chinh phục thành công vực sâu hơn 100 m giữa trụ T3 và ga đến.
Sáng hôm đó, hàng trăm công nhân Việt Nam mắt chữ O, mồm chữ A dõi theo chiếc flycam đang từ từ bay lên trên tán rừng. Phần đông trong số họ lần đầu tiên mới được thấy một cỗ máy vừa biết bay, vừa biết rải cáp thay sức người. Gió vẫn cứ luẩn quẩn thốc ngược từ vực xa lên, nhưng cỗ "trực thăng" 8 cánh vẫn rè rè tiến về phía trước.
10 mét, 20 mét, 30 mét… Máy bay dẫn cáp mồi vẫn đang tiếp tục bay. Các kỹ sư Tây, tay lăm lăm ống nhòm đã nhẹ nhõm mỉm cười khi thiết bị của họ dần dần chuyển quỹ đạo theo hướng đi lên gần trụ cuối.
Đúng lúc này, tín hiệu màn hình điều khiển đột ngột trở nên nhiễu loạn. Tiếng cảnh báo nguy hiểm tít tít liên hồi. Chỉ vài giây sau, trên màn hình, chấm xanh hiển thị flycam hoàn toàn biến mất. Kế hoạch phá sản khi chỉ còn cách đích một khoảng rất gần.
Chiếc flycam tiền tỷ ấy đã bị gió quật vào vách đá rơi xuống. Động cơ vẫn còn nhưng cánh thì nát hết. Và Sun Group lại phải dựa vào sức người để kéo cáp. Một nhóm công nhân vác bộ theo các sợi cáp có đường kính 6 mm trải ra từng đoạn trước khi đấu nối với nhau thành một đường dài. Sau đó, cáp sẽ được đưa lên trụ công vụ rồi sử dụng máy tời nhỏ để kéo dần.
"Không được chặt cây, chúng tôi đã sử dụng phương pháp kéo cáp nổi trên mặt rừng. Anh em cứ rải dây mồi, tới khi gặp cây cao thì trèo lên vắt qua ngọn", Đỗ Minh Giang, cựu kỹ sư phụ trách cáp công vụ cho biết.
Với đoạn qua vực sâu đã hạ gục chiếc flycam, Giang và đồng nghiệp buộc phải thuê người Mông bản địa đóng các thang gỗ để xuống đáy. Có những đoạn, người kéo cáp phải đu dây như Tarzan. Phải mất một tháng, công nhân mới kéo cáp qua được con vực ấy. Nếu như chiếc flycam thành công, thời gian sẽ chỉ là 10 phút.
Bình thường, công nhân chỉ cần kéo cáp mồi một lần. Sau đó thì buộc cáp chính vào cáp mồi rồi dùng tời kéo lên. Nhưng do tuyến cáp 3 dây nặng tới 135 tấn nên công nhân phải mồi tới 5 lần. Sợi cáp đường kính 6 mm là sợi mồi đầu tiên. Sau đó, họ dùng nó để kéo sợi 12 mm, rồi dùng sợi 12 mm kéo sợi 26 mm, rồi 32, 48 mm. Sau đó, 8 máy tời công suất lớn ở ga đi và ga đến hoạt động hết công suất để vừa kéo, vừa giữ đuôi sợi cáp chính.
Do yêu cầu kỹ thuật đối với cáp chính rất nghiêm ngặt nên một tổ giám sát gồm Nguyễn Xuân Hậu và 4 người khác phải đảm bảo cáp không được trùng tới mức có thể chạm ngọn cây. Đồng thời cũng phải giữ cho dây không căng, tránh trường hợp đổ trụ đỡ hoặc đứt cáp. Vừa đi, chàng phiên dịch vừa ngẩng đầu lên trời dán chặt vào dây cáp trên cao.
Bỗng roạt một phát, Hậu thấy mình chới với. Cỏ cây túi bụi quất vào mặt. Mắt không thể mở và tim gần như ngừng đập. Đó là thứ cảm giác sợ hãi rõ rệt mà Hậu bảo suốt cả đời cậu cũng không thể nào quên được.
Hậu bị trượt chân xuống vực. Chẳng kịp nghĩ gì nhiều, Hậu chỉ kịp nhớ lời anh em dặn là dang tay ra xem có gì bám được thì bám lại. Trượt thêm được chừng 12,13m, khi đôi tay Hậu đã bỏng rát và tê dần thì bất ngờ lại "quờ" trúng sợi dây leo bò ngang vách vực. Cả người cậu bị giật mạnh rồi khựng lại. Đá vẫn lăn xuống phía dưới.
Tới tận lúc này, Hậu mới hoàn hồn để thở hắt ra và nhìn lên đoạn vách mà mình vừa trượt. Phía trên, cả đoàn đang nhốn nháo mắc dây bảo hiểm để kéo cậu trai trẻ lên. "Khi đó, tôi xước xát khắp người, ngoài ra bộ đàm cũng bị rơi mất", Hậu nhớ lại.
Không may mắn như Hậu, Sigrist Reto, trưởng nhóm kéo cáp chính bị ngã xuống vực và phải khâu 6 mũi khi đi giám sát. Còn Trần Đình Luật, anh kỹ sư điện thì "đánh dấu" kỷ niệm Fansipan bằng một vết sẹo trên trán và hàng chục vết khâu ở tay chân. Khi gặp nạn, anh treo mình trên cột cao hàng chục mét, máu chảy đầm đìa. Đồng đội bọc anh kín mít trong chăn. Phần đầu thì garo cầm máu tạm bằng sợi dây thừng buộc ngang. Và anh được khiêng xuống núi bằng một cái cây, như cách ngày xưa người ta khiêng người… đi đẻ.
"Có đoạn dốc quá, mọi người còn phải thả ra, kéo lê em đi. Sau 3 tiếng, ra đến Trạm Tôn thì em vẫn mê man nên anh em còn xúm vào tát thật đau để em tỉnh lại", Luật kể.
Sau 5 tháng ngửa mặt lên trời và đôi lần hút chết như thế, tháng 12/2015, tuyến cáp cuối cùng cũng hoàn thành. 20 chuyên gia của hãng cáp treo hàng đầu thế giới lao xuống phố. Gặp ai họ cũng ôm, cũng đòi được chúc mừng. Anh em người Việt Nam ở dọc tuyến thì có người hò hét, có người bật khóc vì rốt cuộc, đứa con tinh thần của mình đã được khai sinh.
Nhưng sau ngày ăn mừng ấy, ông Sigrist Reto chia sẻ: "Nhiều đồng nghiệp sau khi kéo cáp đã phải thú nhận rằng họ sẽ không nhận thêm bất cứ công trình nào như vậy nữa. Cáp treo Fansipan là một công trình khổng lồ. Quá khó khăn, vất vả!".
Tháng 2/2016, tuyến cáp treo 3 dây dài nhất thế giới được khánh thành. Hàng nghìn người đã xếp hàng tại ga Mường Hoa để hiện thực hóa ước mơ chạm tay vào nóc nhà Đông Dương.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cho biết tuyến cáp treo sẽ mở ra cơ hội lên đỉnh Fansipan cho người già, trẻ em, người tàn tật hay những người không đủ thời gian leo núi. Với các phượt thủ, Lào Cai vẫn giữ lại các tour leo núi kéo dài từ một đến bốn ngày.
Assu, du khách đến từ Ấn Độ, đã đặt trước chuyến hành trình leo núi hai ngày một đêm nhưng đúng lúc khởi hành thì Sa Pa trở lạnh và mưa không dứt. Nhưng không muốn hoãn chuyến đi để đời, Assu và bạn đồng hành đã cùng nhau bước qua những cung đường trơn trượt. Cả đêm trong căn lều mỏng manh ở cao độ 2.800m, anh ôm chặt người bạn nhưng cả hai vẫn lạnh không ngủ nổi. Thỉnh thoảng, Assu lại phải dùng cây chọc nóc lều cho nước khỏi đọng lại quá nhiều.
6h sáng hôm sau, anh tiếp tục hành trình và miệng liên tục động viên mình phải chạm tay vào cái chóp nhôm huyền thoại. 9h sáng, mặc cho áo mưa giấy đã rách tả tơi, mặc cho mái tóc xoăn bết vào nhau vì nước, Assu nở nụ cười, cắn chiếc huy chương chinh phục Fansipan và chụp ảnh làm kỷ niệm. Sau đó, anh bước lên cáp treo, nhẹ nhàng trở về Sa Pa sau khi chinh phục được mục tiêu mơ ước.
Còn với Vũ Ngọc Anh, chàng trai từng gãy xương tới 150 lần vì căn bệnh xương thuỷ tinh thì khác. Anh đã vượt qua nghịch cảnh, khám phá đất nước bằng xe lăn và đầu gối của mình. Nhưng chinh phục Fansipan với anh vẫn chỉ nằm trong những giấc mơ điên rồ nhất…
Cho đến khi tuyến cáp treo được khánh thành.
Trong chuyến đi trải nghiệm, Vũ Ngọc Anh đã nhẹ nhàng băng qua tán rừng, bỏ lại xe lăn tại ga đến và đi bằng đầu gối đã chai sạn. Những bậc đá nặng 300 kg, cao 20 cm, sâu 15 cm từng được 15 công nhân khiêng lên trở thành bước đệm trên hành trình của Ngọc Anh.
"Tôi nhớ ở cực Đông đã suýt nữa phải vào viện vì rách da, ở cực Bắc đau và mỏi rã rời sau khi lên tới nơi. Nhưng ở đây, nó hơn những thứ đó rất nhiều. Mỗi bước đi, cảm giác như có nghìn viên đá dăm hằn sâu vào đầu gối, đau rát qua lớp vải quần bò mà tôi nghĩ nó có thể bảo vệ mình", Ngọc Anh chia sẻ.
Và sau khoảng một tiếng anh bò lên đến đỉnh trong tiếng vỗ tay hò hét của những du khách đi cùng. "Họ chụp ảnh cùng, bắt tay chúc mừng, nhưng tôi không còn nhìn thấy gì nữa, tai ù đi và mắt nhòe cay."
Cáp treo Fansipan đã thu hút rất nhiều khách du lịch như Asssu và giúp những người như Vũ Ngọc Anh chinh phục nóc nhà Đông Dương. Năm 2011-2012, trước khi tuyến cáp kỷ lục được xây dựng, Sa Pa chỉ đón 500.000 lượt khách. Năm 2016, khi tuyến cáp treo được khánh thành, con số này lên đến 1,5 triệu. Năm 2019, con số này là 3,2 triệu, chiếm đến 63% số khách du lịch đến tỉnh Lào Cai. "Trong đó, cứ 10 người đến Sa Pa thì 7 người đi cáp treo Fansipan", ông Vương Trinh Quốc, chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết.
Không những tăng về số lượng, du lịch Sa Pa còn tăng cả về chất lượng khi mỗi du khách đến nơi này đã "móc hầu bao" nhiều gấp hơn 2 lần: Từ 1,1 triệu đồng/người vào năm 2015 lên mức 2,7 triệu đồng/người năm 2020.
Nhờ du lịch, người dân có công ăn việc làm và tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ gần 51% năm 2015 xuống 13,5% năm 2020.
Má A Tông, chàng trai H'Mông đã giúp gia đình thoát nghèo nhờ vác xi măng lên núi năm 2014 nay trở thành bảo vệ cho khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Có lương tháng ổn định gửi về cho vợ con, nhà anh đã có cơm ăn, áo mặc.
Có lần đồng nghiệp ghé chơi rồi nhìn ngôi nhà tranh lụp xụp như chực đổ sập mỗi khi trời mưa lớn mà lòng nghẹn ngào. Lãnh đạo công ty, lãnh đạo Tập đoàn Sun Group biết sự tình, trích quỹ và thậm chí ủng hộ cả tiền cá nhân, cử người về xây lại cho A Tông căn nhà khang trang để vợ con anh an tâm sinh sống, để anh yên tâm đi làm trong những ngày mưa gió.
Hành trình 800 ngày ăn gió nằm sương của những công nhân, kỹ sư như Nguyễn Xuân Hậu, Trịnh Văn Hà, Má A Tông, Trần Đình Luật,… khép lại bằng một mùa hoa trái ngọt ngào. Tuyến cáp treo không chỉ là công trình lớn nhất Sa Pa mà còn động lực xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, là cầu nối của du khách đến với đỉnh núi hùng vĩ nghìn năm mây phủ.