Tại sao việc BKAV ngừng hợp tác với Thế Giới Di Động lại là một điều tốt?

Bình Minh |

Bphone 3 sẽ không được bán tại hệ thống Thế Giới Di Động nữa, thay vào đó sẽ có mặt trên chuỗi hơn 300 cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc. Tại sao BKAV lại làm điều này?

Mới đây, BKAV đã chính thức tung ra thế hệ smartphone mới nhất của mình là Bphone 3. Trái lại với hai thế hệ đầu tiên, phản ứng của người dùng về Bphone 3 khá tích cực. Với những điểm mạnh về thiết kế màn hình tràn đáy, khả năng kháng nước, camera khẩu độ lớn và đặc biệt là mức giá chỉ từ 6.9 triệu, Bphone 3 là một chiếc máy khá cạnh tranh trong phân khúc.

Tuy nhiên, có một điểm khiến khá nhiều người bất ngờ là BKAV lại ngừng hợp tác với Thế Giới Di Động và Bphone 3 không được bán tại đây. Thay vào đó, BKAV sẽ lựa chọn 300 cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc để phân phối.

Khi lợi thế của Thế Giới Di Động là bất lợi với BKAV

Sự "chia ly" giữa BKAV với Thế Giới Di Động (TGDĐ) thực chất đến từ một vấn đề rất hiển nhiên, tuy nhiên lại khó để đi tìm lời giải: cung và cầu.

Theo số liệu mới nhất, TGDĐ có 1777 cửa hàng trên toàn quốc. Như vậy, nếu muốn khách hàng có cơ hội trải nghiệm Bphone 3 ở mọi cửa hàng, BKAV sẽ phải sản xuất tối thiểu là 1777 máy (chưa tính trường hợp một cửa hàng có nhiều hơn một máy trải nghiệm).

Đương nhiên, trải nghiệm không thôi thì chưa đủ, BKAV sẽ còn phải sản xuất một lượng máy để bán cho khách hàng. Xét tối thiểu, mỗi cửa hàng sẽ phải dự trữ ít nhất 3 máy, tức là BKAV sẽ phải sản xuất 1777 x 3 = 5331 máy. Cộng với con số 1777 máy trải nghiệm ở trên, BKAV sẽ phải sản xuất tối thiểu 7108 máy, chưa biết rằng chúng có bán được hay không.

 Tại sao việc BKAV ngừng hợp tác với Thế Giới Di Động lại là một điều tốt?  - Ảnh 1.

Người dùng trải nghiệm Bphone 2017 tại Thế Giới Di Động

Cần phải nhấn mạnh rằng đây là những phép toán mang tính tương đối. Sẽ có những cửa hàng TGDĐ được đặt ở nơi đông dân cư, vậy nên số lượng 1 máy để trải nghiệm và 3 máy để bán chắc chắn sẽ không thể đủ.

Trong khi đó, có những khu vắng vẻ, người dân ít biết đến Bphone thì 3 máy kia sẽ tốn rất lâu mới có thể bán hết. Chúng ta có thể thấy tình trạng mất cân bằng về lượng máy giữa các cửa hàng sẽ xảy ra nếu không được điều tiết một cách hợp lý.

Lúc này, bài toán đặt ra với những người làm marketing của BKAV là: phân bố máy ở từng cửa hàng TGDĐ như thế nào? Đây có thể là một vấn đề đơn giản nếu như số lượng cửa hàng dừng lại ở mức 1 hay 2 con số... nhưng lại quá khó để giải quyết khi TGDĐ có đến 1777 cửa hàng ở 63 tỉnh thành. Việc TGDĐ có quá nhiều cửa hàng đã vô tình tạo ra gánh nặng cho BKAV.

Năm ngoái BKAV bán được bao nhiêu chiếc Bphone 2017? Theo thông tin chính thức được tập đoàn này đưa ra, con số này là 10000 máy sau 1 năm.

Nếu như BKAV bán được chỉ 10000 máy, nhưng phải sản xuất đến gần 2000 máy chỉ để trải nghiệm để rồi sau đó lưu kho (vì rõ ràng máy trải nghiệm không thể bán cho người dùng), đó sẽ là một thảm họa theo đúng nghĩa đen dành cho những công ty sản xuất smartphone với quy mô nhỏ như BKAV. Vấn nạn nơi thừa máy, nơi thiếu máy cũng sẽ góp phần khiến cho BKAV gặp khó khăn trong việc chốt số lượng sản xuất để tránh "khủng hoảng thừa".

Bài toán khó là vậy, nhưng tại sao BKAV lại vẫn hợp tác với TGDĐ?

Đứng trước vấn đề trên, nhiều người sẽ nghĩ rằng: "Tại sao không phân bố Bphone ở một lượng nhỏ cửa hàng TGDĐ nhất định chứ không phải là tất cả?". Thực tế, đó cũng là cách mà BKAV đã làm hồi năm ngoái với Bphone 2017: chỉ một số cửa hàng nhất định mới trưng bày và bán.

Tuy nhiên với cách này, lợi thế của TGDĐ so với các nhà bán lẻ khác là tính bao phủ lại không được phát huy. Nếu như người dùng phải tốn công đến một cửa hàng TGDĐ nhất định chứ không phải là cửa hàng gần nhà mới có cơ hội trải nghiệm Bphone, thì việc BKAV hợp tác với TGDĐ cũng chẳng hơn gì so với các cửa hàng nhỏ lẻ với lượng cơ sở thưa thớt. Đây cũng là lời phàn nàn phổ biến của cộng đồng, khi họ ra cửa hàng TGDĐ nhưng không có máy Bphone để trải nghiệm hoặc mua, thậm chí nhân viên còn không biết Bphone là gì.

 Tại sao việc BKAV ngừng hợp tác với Thế Giới Di Động lại là một điều tốt?  - Ảnh 2.

Lượng cửa hàng TGDĐ có trưng bày và bán Bphone là không nhiều

Lý do thật sự mà BKAV muốn hợp tác với TGDĐ hồi năm ngoái thực chất mang ý nghĩa nhiều hơn trong việc thúc đẩy thương hiệu. Nếu như Bphone là một thương hiệu điện thoại còn quá mới trong mắt người dùng, thì TGDĐ lại là một chuỗi bán lẻ quá lớn mà ai cũng biết.

BKAV sẽ dùng cái "tiếng" của TGDĐ để khiến người dùng biết đến nhiều hơn về sản phẩm của mình. Điều này càng có cơ sở hơn khi BKAV từng tuyên bố rằng Bphone 2017 có sứ mệnh "định vị thương hiệu, khẳng định niềm tin vào chất lượng smartphone Made in Vietnam" chứ không phải là doanh số.

Và khi nhiệm vụ này đã hoàn thành, BKAV sẽ lập tức "nghỉ chơi" với TGDĐ. Đây cũng là lý do tại sao TGDĐ ngừng bán Bphone 2017 chỉ sau chưa đầy 10 tháng.

Ngừng hợp tác với TGDĐ là biện pháp cần thiết để BKAV có thể bán được Bphone 3

Nay khi mà Bphone đã sang đến thế hệ thứ ba, BKAV sẽ không thể coi đây là sản phẩm để tạo dựng thương hiệu được nữa mà là để bán.

Như một số thông tin rò rỉ về Bphone 3 trước khi máy ra mắt , một trong những lý do BKAV ngừng hợp tác với TGDĐ là vì chi phí quá cao và khiến cho giá máy bị độn lên. Giá bán cũng là thứ mà người dùng phàn nàn nhiều nhất ở những thế hệ Bphone trước đây, và trên Bphone 3, BKAV phải giải quyết tình trạng này thì mới có thể bán được hàng.

Ngừng hợp tác với TGDĐ là điều người dùng không mong muốn, nhưng cái họ nhận được là một chiếc máy với giá tốt hơn - và chúng tôi nghĩ rằng, đó là một sự đánh đổi hoàn toàn xứng đáng và hợp lý trong tình cảnh hiện nay của BKAV.

 Tại sao việc BKAV ngừng hợp tác với Thế Giới Di Động lại là một điều tốt?  - Ảnh 3.

Để Bphone 3 có được mức giá tốt, BKAV sẽ phải ngừng hợp tác với TGDĐ

Thay thế cho TGDĐ sẽ là chuỗi 300 cửa hàng liên kết được trải dài trên khắp cả nước. Đây là những cửa hàng rất nhỏ lẻ, thậm chí một số trong đó chưa bao giờ kinh doanh điện thoại mà chỉ là phụ kiện. Chính vì vậy, BKAV chỉ cần đặt 1 máy trải nghiệm tại mỗi cửa hàng là đủ.

Ngoài ra, BKAV còn đặt ra một điều khoản mà chúng tôi chưa bao giờ thấy ở một chương trình pre-order: khách hàng sẽ không được rút cọc khi số suất đặt trước đã hết. Điều này khiến cho khách hàng sẽ phải rất chắc chắn khi đặt cọc Bphone 3, và giúp cho BKAV tránh khỏi tình trạng khủng hoàng thừa như đã nói ở trên.

 Tại sao việc BKAV ngừng hợp tác với Thế Giới Di Động lại là một điều tốt?  - Ảnh 4.

BKAV sẽ không hoàn tiền cọc cho khách hàng khi số suất đặt đã hết

Rõ ràng, khi mua tại những cửa hàng này, người dùng sẽ không thể có được sự phục vụ tận tình và không gian trải nghiệm tốt như TGDĐ - nhưng một lần nữa, đó là thứ mà người dùng buộc phải đánh đổi để có được mức giá tốt, cũng như giúp do BKAV có thể tiếp tục duy trì hoạt động của mình để ra mắt Bphone 4 vào năm sau.

Dù sao, hãy cùng hy vọng rằng Bphone 3 và các thế hệ Bphone sau này sẽ được người dùng đón nhận và giúp cho BKAV thành công, từ đó giúp cho nhà sản xuất này tự tin quay trở lại TGDĐ mà không gặp chút vướng bận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại