Từ hồi nhỏ tới giờ, chắc chắn ai cũng đã từng nhiều lần hí hoáy ngồi vẽ hình tròn bằng tay. Thế nhưng tròn đâu không thấy, toàn bị méo mó thôi.
Nếu thất vọng vì sự vụng về của mình, thì hãy quên đi. Bởi đây hoàn toàn không phải lỗi của bạn, mà là do cơ chế của não bộ.
Trước tiên, phải nói rằng chúng ta có thể nhận ra một hình có tròn thực sự hay không khá dễ dàng. Đó là nhờ vỏ não thị giác đã phát triển theo thời gian để giúp chúng ta phân biệt các chi tiết dù chỉ là "sự khác biệt nhỏ nhất". Nhưng vẽ đường tròn, ngược lại, lại phức tạp hơn rất nhiều.
Các phần của não bộ chịu trách nhiệm vẽ đường tròn lại tách biệt với nhau, vì vậy khá khó khăn để chúng có thể kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, để kiểm soát hoạt động của các cơ.
Trong khi đó, não bộ lại "thích sự đơn giản," như là điều khiển cử động của một khớp thay vì quá nhiều khớp cùng một lúc. Vẽ một đường tròn hoàn hảo chẳng khác gì bắt não bộ thách thức thói quen này.
Natalia Dounskaia - phó giáo sư ngành Khoa học vận động giải thích: "Trong hầu hết các chuyển động của cánh tay, vai hoạt động giống như tay cầm, còn khuỷu tay chuyển động theo sau. Điều này cũng tương tự giống chuyển động của roi da: bạn chủ động di chuyển tay cầm và sau đó toàn bộ dây xích di chuyển thụ động."
Dounskaia nói: "Hình tròn là một trong những dạng hình khó kiểm soát nhất. Để vẽ được một đường tròn hoàn hảo đòi hỏi vai và khuỷu tay phải phối hợp ăn ý với nhau. Bộ não cần phải xử lí rất nhiều thông số, và nó không có đủ nguồn lực để tập trung vào việc điều chỉnh chuyển động và làm nhiệm vụ nhận thức cùng một lúc."
Thế nhưng, vẫn có những người có khả năng vẽ được một đường tròn lí tưởng như ta hằng mơ ước. Đó là Alexander Overwijk - một giáo viên toán từ Ottawa, được biết đến như là "Nhà vô địch thế giới về vẽ vòng tròn".
Dù cho đây không phải là một cuộc thi thật sự nhưng dám chắc là ai cũng sẽ há hốc khi nhìn thấy tác phẩm của ông ấy sau đây:
Nghiên cứu cũng cho thấy các nghệ sĩ thường có xu hướng vẽ vòng tròn tốt hơn. Có lẽ vì họ giỏi hơn những người bình thường trong việc nhận ra và sửa chữa các lỗi.
Nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng, nếu chăm chỉ luyện tập, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện khả năng này. "Có công mài sắt, có ngày nên kim" mà, biết đâu sau này bạn có thể đạt được trình độ giống như Overwijk thì sao?