Trung Quốc đã từ chối cho tàu sân bay USS Stennis của Mỹ cùng đoàn tàu chiến hộ tống được phép ghé cảng Hong Kong.
Theo AFP, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá Bill Urban xác nhận trong cuộc họp báo ngày 29-4: “Chúng tôi mới nhận được thông tin là yêu cầu của phía Mỹ được ghé qua cảng Hong Kong đã bị từ chối”.
Từ chối vào giờ chót
Vụ việc được báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong tiết lộ trước đó vài giờ và phía Bộ Quốc phòng Mỹ phải thông tin xác nhận.
Tờ báo của Hong Kong dẫn nguồn tin từ một quan chức thuộc Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong xác nhận đến tận tối thứ năm (28-4), Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới thông báo với Mỹ về việc tàu sân bay USS Stennis không được phép cập cảng Hong Kong.
Trong văn bản trả lời câu hỏi từ báo SCMP gửi tối 29-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tất cả các chuyến cập cảng của tàu chiến Mỹ tới Trung Quốc đều phải được xem xét theo “từng trường hợp một trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc chủ quyền và tình hình cụ thể”.
Câu trả lời này Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nêu tương tự với Hãng tin Reuters vào hôm qua (30-4). Theo bình luận của Hãng thông tấn Reuters, trong văn bản trả lời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đề cập trực tiếp đến lý do từ chối.
Theo Reuters, một quan chức hải quân Mỹ giấu tên cho biết phái viên ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong đã chuyển cho chỉ huy tàu USS Stennis lời từ chối từ Bắc Kinh và chỉ giải thích rằng việc ghé thăm “không phù hợp” vào thời điểm này.
Phía Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tỏ ra bất ngờ về lời từ chối lần này. “Các tàu Mỹ đã nhiều lần ghé qua cảng Hong Kong không có vấn đề gì và thậm chí hiện nay có tàu USS Blue Ridge đang neo đậu tại đấy. Chúng tôi hi vọng việc quá cảnh sẽ được phép tiếp tục” - người phát ngôn Bill Urban cho biết.
Do lời từ chối phát đi muộn nên những chuyến tham quan tàu USS Stennis được dự kiến tổ chức trong ba ngày 28 đến 30-4 đã bị hủy vào giờ chót.
Bắc Kinh bực chuyện Biển Đông?
Đây là lần đầu tiên tính từ tháng 8-2014 (vụ tàu USS Halsey bị từ chối) một tàu Mỹ bị cấm ghé vào cảng Hong Kong.
Nhưng do câu trả lời không rõ ràng từ Trung Quốc khiến người ta phải suy diễn vụ việc gắn với chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên tàu USS Stennis hồi giữa tháng 4 khi nó đang tuần tra ở Biển Đông.
Bộ trưởng Carter cùng Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã bay trực thăng ra thăm USS Stennis khi nó đang hoạt động ở khu vực cách đảo Luzon của Philippines khoảng 100km về phía tây.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng động thái đó khiến Bắc Kinh khó chịu vì nó chứng tỏ Mỹ gắn kết thực sự với đồng minh Philippines. Chưa kể là lúc ở trên tàu, Bộ trưởng Carter đã mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa các đảo chiếm đóng ở Biển Đông.
Rồi là việc tuần trước, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tiết lộ đã điều 6 chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt hoạt động gần bãi cạn Scarborough của Philippines mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc này.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Mỹ cập cảng biển của họ. Như các lần cập cảng đã bị ngưng lại trong đợt khủng hoảng ngoại giao hai nước sau vụ đụng máy bay Mỹ - Trung trên bầu trời Hải Nam đầu tháng 4-2001 khiến một máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị rơi và phi công mất tích.
Trong dịp lễ Tạ ơn năm 2007, Bắc Kinh từng không cho tàu sân bay USS Kitty Hawk tới thăm Hong Kong sau khi Washington công bố hợp đồng bán tên lửa hiện đại cho Đài Loan và tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã gặp Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng.
Tuy nhiên 5 tháng sau đó, vào tháng 4-2008, tàu sân bay Kitty Hawk lại được phép cập cảng khi quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trở lại bình thường.
Trung Quốc phản ứng Mỹ chuyện tòa ở The Hague
Theo ECNS, ngày 29-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối quan điểm của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague về vấn đề đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ hôm 28-4, ông Blinken nói Trung Quốc không thể cùng lúc chọn cả hai cách, vừa là thành viên tham gia Công ước LHQ về Luật biển lại vừa bác bỏ những điều khoản của công ước, trong đó có điều khoản “tuân thủ mọi quyết định của tòa án quốc tế”.
Bà Hoa Xuân Oánh chỉ trích: “Tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng ông Blinken có thể đã được thông tin sai về bản chất những tranh chấp ở Biển Đông và nội dung của Công ước LHQ về Luật biển, hoặc là ông ấy đã cố tình áp đặt sai trái cho Trung Quốc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lặp lại quan điểm Bắc Kinh sẽ không chấp nhận và sẽ không tham gia phiên tòa quốc tế do Philippines khởi xướng.