Trong những năm 1960 và 1970 của thế kỉ trước, cấu tạo của hộp số trên xe máy đặt số mo (N - Neutral) lên trước số 1. Điều này được xem như hiển nhiên và phù hợp nhất về thiết kế xét trên phương diện kĩ thuật
Cách bố trí các bước chuyển số trong suốt những năm 1960-1970.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, một số người sử dụng phàn nàn về tính thuận tiện cũng như an toàn của cách bố trí này trong khi chạy xe.
Kết quả là, vào năm 1975, một nghị định tại Mỹ được đưa ra yêu cầu tất cả các loại xe nhập khẩu vào đất nước này đều phải có cấu tạo số N nằm giữa số 1 và số 2.
Các bước chuyển số sau khi được bố trí lại.
Vậy tại sao cách bố trí mới vẫn tồn tại và được sử dụng phổ biến?
Nguyên nhân đầu tiên là do tính thuận tiện vào thời điểm xuất phát, khi một bên chân của bạn đang chống dưới đất, thì dậm số là thao tác dễ thực hiện hơn so với việc phải đặt cả bàn chân vào đúng vị trí để thực hiện thao tác gảy.
Nguyên nhân thứ 2 và cũng là nguyên nhân chính mà cách bố trí mới được ra đời. Đó chính là giúp người sử dụng tránh được hiện tượng sang số nhầm.
Không giống như trên ô tô, rất ít những mẫu xe côn tay có cơ chế hiển thị số. Đặc biệt với những chiếc phân khối lớn thì 6 cấp số thực sự trở thành một vấn đề.
Ngoài lực hãm từ hệ thống phanh, khi cần giảm tốc độ khẩn cấp, người lái cần đưa xe về cấp số nhỏ nhất, kỹ năng này còn gọi là "Engine Braking", sử dụng chính lực ghì từ việc xuống số để hãm xe lại.
Và với cách bố trí mới, người lái sẽ có thể dễ dàng chuyển tới cấp số 1 mà không cần lo lắng về việc sang nhầm tới số N như trên cơ chế cũ. Người lái chỉ chuyển tới cấp số N khi dừng xe hoặc họ thực sự muốn, chứ không hề do vô tình.
Thiết kế với số N nằm giữa số 1 và 2 vào thời điểm những năm sau 1975 được xem như một việc kì lạ và trái với lẽ thường. Nhưng sự thật thì nó đã hoạt động rất tốt trong hơn 40 năm qua và chắc chắn vẫn sẽ được tin dùng trong vài thập kỉ tới.