Tại sao Tổng thống Mỹ quyết giữ nhà tù Guantanamo bằng mọi giá?

Hồng Anh |

Việc duy trì nhà tù trên Vịnh Guantanamo đã ngốn của Mỹ một khoản ngân sách không hề nhỏ.

Căn cứ Hải quân Gitmo nằm trên bờ Vịnh Guantanamo, phía đông nam Cuba là căn cứ quân sự lâu đời nhất của Mỹ ở nước ngoài. Nơi đây được Mỹ sử dụng là nhà tù giam cầm hàng trăm nghi phạm được coi là nguy hiểm khắp nơi trên thế giới, bao gồm những phần tử khủng bố bị nghi ngờ liên quan tới vụ tấn công tòa tháp đôi của Mỹ ngày 11/9/2001.

Nhà tù tại Guantanamo tiêu tốn kinh phí khủng

Việc duy trì nhà tù tại Vịnh Guantanamo đã ngốn của Mỹ một khoản ngân sách không hề nhỏ. Mỗi năm, người đóng thuế của Mỹ phải chi trả hơn 10 triệu USD cho việc giam giữ 1 tù nhân tại Gitmo. Đây là một khoản chi phí khổng lồ so với con số 78.000 USD cho mỗi tù nhân bị giam giữ ngay trên đất Mỹ.

Mặc dù số lượng tù nhân bị bắt giữ tại Gitmo đã giảm đáng kể và hiện tại nơi đây chỉ còn vài chục tù nhân nghi có liên hệ với khủng bố. Tuy nhiên, Liên đoàn Tự do Dân sự của Mỹ ước tính, để giam số người này tốn mất 168,1 triệu USD/năm, còn nếu nhà tù này trên đất Mỹ chỉ tốn 2,7 triệu USD.

Sở dĩ việc duy trì nhà tù ở Vịnh Guantanamo tiêu tốn nguồn tài chính khủng như vậy là bởi nơi đây phải thực hiện việc bảo trì và nâng cấp thường xuyên cơ sở hạ tầng, cũng như duy trì hoạt động của khoảng 2 nghìn quân nhân trong Lực lượng đặc nhiệm phối hợp (JTF). Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn phải trả lương cho khoảng 100 chuyên gia y tế chuyên khám chữa bệnh cho tù nhân và các binh sỹ . Tiếp đến, nơi đây cũng thuê một số lượng lớn luật sư với văn phòng đại diện tại Washing ton. Các luật sư, trợ lý và nhân viên hỗ trợ thường xuyên thực hiện các chuyến bay tới Guantanamo mỗi tuần để gặp gỡ thân chủ của họ hoặc tham gia những phiên xét xử tại tòa án quân sự.

Không chỉ bị người dân chỉ trích vì tiêu tốn quá nhiều kinh phí, kể từ khi được thành lập vào năm 2002, nhà tù vịnh Guantanamo đã bị các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ trên thế giới lên án vì các phương pháp thẩm vấn gây tranh cãi và tính hợp pháp không rõ ràng, giam giữ tù nhân vô thời hạn mà không tuyên án họ có tội hay không.

Tại sao Tổng thống Donald Trump quyết duy trì nhà tù này?

Trong thông điệp liên bang hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã ký một sắc lệnh yêu cầu Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis xem xét lại chính sách bắt giam tù nhân và tiếp tục duy trì hoạt động của nhà tù tại Vịnh Guantanamo cũng như điều chuyển tù nhân tới nơi đây.

Theo sắc lệnh, việc giam giữ những tù nhân mà Mỹ cho là “nguy hiểm” tại nhà tù này là “hợp pháp, an toàn, nhân đạo và phù hợp với quy định của Mỹ cũng như luật lệ quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis có trách nhiệm đưa ra các khuyến nghị chính sách cho ông Trump về việc chuyển tù nhân tới Guantanamo, nơi hiện có 41 người vẫn đang bị giam giữ. Câu hỏi đặt ra là, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm thế nào để lấp đầy chỗ trống trước việc “tù nhân vắng bóng”?.

Một số nhà quan sát cho rằng, cơ sở này sẽ không chỉ được sử dụng theo mục đích ban đầu là giam giữ nghi phạm khủng bố, mà còn được mở rộng để giam giữ thành viên của những băng đảng bạo lực khét tiếng, trong đó có băng đảng MS13 có nguồn gốc từ Trung Mỹ - được coi là một trong những nhóm tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, chuyên buôn bán ma túy, hãm hiếp, buôn người.

Việc duy trì nhà tù Vịnh Guantanamo ngoài phù hợp với chính sách của Tổng thống Donald Trump còn được coi là chiến thắng và thể hiện thế áp đảo của phe Cộng hòa trước phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ.

Trong suốt thời gian nắm quyền, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đóng cửa nhà tù này. Theo kế hoạch, ông Obama dự định chuyển tất cả những tù nhân có “nguy cơ thấp” sang các quốc gia khác, những đối tượng còn lại sẽ được đưa tới các căn cứ giam giữ bí mật bên trong nước Mỹ. Thế nhưng, phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện nhất định bác bỏ trong khi phe Dân chủ thì lên tiếng ủng hộ quyết định của ông Obama. Theo báo The Hill, các thành viên Đảng Cộng hòa đã chính thức ra nghị quyết phản đối việc di chuyển nhiều tù nhân ra khỏi Guantanamo vì lo ngại mối nguy đối với an ninh quốc gia.

Cuộc chiến giữa phe Dân chủ và Cộng hòa về kế hoạch đóng cửa nhà tù gây tranh cãi này đến thời Tổng thống Donald Trump vẫn chưa ngã ngũ.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong lịch sử Đảng Cộng hòa thường cố gắng gây dựng hình ảnh là một đảng có tiếng nói mạnh mẽ và cứng rắn hơn về mặt quốc phòng so với Đảng Dân chủ. Việc phản đối đóng cửa nhà tù trên Vịnh Guantanamo phù hợp với quan điểm này, bất chấp lời cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế cho rằng việc duy trì nhà tù này này thậm chí gây ra nhiều mối đe dọa hơn đối với an ninh của Mỹ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn muốn đảo ngược mọi di sản của người tiền nhiệm, chẳng hạn như hủy bỏ Đạo luật Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền, hủy bỏ Chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ (gọi tắt là DACA) hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Quyết định duy trì nhà tù Guantanamo cũng không nằm ngoài dự kiến mặc dù so với thời cựu Tổng thống Bush, số lượng tù nhân được thả dưới thời ông Obama ít hơn nhiều./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại