Tại sao Thụy Điển sẽ trở thành “mỏ vàng” công nghệ quân sự nếu gia nhập NATO?

Anh Tú |

Thụy Điển được đánh giá là quốc gia có công nghệ quốc phòng tiên tiến, cho phép họ trở thành một đối tác đáng tin cậy của NATO.

Máy bay chiến đấu JAS 39 của Thụy Điển. Ảnh: Creative Commons

Máy bay chiến đấu JAS 39 của Thụy Điển. Ảnh: Creative Commons

Thụy Điển đang nghiêm túc cân nhắc khả năng xin gia nhập NATO, mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn khi quốc gia Bắc Âu này công bố báo cáo chính sách an ninh vào ngày 15/5.

Từ nhiều thập kỷ nay, Thụy Điển vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập, không liên minh quân sự với các nước.

Tuy nhiên, Thụy Điển lại là quốc gia đã phát triển được một nền tảng công nghiệp quân sự rất đáng nể, với các hệ thống vũ khí hiện đại khá nổi tiếng trên thị trường xuất khẩu, chẳng hạn như tàu ngầm hay máy bay chiến đấu.

Sức mạnh Công nghệ Quốc phòng Thụy Điển

Thụy Điển luôn nhận được sự quan tâm lớn của Mỹ về danh mục công nghệ quốc phòng và thực tế trong nhiều năm qua Washington đã góp vốn vào rất nhiều dự án công nghệ quân sự chung.

Lãnh đạo Chương trình Thử nghiệm Cạnh tranh Nước ngoài (FCT) của Lầu Năm Góc vừa có chuyến thăm đến Thụy Điển để khảo sát các dự án quốc phòng mới nhất của nước này nhằm đẩy mạnh hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Lầu Năm Góc cũng rất quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tập đoàn quốc phòng Saab AB của Thụy Điển. Trong những năm qua, Mỹ đã tài trợ hơn 80 dự án thuộc khuôn khổ FCT, gồm cả 30 dự án đã dẫn đến việc bán thiết bị quân sự cho Lầu Năm Góc.

Bryant Streett, Giám đốc Công nghệ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật của Lầu Năm Góc từng khẳng định với Fedscoop rằng: “Những năm qua, Thụy Điển đã làm rất tốt bởi họ có những công nghệ quốc phòng thực sự ấn tượng, trong nhiều trường hợp còn tốt hơn chúng tôi ở đây”.

Vì vậy, một khi Thụy Điển quyết định gia nhập NATO thì nước này hoàn toàn có khả năng cung cấp sức mạnh công nghệ quốc phòng cũng như các nền tảng quân sự trong nước cho sự phát triển chung của khối.

Tại sao Thụy Điển sẽ trở thành “mỏ vàng” công nghệ quân sự nếu gia nhập NATO? - Ảnh 1.

Tiêm kích JAS 39 của Thụy Điển

Quân đội không lớn nhưng nhiều vũ khí mạnh

Quân đội Thụy Điển có quy mô khá nhỏ, chỉ tương đương với Phần Lan, với 16.000 quân nhân thường trực cùng 22.000 lính tự vệ nội địa bán quân sự.

Theo chuyên trang GlobalFirePower, Thụy Điển chỉ có 121 xe tăng và 48 lựu pháo tự hành trong quân đội. Hải quân Thụy Điển chỉ có 7 tàu hộ tống, 5 tàu ngầm, 161 tàu tuần tra và 9 tàu tác chiến kháng mìn.

Lực lượng không quân Thụy Điển có tổng số 204 máy bay, gồm 71 máy bay chiến đấu, 6 máy bay vận tải, một máy bay tiếp dầu và 53 máy bay trực thăng.

Mặc dù chỉ có quy mô khiêm tốn như vậy nhưng máy bay chiến đấu và tàu ngầm lại là một thế mạnh nổi trội của Thụy Điển.

Quốc gia Bắc Âu này nổi tiếng với dòng máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen có khả năng đánh chặn máy bay đối phương và tấn công các mục tiêu mặt đất một cách thành thạo.

Tuy quy mô không lớn nhưng các máy bay chiến đấu phản lực của Tập đoàn Saab (chẳng hạn như JAS-35, JAS-37, JAS-39) đều được coi là những “kiệt tác hàng không”.

JAS-39 Gripen thường được biết đến như một loại máy bay chiến đấu phi tàng hình xuất sắc và được các nước đang sử dụng rất ưa thích.

Tại sao Thụy Điển sẽ trở thành “mỏ vàng” công nghệ quân sự nếu gia nhập NATO? - Ảnh 2.

Gripen E bay gần bờ biển phía đông Thụy Điển trong một nhiệm vụ thử nghiệm

Tập đoàn Saab đã xuất khẩu thành công JAS-39 Gripen sang Hungary, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Brazil, Nam Phi. Các nước có thể là khách hàng tiềm năng tiếp theo là Phần Lan, Canada, Botswana, Colombia, Croatia, Ấn Độ, Indonesia và Philippines.

Các tàu ngầm diesel-điện lớp Gotland của Thụy Điển, tuy nhỏ nhỏ nhưng hoạt động cực kỳ yên tĩnh và kiểu dáng thì rất thanh thoát.

Tàu ngầm lớp Gotland nổi tiếng với động cơ đẩy không khí độc lập - AIP (hay còn gọi là động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập, động cơ đẩy không cần không khí) - động cơ Stirling.

Tàu ngầm vận hành với động cơ Stirling không gây tiếng ồn và được ví như "máy bay tàng hình" dưới mặt nước.

Tàu ngầm lớp Gotland là những tàu ngầm đầu tiên trên thế giới trang bị hệ thống động cơ Stirling, có thời gian hoạt động lâu hơn nhiều so với sử dụng động cơ diesel thông thường, giúp kéo dài khả năng vận hành dưới nước từ vài ngày đến vài tuần. Khả năng này trước đây chỉ có ở các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tại sao Thụy Điển sẽ trở thành “mỏ vàng” công nghệ quân sự nếu gia nhập NATO? - Ảnh 3.

Tàu ngầm tấn công HMS Gotland chạy bằng động cơ diesel của Thụy Điển đi qua Cảng San Diego năm 2005

Trong khi đó, chi tiêu cho quốc phòng của Thụy Điển lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1% GDP. Theo số liệu chính thức, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Thụy Điển luôn duy trì ở mức khoảng 1% - 1,2% GDP.

Tuy nhiên, trước bối cảnh cuộc khủng hoảng quân sự giữa Nga và Ukraine, quan điểm về chi tiêu quốc phòng của Thụy Điển đã thay đổi. Chia sẻ với tờ Business Insider ngày 11/5, Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Olofsdotter nói rằng thời gian tới đây nước này sẽ giành ưu tiên cao hơn cho quân đội.

“Chúng tôi đã có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 85%, từ năm 2014 đến năm 2025. Chúng tôi cũng vừa đưa ra quyết định tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 2% GDP”, ông Olofsdotter cho biết.

Ngưỡng chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP sẽ đưa Thụy Điển ngang hàng với các mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.

Các hoạt động mua sắm quốc phòng chủ yếu đến từ Mỹ và chính phủ Thụy Điển gần đây đã mua hệ thống tên lửa đất đối không Patriot từ Washington. Thụy Điển cũng tập trung chuyên môn hóa quân đội của mình ở các lĩnh vực mà nước này vượt trội như phòng thủ mạng và chiến tranh tâm lý.

Kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, dư luận Thụy Điển về các vấn đề quân sự đã thay đổi đáng kể. Theo dữ liệu thăm dò từ Demoskop và báo Aftonbladet, hơn 57% số người được khảo sát hiện đang ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.

Đây là con số kỷ lục về số người ủng hộ việc tham gia liên minh quân sự NATO. Thậm chí, nhiều người Thụy Điển ủng hộ còn gia tăng nếu Phần Lan cũng tham gia NATO, mà kịch bản này đang ngày càng hiện hữu.

Khi đó, Quân đội Thụy Điển có thể đóng vai trò chuyên sâu ở một số thế mạnh nhất định như cung cấp phi công và máy bay chiến đấu cho NATO. Lực lượng trên bộ của Thụy Điển vẫn đang ở thế yếu và cần được đầu tư nhiều hơn. Nước này cũng cần đầu tư thêm xe tăng và pháo binh.

Tuy nhiên, tựu trung lại Thụy Điển vẫn được đánh giá là quốc gia có công nghệ quốc phòng tiên tiến, cho phép họ trở thành một đối tác đáng tin cậy của NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại