Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông?

ZKNIGHT |

"Lần đầu tôi chuẩn bị hạ cánh ở Việt Nam, tiếp viên hàng không thông báo nhiệt độ ở Hà Nội là 32 độ C. Tôi nghĩ ‘Chà, cũng không nóng quá so với Arizona’, nhưng khi bước chân ra khỏi máy bay thì trời ở đó nóng cứ như là 43 độ vậy".

Khi nghĩ đến những vùng có khí hậu sa mạc ở Trung Đông hay miền Tây Nam Mỹ, có thể nhiều người sẽ coi đó là một cơn ác mộng. Nhiệt độ cao nhất trong mùa hè của những khu vực này có thể lên trên mức 40 độ C và thực sự là ở đó rất rất nóng.

Nhưng cái nóng của khí hậu sa mạc là nóng khô, nghĩa là độ ẩm không khí của họ rất thấp. Điều này có thể còn dễ chịu hơn một kiểu thời tiết thường thấy ở Đông Nam Á là nhiệt đới nóng ẩm.

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 1.

Sự khác biệt giữa thời tiết nóng khô và nóng ẩm

Trên một diễn đàn hỏi đáp của nước ngoài, một thành viên đã phải mở hẳn một topic riêng chỉ để hỏi: "Làm thế nào tôi có thể sống sót trong thời tiết nóng ẩm ở Đông Nam Á?". Các câu trả lời không có gì mới mẻ hơn việc ở trong nhà, bật quạt và điều hòa, nhưng tất cả đều có chung một sự đồng cảm:

"Lần đầu tôi chuẩn bị hạ cánh ở Việt Nam, tiếp viên hàng không thông báo nhiệt độ ở Hà Nội là 32 độ C. Tôi nghĩ ‘Chà, cũng không nóng quá so với Arizona’, nhưng khi bước chân ra khỏi máy bay thì trời ở đó nóng cứ như là 43 độ vậy".

Chuyện gì đã diễn ra? Liệu có sự nhầm lẫn gì ở đây không?

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 2.

Câu trả lời là: Không. Vị khách của chúng ta đã quên mất một thông số quan trọng trong thông báo thời tiết. Đó là độ ẩm. Độ ẩm trung bình ở Arizona chỉ khoảng 10%, trong khi đó, độ ẩm của Hà Nội trong những ngày hè thường trên 70%.

Nó đóng góp vào một chỉ số gọi là Heat Index, hay còn gọi là nhiệt độ cảm thấy. Với độ ẩm 10%, 43 độ C ở Arizona có thể chỉ tương đương với 32 độ C ở Hà Nội, nơi có độ ẩm không khí 70%. Dưới đây là một bảng quy đổi ngắn gọn mà bạn có thể tham khảo:

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 3.

Nhưng tại sao độ ẩm lại ảnh hưởng tới sự cảm nhận nhiệt độ của cơ thể chúng ta?

Muốn giải thích điều này, bạn phải tìm hiểu những cơ chế làm mát của cơ thể.

Cơ thể chúng ta có một thân nhiệt cố định xung quanh ngưỡng 37 độ C. Và chúng ta luôn phải giữ nhiệt độ trong khoảng này để các phản ứng sinh học trong cơ thể mình diễn ra bình thường. Trong mùa hè, khi nhiệt độ trở nên quá nóng, cơ thể phải tự làm mát nó xuống theo 4 cơ chế: dẫn truyền nhiệt, đối lưu, bốc hơi và bức xạ.

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 4.

Giả sử trong mùa hè, bạn cầm trên tay một cốc trà đá thì sự tiếp xúc vật lý giữa tay và cốc trà sẽ truyền nhiệt từ cơ thể vào đó, khiến thân nhiệt của bạn hạ xuống. Đây được gọi là cơ chế dẫn truyền nhiệt, thường chiếm khoảng 2% lượng thân nhiệt mà bạn tỏa ra.

Cơ chế làm mát thứ hai gọi là đối lưu chiếm một tỷ trọng cao hơn, khoảng 10%. Đó là khi bạn bật quạt để thổi dòng không khí mát vào người mình, mang dòng không khí nóng xung quanh cơ thể đi chỗ khác.

Cơ chế bức xạ có thể chiếm tới 65% lượng nhiệt tỏa ra từ cơ thể bạn. Nhưng nó chỉ xảy ra khi cơ thể bạn nóng hơn nhiệt độ môi trường ngoài, hay nói cách khác là vào mùa đông.

Còn trong mùa hè, khi nhiệt độ môi trường cao hơn cơ thể, bức xạ có thể tạo ra hiệu ứng ngược. Nhiệt từ bên ngoài sẽ làm nóng cơ thể bạn như một con gà bị quay trong lò nướng.

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 5.

Cơ chế làm mát tốt nhất trong mùa hè, hóa ra lại là bay hơi. Đó là khi cơ thể bạn đổ mồ hôi. Nhiệt trong cơ thể sẽ truyền ra các giọt mồ hôi đọng trên da, làm nóng chúng rồi bay hơi đi.

Không chỉ con người, các loài động vật khác cũng sử dụng cơ chế hạ nhiệt bốc hơi này, chẳng hạn như những con chó hay lè lưỡi ra trong mùa hè và thở hổn hển, hoặc những con chuột túi có thói quen liếm cẳng tay của chúng.

Mồ hôi có thể giúp bạn giải tỏa khoảng 35% nhiệt lượng với hai điều kiện: bạn phải uống bù nước liên tục để sinh mồ hôi và mồ hôi có thể bay hơi khỏi da nhanh chóng. Muốn vậy, độ ẩm không khí phải thấp.

Khi bạn ở trong một môi trường có độ ẩm cao, mồ hôi sẽ không thể bốc bay mà sẽ đọng lại trên da. Nhiệt thoát ra từ cơ thể bạn sẽ bị bẫy lại trong các giọt mồ hôi đó. Nó sẽ chặn con đường thoát nhiệt hiệu quả nhất của bạn.

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 6.

Do đó, tại thời điểm bạn bắt đầu thấy áo mình ướt và làn da nhớp nháp, bạn biết rằng mình sắp phải đối mặt với một cái nóng cực kỳ khó chịu. Đó chính hiện tượng mà chúng ta thường thấy trong những ngày nóng ẩm ở Việt Nam.

Với điều kiện khí hậu khô thì lại khác. Trong một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Applied Ergonomic, các nhà khoa học đã làm một thí nghiệm đưa các tình nguyện viên vào một căn phòng có độ ẩm chỉ 10%.

Họ được cung cấp nước uống liên tục và toát mồ hôi liên tục. Kết quả là những tình nguyện viên đã chịu đựng được mức nhiệt độ lên tới 46 độ C. Ở độ ẩm 70%, điều này tương đương với nhiệt độ chịu đựng được chỉ là 32 độ.

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 7.

Hãy tìm cách thoát mồ hôi nhanh nhất có thể.

Các chiến lược đối phó với thời tiết nóng ẩm

Quay trở lại với câu hỏi: "Làm thế nào để tồn tại trong kiểu thời tiết nóng ẩm thường thấy ở Đông Nam Á?", câu trả lời đơn giản là hãy tìm cách thoát mồ hôi nhanh nhất có thể. Bạn có thể mang bên mình một chiếc khăn hoặc giấy thấm mồ hôi để sử dụng khi cần thiết.

Lau mồ hôi ra khỏi da sẽ giúp giải phóng lượng nhiệt mà các giọt nước ở đó đang bắt giữ. Mặc quần áo cotton có thể là một giải pháp thứ hai. Nhưng hãy cảnh giác với cotton, bởi nó là một chất liệu thấm và giữ nước mạnh.

Bạn cần thay áo cotton khi nó đã ướt và không còn khả năng thấm nước nữa. Đừng mặc áo cotton khi chơi thể thao, vì nó chỉ giữ nước lại mà thôi. Trong trường hợp đổ mồ hôi nhiều, bạn nên mặc quần áo thể thao chuyên dụng được làm từ sợi polyester. Loại vải này sẽ giúp đẩy mồ hôi lên trên bề mặt và khiến nó bay hơi nhanh hơn.

Tại sao thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam khó chịu hơn nhiều nóng khô ở Trung Đông? - Ảnh 8.

Đặt một chiếc quạt phun sương trong phòng kín có thể còn khiến bạn ngột ngạt hơn trong một ngày hè oi bức.

Ở các vùng thời tiết nóng khô, quạt thường không phải là lựa chọn ưu tiên để làm mát, vì nó có thể thổi không khí nóng vào người và khiến bạn bị sốc nhiệt. Nhưng với thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam, quạt sẽ giúp ích khi nó có thể tạo ra dòng khí đối lưu, mang mồ hôi khỏi da bạn nhanh hơn.

Ngược lại, quạt phun sương hay quạt điều hòa tỏa ra hơi nước là lựa chọn tối ưu cho các vùng có thời tiết khô nóng, nhưng lại không có tác dụng ở những nơi có độ ẩm cao như Việt Nam. Đặt một chiếc quạt phun sương trong phòng kín có thể còn khiến bạn ngột ngạt hơn trong một ngày hè oi bức.

Đó là tất cả những gì bạn cần biết về hai kiểu thời tiết nóng ẩm và nóng khô và cách đối phó với chúng.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại