Dịch Covid -19 đã gây ảnh hưởng tới sự sụt giảm về tiêu thụ của thị trường xe máy trong 2 năm qua. Đóng cửa vì dịch bệnh và suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng đến doanh số bán xe máy ở Việt Nam. Dẫu vậy, đây chỉ là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xe máy ảm đạm hơn khi đạt đỉnh năm 2018.
Theo số liệu cửa Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), thị trường xe máy đã trải qua 3 năm liên tiếp sụt giảm về doanh số.
Thị trường xe máy Việt Nam sụt giảm 3 năm liên tiếp. Ảnh: Autodaily
Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới và màu mỡ cho các hãng xe với lượng xe tiêu thụ trên dưới 3 triệu xe mỗi năm. Sản lượng xe máy tại Việt Nam tăng trưởng liên tục qua từng năm cho đến 2018. Tuy nhiên, lượng xe bán ra đã giảm từ 2019, trước dịch Covid-19 bùng phát.
Theo số liệu từ VAMM, năm 2019, 5 hãng xe máy gồm: Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha đã bán ra tổng số 3,255 triệu chiếc xe, thấp hơn con số 3,386 triệu chiếc của năm 2018.
Sang năm 2020, tổng doanh số bán hàng của 5 hãng xe đạt hơn 2,7 triệu xe, giảm 16,66% so với năm 2019. Lượng xe bán ra trong năm 2021 vẫn tiếp tục giảm xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây với 2,492 triệu xe bán ra, giảm giảm 8,12% so với năm 2020.
Trong một sự kiện mới đây, ông Suzuki Yasutaka, Tổng giám đốc Công ty Yamaha Việt Nam đã nêu ra 3 nguyên nhân khiến thị trường xe máy sụt giảm.
Theo đó, ông Suzuki Yasutaka cho biết chính sách hạn chế số lượng xe máy hoạt động; sự tăng trưởng của thị trường xe điện và việc mở rộng sở hữu ô tô trong nước là những nguyên nhân chính khiến thị trường xe máy Việt Nam sụt giảm trong các năm qua.
“Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch từ giai đoạn tăng trưởng sang giai đoạn bão hòa của thị trường xe máy. Khách hàng ngày nay cũng có nhiều sự lựa chọn hơn về phương tiện di chuyển”, ông Suzuki Yasutaka cho biết.
Vị này cũng cho hay, mặc dù nhu cầu đối với thị trường xe máy ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, nhưng việc đầu tư vào ngành này đang đứng trước những thách thức lớn. “Trên thực tế, gần một nửa dân số Việt Nam đều đã sở hữu xe hai bánh”, ông Suzuki Yasutaka nói.
Trước bối cảnh thị trường sụt giảm ở phân khúc xe máy phổ thông, các hãng xe đã phải tìm hướng đi khác. Honda với lợi thế thị phần lớn nhất tiếp tục tung ra dải sản phẩm mới ở các phân khúc.
Yamaha tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích cá tính. Ảnh: Phúc Vinh |
Yamaha cải tiến sản phẩm theo hướng thể thao, thời trang, sáng tạo hơn để tập trung cho các khách hàng trẻ tuổi, năng động. Trong khi đó, Piaggio tiếp tục thành công với các mẫu xe phiên bản giới hạn hay bản đặc biệt dành cho các khách hàng yêu thích thương hiệu này.
Một hướng đi khác nữa đó là mở rộng kinh doanh sang phân khúc xe thể thao, xe phân khối lớn khi xe máy phổ thông đứng trước nguy cơ chững lại.
Năm 2018, Honda chính thức mở showroom phân phối mô tô phân khối lớn chính hãng đầu tiên tại TP.HCM và nhanh chóng mở rộng ra Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, xe phân khối lớn đang là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của hãng xe Nhật.
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối tháng 12/2021, Piaggio Việt Nam đã khai trương showroom của thương hiệu xe phân khối lớn Aprilia và Moto Guzzi tại TP.HCM, qua thời gian dài giới thiệu 2 thương hiệu này ở thị trường Việt Nam.
Đầu năm 2022, Yamaha vừa ra mắt hệ thống phân phối Revzone Yamaha Motor chuyên bán các dòng xe phân khối lớn tại Việt Nam. Đây sẽ là hệ thống đại lý xe phân khối lớn chính hãng của Yamaha tại thị trường trong nước.
Thị trường xe máy sụt giảm, trong khi thị phần của hãng xe máy lớn nhất – Honda vẫn tăng trưởng. Theo hãng xe Nhật, trong năm tài chính 2022 (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 3/2022), hãng đã bán được hơn 2 triệu xe, giảm 2,7% so với năm tài chính trước đó.
VAMM hiện có 5 hãng xe thành viên gồm Honda, Suzuki, SYM, Yamaha và Piaggio với thị phần chi phối thị trường xe máy Việt Nam. Lượng xe bán ra trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 7.43% so với cùng kỳ năm 2021.