Năm 2021 sắp trôi qua. Trong năm qua, mọi người trên thế giới đã tìm kiếm những gì trên Internet?
Để làm rõ vấn đề này, mới đây Google đã phát hành báo cáo về danh sách các chủ đề nội dung được tìm kiếm nhiều trong năm 2021. Nó tóm tắt các nội dung và chủ đề, cùng từ khóa tìm kiếm phổ biến của hàng tỷ người dùng trong năm qua.
Ngoài các kết quả toàn diện, nó cũng bao gồm các cụm từ tìm kiếm phổ biến theo các danh mục như tin tức, con người, thể thao, trò chơi và phim. Có mặt trong mỗi danh sách là những từ có lượng tìm kiếm tăng mạnh nhất trong năm nay so với năm trước. Hiện tại, dữ liệu trong danh sách này bao gồm gần 70 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Trước tiên, hãy nhìn vào kết quả ở phạm vi toàn cầu. Vào năm 2021, ngoài việc quan tâm đến sức khỏe của bản thân (vắc xin và dịch bệnh Covid-19), người dân thế giới còn quan tâm nhất đến các cuộc thi thể thao. Hai từ khóa hàng đầu không phải là Thế vận hội, World Cup hay Cúp bóng đá châu Âu mà là hai trận đấu cricket của đội tuyển Ấn Độ.
Trò chơi con mực (Squid Game), series phim ăn khách nhất năm của Netflix cũng hiện diện ở vị trí thứ 9 trong danh sách này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây đều là những tìm kiếm “thịnh hành” nhất, có nghĩa là những từ khóa có lượng tìm kiếm tăng lớn nhất từ năm 2020 đến năm 2021. Đây không nhất thiết phải là những tìm kiếm hàng đầu trên toàn bộ công cụ Seach của Google.
Trong khi đó, các từ khóa quan trọng ở mục tin tức thể hiện sự đa dạng hơn. Nó bao gồm các vấn đề liên quan tới Afghanistan, COVID-19, tiền điện tử Dogecoin, cổ phiếu AMC... Trong năm 2021, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, và tìm kiếm về "vắc xin COVID-19" và "virus COVID-19" vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, sự xuất hiện của 2 từ khóa liên quan tới tiền điện tử cũng cho thấy phần nào sự quan tâm của cộng đồng mạng với làn sóng đầu tư mới này.
Còn tại Việt Nam , bóng đá vẫn là môn thể thao vua khi từ khóa hàng đầu trong xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất chính là lịch thi đấu của Cup bóng đá châu Âu Euro 2020.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch đã khiến cho xu hướng học và làm việc trực tuyến trở nên quan trọng, minh chứng bằng 3/5 từ khóa có liên quan. Cụ thể, Olm là trang web học trực tuyến, Azota là ứng dụng giao và chấm bài tập online, còn Google Meet là dịch vụ liên lạc qua video hỗ trợ cả làm việc và học tập trực tuyến.
Các nội dung liên quan tới tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng rất được cộng đồng mạng quan tâm.
Đặc biệt, trong danh sách từ khóa liên quan tới câu hỏi "Tại sao?", truy vấn được nhiều người quan tâm nhất chính là thắc mắc về vấn đề: Tại sao tháng 10 có 61 ngày?
Và đáp án của câu hỏi này có thể khiến nhiều người bất ngờ. Bởi nó liên quan tới một thử thách online có tên No Nut November (NNN), có nghĩa là tháng 11 không có tình dục. Nó chỉ đơn giản là quy tắc của thử thách cho những người muốn tham gia, yêu cầu người chấp nhận thử thách phải tuyệt đối giữ mình "thanh tịnh" trong suốt 30 ngày của tháng 11.
Tuy nhiên, cư dân mạng vốn hài hước và không thiếu cách lách luật. Đó là lý do xuất hiện việc tháng 10 có 61 ngày, bao gồm 31 ngày của tháng 10 và 30 ngày của tháng 11. Và khi không còn tháng 11, tức là bạn cũng sẽ không phải tuân theo các quy tắc của thử thách NNN.
Bạn có thể kiểm tra thêm về danh sách này tại đây.