Trước khi lập hãng hàng không này, FLC đã từng khai thác dịch vụ trực thăng. Vậy tại sao doanh nghiệp này lại có bước chuyển hướng kinh doanh từ trực thăng sang vận tải hàng không bằng máy bay?
Trong Đại hội đồng cổ đông của FLC diễn ra sáng nay, ngày 12/6, ông Trịnh Văn Quyết đã lý giải việc này. Ông Quyết cho biết, mở hãng hàng không là chủ trương lớn của HĐQT và Ban điều hành.
"Trước kia FLC có mở dịch vụ trực thăng, nhưng thấy cần phải thay đổi vì vướng ở khâu cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, nên nếu muốn cất cánh phải xin 4 đến 5 ngày trong khi khách hàng lại cần bay luôn nên Tập đoàn không đi sâu vào dịch vụ này nữa.
Sau đó FLC có tổ chức một tổ nghiên cứu về hãng hàng không và đến 2017 thì quyết định mở Bamboo Airways. Để mở hãng hàng không này thì chúng tôi xác định cần phải sánh vai với các hãng hàng không đang có.
Chúng tôi quyết định năm 2018 phải có 20 máy bay về các sân bay. Trụ sở chính của Bamboo Airways hiện đang nằm ở sân bay Phù Cát, Bình Định. Chắc chắn năm 2018 hãng sẽ được cấp phép và sẽ tiến hành bay ngay trong năm nay.
Chúng tôi đã trả tiền đặt mua 24 máy Airbus, nhưng 20 máy nay dự kiến về trong năm nay là thuê, vì năm 2019 máy bay đặt mua mới bắt đầu được bàn giao, và đến năm 2023 sẽ nhận đủ số máy bay đặt mua của Airbus.
Khoảng ngày 25-26 tháng này chúng tôi cũng sẽ tới nhà máy của Boeing để ký thoả thuận mua tiếp 20 máy bay", ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ.
Được biết, số máy bay mà FLC mua phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways do Airbus cung cấp với trị giá lên đến 3 tỷ USD. Thương vụ này, FLC đã trả trước cho Airbus số tiền là hơn 34 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu USD) (tính đến 31/3/2018).
Về chiến lược phát triển, ông Quyết cho biết, Bamboo Airways không định vị hãng hàng không giá rẻ mà là hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines và cũng sẽ có cả những dịch vụ siêu cao cấp hơn truyền thống và cả những dịch vụ giá rất rẻ như phục vụ những chuyến bay miễn phí đến các khu nghỉ dưỡng FLC.