Tại sao sư tử lại có bờm?

Đức Khương |

Bờm sư tử thường có hai chức năng chính, đó là đe dọa kẻ thù và gây ấn tượng đối với con cái. Tuy nhiên không phải con sư tử đực nào cũng có bờm và trong một số trường hợp, sư tử cái cũng có thể mọc bờm như sư tử đực.

Trên vùng thảo nguyên rộng lớn của châu Phi, loài vật mang tính biểu tượng nhất của vùng đất này chính là sư tử, đặc biệt là những con sư tử đực có bộ lông xù xì và to lớn quanh cổ.

Những chiếc bờm đó của sư tử đực được dùng để gây ấn tượng với những con sư tử khác - cả bạn tình tiềm năng và đối thủ tiềm năng, theo Bruce Patterson, một nhà nghiên cứu động vật có vú đã nghỉ hưu tại Bảo tàng Field của Chicago, chia sẻ với Live Science. Patterson cho biết, sư tử đực (Panthera leo) có đầu to và cổ to, những chiếc bờm hiện diện trên cơ thể của chúng có thể làm tôn lên những đặc điểm đó.

Yếu tố ảnh hưởng đến bờm của sư tử đực

Tại sao sư tử lại có bờm? - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu từng rút ra một số giả thuyết nhằm giải thích cho chức năng chính của cỗ bờm sư tử. Nó có thể là một vật để đe dọa (một chiếc bờm lớn khiến con vật trông oai vệ hơn). Hay bờm có thể là lớp áo bảo vệ cho vùng đầu và cổ trong khi giao chiến với những con sư tử khác, hoặc để quyến rũ bạn tình.

Một số chiếc bờm ở một vài con sư tử đực có thể ấn tượng hơn những con khác. Một nghiên cứu năm 2002 đã xem xét đến các yếu tố lựa chọn giới tính, nhiệt độ môi trường, hành vi của sư tử và thấy được rằng những con sư tử đực có chiếc bờm sẫm màu hơn dường như hấp dẫn hơn đối với con cái, và con sư tử đực đó cũng có chế độ dinh dưỡng tốt hơn cùng mức testosterone cao hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những con sư tử đực có bờm dài hơn dường như sẽ tỏ ra đáng sợ hơn đối với những con đực khác.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số con sư tử đực hoàn toàn không có bờm - và đó là bởi vì việc có một chiếc bờm xù xì, sẫm màu cũng có thể đi kèm với một số bất lợi.

Tại sao sư tử lại có bờm? - Ảnh 2.

Sư tử đực tồn tại chủ yếu là để bảo vệ bầy đàn, nhưng do kích thước lớn và khó khăn trong ẩn nấp, chúng thường tỏ ra không hiệu quả trong việc săn mồi.

Bất chấp những lợi ích đến từ việc gây ấn tượng với những con sư tử khác bằng bộ bờm dày, và to lớn, việc đeo một chiếc "khăn dày" quanh cổ cả ngày khi ra ngoài nắng là không lý tưởng- và nghiên cứu năm 2002 cho thấy những con đực có bờm sẽ tỏ ra nóng hơn và có thân nhiệt cao hơn những con cái không có bờm. Nhiệt độ cơ thể cao có thể gây ra rắc rối trong quá trình sản xuất tinh trùng của sư tử đực và các tác giả của nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng những con đực có bờm sẫm màu có xu hướng có nhiều tinh trùng bất thường và dị tật hơn.

Vấn đề nhiệt độ này có thể là lý do tại sao một số quần thể sư tử có bờm rất nhỏ, hoặc gần như không tồn tại. Ở những vùng như miệng núi lửa Serengeti hoặc Ngorongoro ở phía bắc Tanzania - nơi có độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, với nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 60 độ F (16 độ C) - sư tử đực thường có bờm rất to.

Tại sao sư tử lại có bờm? - Ảnh 3.

Khi bắt đầu trưởng thành về mặt sinh dục, những con sư tử đực sẽ bắt đầu mọc những chiếc bờm dày quanh đầu, cổ và dưới bụng. Hormone testosterone chịu trách nhiệm cho quá trình này – điều thú vị là những con đực bị thiến thường mất hoàn toàn bờm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những con cái bị thu hút bởi những chiếc bờm to hơn, sẫm màu hơn, vì vậy có vẻ như những chiếc bờm đó là tín hiệu của sự sung mãn

Nhưng ở Công viên quốc gia Tsavo East của Kenya, nơi có độ cao gần với mực nước biển hơn và nóng hơn, những con sư tử đực có bờm rất nhỏ, hoặc gần như không tồn tại bờm. Patterson cho biết một con sư tử có bờm lớn sẽ không thể đi xa vào ban ngày hoặc di chuyển quá xa khỏi nơi có nguồn nước. Điều đó sẽ đặt chúng "vào thế bất lợi, so với một con sư tử không có bờm to", ông nói.

Điều này cũng có thể áp dụng cho những con sư tử bên ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng. Một trong những nghiên cứu của Patterson cho thấy rằng trong số những con sư tử trong vườn thú ở Bắc Mỹ, những cá thể ở những thành phố có thời tiết lạnh hơn có xu hướng có bờm dày và rậm hơn.

Sư tử cái có bờm

Tại sao sư tử lại có bờm? - Ảnh 4.

Zuri, một con sư tử cái tại sở thú Topeka ở Kansas mọc bờm vào năm 2020.

Sư tử cái cũng có thể mọc bờm, mặc dù điều này rất hiếm. Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu đã công bố 5 con sư tử cái đã mọc bờm tại Đồng bằng sông Okavango của Botswana. Một trong những con sư tử cái đó cũng phát triển những hành vi điển hình của sư tử đực, chẳng hạn như gắn kết những con cái khác.

Vào năm 2018, sở thú thành phố Oklahoma thông báo rằng một con sư tử cái 18 tuổi tên là Bridget đã mọc một "bờm nhỏ" một cách bí ẩn. Các xét nghiệm máu sau đó cho thấy một khối u lành tính đã gây ra nồng độ hormone androstenedione tăng cao, có thể dẫn đến các thuộc tính giống với sư tử đực.

Và vào năm 2020, một con sư tử cái lớn tuổi tại sở thú Topeka ở Kansas bắt đầu mọc bờm sau khi con đực duy nhất trong đàn chết. Những người trông coi vườn thú cho biết vào thời điểm đó, nó dường như là một "sự kiện ngẫu nhiên" không liên quan đến sự cạnh tranh hay tiến hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại