Vụ tấn công cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao hệ thống phòng không tỷ đô, được coi là hiện đại nhất Trung Đông của Saudi Arabia lại không thể ngăn cản được các vụ tấn công từ Yemen?
Phải chăng quốc gia Cận Đông này đã xây dựng hệ thống phòng không sai lầm từ lõi và không thể đáp ứng được yêu cầu bảo vệ trước các đợt tấn công phi đối xứng từ đối thủ yếu hơn là phong trào Hồi giáo vũ trang Houthis ở Yemen?
Đòn tấn công nghiêm trọng nhằm vào Saudi Arabia
Tối 14-9, các cơ sở lọc dầu quan trọng tại Abqaiq và Abqaiq của Saudi Arabia bị tấn công đột kích bởi hàng chục tên lửa hành trình và UAV.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng quốc gia Cận Đông này, ít nhất 22 thiết bị bay đã đánh trúng mục tiêu khiến ngành công nghiệp lọc dầu Saudi Arabia thiệt hại sản lượng 6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 50% sản lượng; làm giảm sản lượng cung cấp dầu mỏ toàn cầu 6%.
Đây có thể coi là đòn tấn công cực kỳ nghiêm trọng nhằm vào Saudi Arabia, quốc gia vốn lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Phong trào Hồi giáo vũ trang Yemen Houthis đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công.
Theo các nguồn tin quân sự quốc tế, Saudi Arabia hiện sở hữu hệ thống phòng không hiện đại với các tổ hợp vũ khí tỷ đô như Patriot PAC-3, HAWK, pháo phòng không tự động… có nguồn gốc Mỹ và phương Tây, đã hoàn toàn bị động, thậm chí là không hề có bất kỳ phản ứng trước vụ tấn công.
Điểm đáng chú ý hơn là các vị trí bị tấn công nằm không xa các căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar, cũng như chiếm hạm Mỹ trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại vùng Vịnh.
Vụ tấn công cũng một lần nữa dấy lên hoài nghi về sự hiệu quả của các loại vũ khí phòng không Mỹ đang hiện diện tại Cận Đông, cũng như năng lực phòng thủ của các quốc gia vốn rất bạo chi cho quốc phòng tại khu vực này.
Sau vụ tấn công ở Saudi Arabia đã có rất nhiều thông tin chính thống, ngoài lề từ các bên liên quan. Tuy nhiên, một trong những lời giải thích đáng chú ý liên quan tới vụ tấn công là từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đôi khi hệ thống phòng không của các quốc gia không mang lại kết quả như mong muốn. Ngay cả những tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại nhất cũng không thể mang lại hiệu quả bảo vệ 100%.
"Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để đảm bảo những vụ tấn công tương tự sẽ không còn diễn ra", ông Mike Pompeo tuyên bố.
Việc các vị trí chiến lược bị tấn công đã thể hiện sự yếu kém của hệ thống phòng không Saudi Arabia với nòng cốt là các tổ hợp vũ khí tỷ đô nhập khẩu từ Mỹ và phương Tây.
Theo AP, Saudi Arabia đang nắm trong tay nhiều tổ hợp tên lửa phòng không Patriot phiên bản hiện đại nhất PAC-3, nhưng không rõ chúng có được triển khai gần các địa điểm bị tấn công hay không.
Ngoài ra, hãng thông tấn AP đánh giá, tổ hợp Patriot được thiết kế cho nhiệm vụ phòng thủ điểm, chứ không phải là cung cấp ô bảo vệ các vùng lãnh thổ rộng lớn. Tuy nhiên, đây chỉ có thể là những thông tin hòng giảm nhẹ trách nhiệm về sự thất bại của vũ khí Mỹ, cũng như tham vọng tiếp tục giữ thị phần tại thị trường vũ khí sôi động ở Cận Đông.
Saudi Arabia cần hệ thống phòng không hoàn thiện hơn
Đánh giá về khả năng phòng thủ của Saudi Arabia trước các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình và UAV từ Yemen, nhà quan sát quân sự Mikhail Khodarenok nhấn mạnh, việc đối phó với các mục tiêu nhỏ, bay thấp như trên là việc không hề dễ dàng.
"Chúng (tên lửa hành trình và UAV) thường bay ở độ cao thấp và cực thấp, khoảng 60-100m. Ngoài ra, chúng còn có tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn nhiều so các phương tiện bay có người lái phổ biến hiện tại", ông Mikhail Khodarenok nói.
Tên lửa hành trình và UAV được coi là vũ khí nguy hiểm do khó bị phát hiện và hoạt động ở độ cao rất thấp.
Các hệ thống radar cảnh giới và giám sát chỉ có thể phát hiện ra các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình và UAV trong điều kiện địa hình như Saudi Arabia, ở khoảng cách 16-18km. Để chặn kích thành công và hạn chế rủi do, các tổ hợp vũ khí phòng không cần đánh chặn ở khoảng cách 11-13km.
Như vậy, từ thời điểm phát hiện và đánh chặn sẽ rất ngắn, chỉ có thể tính bằng giây. Đối với hệ thống phòng không truyền thống, việc ngăn chặn các đợt tấn công đột kích như trên là điều không thể.
Theo nhiều nguồn tin, vì sự quan trọng của các tổ hợp công nghiệp lọc dầu của Aramco, chúng được bảo vệ kỹ lưỡng bởi nhiều vòng tên lửa Patriot và pháo phòng không Oerlikon 30mm. Tuy nhiên, chúng đều bất lực trước các đợt tấn công với sự tham gia của hàng chục tên lửa và UAV.
Theo chuyên gia Mikhail Khodarenok, để ngăn chặn các vụ tấn công như vừa diễn ra tại Saudi Arabia, vai trò của các tổ hợp radar cảnh giới và phối hợp tác chiến rất quan trọng. Đây là yếu tố giúp cung cấp thông tin để vũ khí phòng không hoạt động hiệu quả và đúng lúc.
Các tổ hợp vũ khí phòng không không thể nào liên tục hoạt động ở chế độ tích cực do hạn chế của khí tài. Hệ thống chỉ huy và đồng bộ thông tin thời gian thực sẽ giúp việc phát hiện mục tiêu và ra quyết định đánh chặn diễn trong thời gian ngắn nhất.
"Để đạt được hiệu quả đánh chặn cao nhất, cần triển khai số lượng vũ khí phòng không và radar cảnh giới hợp lý. Việc luân phiên hoạt động của chúng sẽ tạo ra vùng bảo vệ toàn thời gian bao phủ mục tiêu", ông Mikhail Khodarenok nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống phòng không phải dựa trên nguyên tắc kết hợp nhiều tầng, nhiều lớp với sự kết hợp của nhiều tổ hợp tên lửa phòng không với các tầm bắn, phương thức dẫn bắn khác nhau. Chúng sẽ bổ trợ khả năng hoạt động với nhau, đặc biệt là khi đối phó với các mục tiêu hoạt động ở độ cao cực thấp, bám địa hình.
Hơn hết, hiệu suất hoạt động của các tổ hợp vũ khí sẽ phụ thuộc vào yếu tố con người. Những kíp chiến đấu được đào tạo tốt, có quyết tâm chiến đấu trong nhiều thời điểm đã chứng minh sẽ tạo ra hiệu quả chiến đấu vượt qua thiết kế của khí tài.
Yếu tố này sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nữa khi các đơn vị chiến đấu được giao quyền quyết định phản ứng với các tình huống khẩn cấp chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Dù có giá thành không hề rẻ, nhưng các tổ hợp Patriot PAC-3 đã có nhiều màn thể hiện đáng thất vọng tại Saudi Arabia.
Dù có giá thành không hề rẻ, nhưng các tổ hợp Patriot PAC-3 đã có nhiều màn thể hiện đáng thất vọng tại Saudi Arabia.
"Trong trường hợp vụ tấn công vừa xảy ra ở Saudi Arabia, hệ thống phòng không của quốc gia Cận Đông này thiếu toàn bộ những yếu tố cần để bảo vệ các tổ hợp lọc dầu của mình. Họ không đủ các hệ thống radar đảm bảo bao phủ các cơ sở quan trọng, các tổ hợp vũ khí phòng không được bố trí không theo bất kỳ trật tự nào.
Cùng với đó, kỹ năng và kinh nghiệm của các kíp chiến đấu điều khiển khí tài cũng không đảm bảo", chuyên gia quân sự Nga cho biết.
Chính vì những yếu tố trên, ông Mikhail Khodarenok cho rằng, các tổ hợp Patriot của Saudi Arabia dù có hiện đại, nhưng cũng không bao giờ thể hiện được hết chức năng đã được nhà sản xuất giới thiệu. Ngoài ra, dòng tên lửa phòng không Mỹ tại quốc gia Cận Đông này trong quá khứ cũng có nhiều màn thể hiện đáng thất vọng so với giá thành và lời quảng cáo.
Mới đây, Tổng thống Nga từng đề xuất cung cấp các tổ hợp S-400 Triumph cho Saudi Arabia. Nhà lãnh đạo nước Nga khẳng định, S-400 sẽ cung cấp khả năng bảo vệ các cơ sở quan trọng của nước này trước mọi đòn tấn công đường không và quyết định chỉ còn phụ thuộc vào Al-Riyadh.
Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của S-400 sẽ chỉ đạt được tối đa với sự hỗ trợ và phối hợp của các hệ thống radar cảnh giới, trinh sát, tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1, Tor-M2. Hơn thế nữa, trình độ các kíp điều khiển vũ khí của Saudi Arabia cần được cải thiện…