Tại sao sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 lại nổi hạch? (ảnh minh hoạ)
TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn vì sau tiêm bị nổi hạch. Có trường hợp còn tưởng mình bị ung thư.
Điều này khiến nhiều người lo lắng. Trường hợp chị Nguyễn T. V (Ba Vì, Hà Nội) là ví dụ. Chị và 3 thành viên trong gia đình tiêm hai mũi đầu Vero cell, mũi 3 tiêm Pfizer. Ba thành viên sức khoẻ hoàn toàn bình thường nhưng riêng chị V thì ngoài sốt, cánh tay tiêm của chị đau bại không thể nhấc nổi bất cứ thứ gì.
“Sau hai ngày, thấy hơi vương vướng ở nách nhưng cứ ngỡ do đau tay nên không để ý. Chỉ đến khi chị sờ thấy nổi cục, ấn vào đau tôi mới giật mình không biết có phải do phản ứng sau tiêm hay không? Gọi nhân viên y tế thì được xác nhận đó là phản ứng sau tiêm. Không biết điều này có vấn đề gì nghiêm trọng hay không? Nguyên nhân vì sao tôi lại bị như vậy? ”, chị V băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Phùng Anh Tuấn, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vắc xin là một yếu tố lạ với cơ thể nên sau khi tiêm, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại. Các hạch bạch huyết có vai trò sinh ra tế bào miễn dịch. Vì vậy, chúng sẽ tăng hoạt động và sưng to lên. Sau khi tiêu diệt được yếu tố lạ, chúng sẽ trở về trạng thái bình thường.
“Hạch bạch huyết thường xuất hiện ở nách cùng bên với cánh tay được tiêm. Tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày, không gây nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng.
Trong trường hợp thấy các bất thường khác như đau tại vị trí không phải vùng tiêm, gầy sút cân, nổi hạch không phải vùng nách cùng bên cánh tay, hạch nhiều, cứng, ít di động và kéo dài... bạn cần đi kiểm tra sớm. Trên thực tế, tỷ lệ nổi hạch sau tiêm vắc xin là không nhiều”, BS Anh Tuấn nhấn mạnh.
Phản ứng này cũng được CDC Hoa Kỳ ghi nhận. Theo tổ chức này, phản ứng nổi hạch sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 xảy ra khoảng 0,3% ở người tiêm vắc xin Pfizer và 1,1% ở người tiêm vắc xin Moderna.
Trong nghiên cứu của Moderna, 11,6% người được tiêm bị sưng hạch bạch huyết sau liều tiêm đầu tiên và 16% sau liều thứ hai. Một số nghiên cứu cho thấy vắc xin dựa trên mRNA có khả năng sinh miễn dịch cao hơn các loại vắc xin khác, vì vậy tỉ lệ nổi hạch của các loại vắc xin này cao hơn.
Từng gặp phải phản ứng nổi hạch sau khi tiêm mũi 3, ThS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông tin phải phải hơn 10 ngày các triệu chứng trên mới dần hết.
Theo đó, sau khi tiêm 2 ngày, cơ thể bắt đầu nổi hạch khắp người, dù biết là phản ứng hạch viêm cấp thông thường nhưng gây ra sưng, đau khi đụng vào, rất khó chịu và dễ gây lầm tưởng với ung thư di căn.
Tuy nhiên, vị bác sĩ này cho rằng đây là phản ứng phụ thông thường, có thể tự hết mà không cần can thiệp về y tế.
BS Vân An nhấn mạnh, hạch bạch huyết thường xuất hiện ở nách, cổ cùng bên với cánh tay được tiêm. Tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày, không gây nguy hiểm nên không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải theo dõi nếu hạch sưng to, da vùng hạch sưng đỏ hoặc có các triệu chứng kèm theo như sốt kéo dài, sụt cân... thì phải đi khám để loại trừ bệnh lý khác.
Các bác sĩ cũng lưu ý, vị trí nổi hạch thường ở nách, thượng đòn, cổ cùng bên với vị trí tiêm. Hạch thường mềm, di động, có thể đau. Việc chẩn đoán hình ảnh hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ nên được thực hiện trước khi tiêm chủng hoặc hoãn lại ít nhất 4 - 6 tuần sau tiêm, trừ khi bệnh nhân có chỉ định lâm sàng khẩn cấp. Không nên thực hiện sinh thiết không cần thiết khi gặp phải tình trạng nổi hạch sau tiêm vắc xin, nên theo dõi bằng siêu âm sau 4 - 6 tuần.
Trước đó vào ngày 17/12, Bộ Y tế đã đồng ý cho tiêm liều vắc xin thứ ba sau mũi cuối của liều cơ bản 3 tháng; người khỏi Covid-19 được tiêm ngay mà không chờ 6 tháng như trước. Tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.
Những trường hợp này sẽ được tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Loại vắc xin để tiêm là cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Quyết định 3588 của Bộ Y tế có hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe sau tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, người được tiêm vắc xin cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện khi có 1 trong 8 dấu hiệu sau:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt