Kể từ sau khi giành ưu thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nhiều lần phát biểu trước công chúng cũng như công bố nội dung các cuộc điện đàm với một số nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, đối tác tranh cử của ông và hiện đã trở thành Phó Tổng thống đắc cử, bà Kamala Harris lại hầu như không xuất hiện.
Hôm thứ Bảy (7/11), bà Harris có bài phát biểu tại Wilmington, Delaware trong đó tuyên bố "một ngày mới cho nước Mỹ". Hai ngày sau, bà đứng chung sân khấu với ông Biden sau khi cả hai cùng tham dự một buổi họp về đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nữ chính trị gia không đưa ra lời nào mà chỉ lặng lẽ đứng bên cạnh nhìn ông Biden phát biểu.
Việc một Phó Tổng thống đắc cử hạn chế lộ diện sau bầu cử không phải là điều quá mới mẻ tại Mỹ. Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với ông Biden diễn ra một tháng sau khi ông được bầu là Phó Tổng thống của ông Barack Obama, người dẫn chương trình của ABC News là George Stephanopoulos đã phải thốt lên: "Kể từ khi bầu cử, ông hầu như không xuất hiện nhỉ?".
Đáp trả, ông Biden cho hay mình tham dự tất cả các cuộc họp quan trong liên quan tới quá trình chuyển giao quyền lực của ông Obama. Do ảnh hưởng của các quy định giãn cách xã hội, có thể bà Harris sẽ không làm vậy được - ít nhất là một cách trực tiếp.
Theo nguồn tin từ đội ngũ của ông Biden, sau khi trải qua tuần bầu cử tại Delaware, bà Harris đã trở về một căn hộ chung cư hai phòng ngủ tại Washington mà bà mua vào năm 2016. Tại đây, bà vẫn thường xuyên liên lạc với ông Biden, thông qua tin nhắn hoặc điện thoại. Chồng của bà Harris - ông Douglas Emhoff cũng có mối quan hệ khá thân thiết với đệ nhất phu nhân nước Mỹ tương lai là bà Jill Biden. Hai người đã tranh cử cùng nhau trong những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử.
Một trọng tâm của bà Harris là sự chuyển đổi sắp tới, từ ngành lập pháp sang hành pháp. Cho dù ông Biden có dự định quay trở lại Nhà Trắng sau 8 năm đảm nhận cương vị Phó Tổng thống Mỹ - hay không, thì bà Harris cũng chưa có nhiều cơ hội hiện diện tại đây. Một nhân viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực thậm chí còn không nhớ nổi lần cuối cùng phó tổng thống trúng cử từng đặt chân tới Nhà Trắng.
Quá trình trên càng trở nên khó khăn khi đương kim tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, đồng thời không cho phép các thủ tục chuyển giao được bắt đầu. Điều này đồng nghĩa bà Harris và các cố vấn sẽ không thể tiếp cận được với đội ngũ nhân viên và các tài liệu của Nhà Trắng. Bà cũng chưa nhận được liên lạc từ phó tổng thống hiện tại là ông Mike Pence. Năm 2016, ngay sau bầu cử tổng thống, ông Biden đã có cuộc gặp mặt kéo dài gần 2 giờ đồng hồ với ông Pence tại phòng làm việc của phó tổng thống Mỹ. "Tôi nói với Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence rằng, tôi luôn sẵn sàng tiếp đón ông ấy 24/7", ông Biden kể lại với báo giới.
Hiện tại, bà Harris vẫn là một thượng nghị sỹ. Chưa rõ khi nào bà sẽ rời bỏ công việc này. Không lâu sau khi trúng cử vào năm 2008, ông Obama – lúc đó đang đảm nhiệm vị trí thượng nghị sỹ, đã từ chức. Tuy nhiên, ông Biden lại chỉ làm vậy vào sát ngày tuyên thệ nhậm chức. Chia sẻ với bạn bè, ông Biden bày tỏ sự luyến tiếc với công việc từng làm trong nhiều thập kỷ. Đồng thời, ông cũng muốn duy trì quyền bỏ phiếu của mình nếu cần thiết trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ nghị sỹ.
Giống như ông Biden, bà Harris cũng sẽ phải tự mình xây dựng đội ngũ nhân viên – một nhiệm vụ không hề dễ dàng nếu nhìn vào thực tế bà vẫn là một gương mặt mới trong chính giới tại Washington D.C. Trong khi ông Biden với gần 50 năm sống và làm việc tại thủ đô, sở hữu một mạng lưới dày đặc bao gồm các cựu thượng nghị sỹ và cố vấn Nhà Trắng, vòng tròn quen biết của bà Harris hiện còn khá hạn chế. Mặc dù vậy, bà được kỳ vọng sẽ tuyển chọn các gương mặt quen thuộc từ văn phòng thượng nghị sỹ cũng như chiến dịch tranh cử 2020 của mình.
Trên mạng xã hội, bà Harris thể hiện một thái độ khá nghiêm túc khi đăng tải về dịch bệnh và quyết tâm kiểm soát nó cùng với ông Biden. "Chỉ trong vài tháng, tân tổng thống sẽ tuyên thệ và cam kết sẽ đưa đại dịch vào tầm kiểm soát", bà cập nhật trên Twitter hôm thứ Bảy (14/11).
Cùng ngày, bà Harris tiếp tục thông qua Twitter gửi lời chúc mừng tới lễ hội ánh sáng Diwali của người Hindu. Có mẹ là chuyên gia sinh học đến từ Tamil Nadu, Ấn Độ và cha là giáo sư kinh tế đến từ Jamaica, bà Harris sẽ là phó tổng thống trúng cử gốc Á và gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ.