*Bài viết là đánh giá của cây viết Daniel Rubino đến từ trang WindowsCentral
Từ năm 2013, Microsoft đã thách thức khái niệm về một chiếc laptop thực thụ với việc ra mắt dòng máy Surface. Và tới năm 2019, Surface Pro thực sự đã trở thành một phần trong văn hóa công nghệ của chúng ta.
Loạt thiết bị Surface Pro chính là những chiếc PC của thế kỷ này. Được phát hành trong thời kỳ nhiều người quen gọi là "kỷ nguyên hậu PC" vì doanh số laptop suy giảm. Tuy nhiên Microsoft vẫn kiên trì vào mục tiêu đã chọn cho đến khi hãng bắt đầu gặt hái được thành công sau khi dòng Surface ra mắt vào năm 2015 đã gây được tiếng vang lớn.
Sự xuất hiện của Surface không chỉ giúp hồi sinh lại ngành công nghiệp vốn đã trì trệ mà còn góp phần duy trì doanh số bán laptop giữ vững qua từng năm.
Ban đầu bị chế giễu khá nặng nề nhưng Surface Pro giờ đây đã trở thành biểu tượng cho sự đổi mới, đồng thời đại diện cho ý tưởng về một chiếc laptop phục vụ con người của thời đại mới. Tới năm 2020, thiết kế mang tính biểu tượng của Surface thậm chí còn được các công ty như Apple, Google vay mượn rất nhiều.
Surface Pro đang được nhiều người coi là một sự thay thế hoàn hảo cho laptop truyền thống. Nó cũng củng cố tham vọng phần cứng của Microsoft và là tiền đề cho nhiều thiết bị Surface khác trong tương lai.
Surface Pro dành cho đối tượng nào?
Quay trở lại năm 2012, Microsoft lần đầu tung ra hệ điều hành Windows 7 và chỉ vài năm sau đó, hãng kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cùng Windows 8 và Surface. Surface RT và sau đó là Surface Pro là những thiết bị đi tiên phong. Surface Pro ban đầu ra mắt vào ngày 9/2/2013.
Nhưng thật không may Windows 8 không được đón nhận tích cực như thế hệ trước. Lúc này, giới công nghệ lại đặt ngược câu hỏi cho Microsoft, đó là một thiết bị như Surface Pro và Windows 8 sẽ dành cho đối tượng người dùng nào?
Đó là chưa kể còn hàng loạt những điểm hạn chế liên quan đến dung lượng pin của một chiếc Surface Pro. Chiếc máy được kỳ vọng sẽ thay thế laptop này có thời lượng pin chỉ khoảng 3-5 giờ. Bên cạnh đó, cấu hình yếu, nhanh nóng và giới hạn dung lượng khiến một chiếc máy có giá lúc đó lên tới 899 USD chẳng còn một chút hấp dẫn nào.
Theo đánh giá của nhiều reviewer khi đó, họ đã nhìn thấy tiềm năng ở Surface Pro nhưng thiết bị này sẽ cần phải thay đổi phần cứng nhiều hơn nữa để đón đầu làn sóng dịch chuyển của công nghệ.
Trong lúc giới công nghệ còn đang hoài nghi về tương lai của Surface và tham vọng của Microsoft, Apple lại đang làm rất tốt nhiệm vụ chiếm được lòng tin của khách hàng với iPad. Thậm chí Tim Cook từng khẳng khái nói rằng, Apple sẽ không bao giờ đi theo con đường mà Microsoft đang lựa chọn với Surface.
Nhưng tất nhiên không phải ai cũng nghĩ như vậy. Họa sỹ truyện tranh Joel Watson từng dự đoán rất chính xác cách Apple sẽ bắt chước Microsoft về thiết kế như thế nào trong bộ một chuyện vẽ hồi năm 2012. Kết quả là chỉ ba năm sau, tức 2015, Apple cho ra mắt iPad Pro, hỗ trợ Smart Cover và bàn phím.
Quay trở lại với câu chuyện của Microsoft, doanh số tồi tệ của thế hệ Surface đầu tiên và Windows 8 khi đó rất may không khiến gã khổng lồ xứ Redmon ngã quỵ. Dù thua lỗ tới 900 triệu USD nhưng hãng vẫn duy trì ý chí kiên định với Surface. Thậm chí theo một tiết lộ vào năm 2013, Microsoft đã chi rất nhiều tiền cho quảng cáo Windows 8 và Surface.
Tại thời điểm đó, các đối tác của Microsoft đã lên tiếng phản đối và nhiều mối quan hệ tưởng chừng đã rạn vỡ.
Surface Pro 3 và Surface Pro 4 chính là những "kẻ thay đổi cuộc chơi"
Nhưng…mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Surface Pro 3 xuất hiện. Vào ngày 20/6/2014, Surface Pro 3 lần đầu bán ra thị trường với thiết kế hoàn toàn khác biệt so với thế hệ đầu. Có thể kể đến một số thay đổi đáng ghi nhận như màn hình 12 inch (tăng từ mức 10.6 inch), hỗ trợ tỷ lệ 3:2, độ phân giải 2K, có thêm các biến thể chip Core i3 và i7. Ngoài ra máy cũng bán kèm bút ghi chú N-trig. Trong số những thay đổi trên, tỷ lệ màn hình 3:2 là một trong những tính năng được người dùng thích thú nhất.
Một năm sau khi bán ra Surface Pro 3, Microsoft lần đầu ghi nhận doanh thu Surface hàng quý đạt 1 tỷ USD.
Cũng vào tháng 10/2015, Microsoft tiếp tục ra mắt Surface Pro 4 với những nâng cấp nhẹ về màn hình, hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt Windows Hello, bộ nhớ PCIe nhanh hơn. Nhưng có lẽ điểm ăn tiền nhất trên Surface Pro 4 chính là phụ kiện Surface Type Cover với bàn di chuột lớn hơn và thiết kế phím trải rộng. Tôi coi đó là sự thay đổi đáng chú ý nhất vì nó đã giải quyết được một trong những vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất trên Surface Pro, đó là trải nghiệm đánh máy.
Sau đó tới năm 2017, Microsoft đã tạo ra một sự thay đổi vô cùng tích cực, đó là một chiếc Surface không sử dụng quạt bên trong.
Thật không may khi nó chưa thực sự hoàn hảo. Kể từ sau Surface Pro 4, Microsoft đã gặp phải hàng loạt vấn đề nghiêm trọng với loạt chip xử lý Intel Skylake, bao gồm hao pin nhanh và hệ điều hành Windows 10 còn nhiều bất cập. Theo trải nghiệm của nhiều người dùng, cả Surface Pro (2017) và Surface Pro 6 ra mắt vào năm 2018 đều gặp lỗi nhanh hết pin.
Tương lai của Surface Pro sẽ ra sao?
Surface Pro đã và đang trở thành một biểu tượng đại chúng của Microsoft. Nó nổi tiếng đến mức xuất hiện cả trong các bộ phim hoạt hình như American Dad và Pokémon. Một thiết kế đủ sức lan tỏa vào văn hóa nhạc pop, phim ảnh chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận rộng rãi của mọi người với Surface Pro.
Giờ đây thiết kế kết hợp giữa một chiếc máy tính bảng cỡ lớn và cover tích hợp bàn phím đã trở thành xu hướng chung. Nó có thể coi như là một hình thù, một dạng thể hiện khác của laptop mà trước đây chúng ta chưa bao giờ thấy. Nắm bắt được xu hướng mới này, các hãng sản xuất laptop lớn như Dell, Lenovo hay HP, Asus đều đã có cho mình một sản phẩm như vậy để cạnh tranh cùng Microsoft.
Tất nhiên Microsoft vẫn còn nhiều việc phải làm với Surface Pro và không chỉ dừng ở việc nâng thời lượng pin hay tăng tốc độ xử lý, hãng sẽ phải cố gắng đưa thêm những cái mới khác cho chiếc máy này.
Surface Neo là một trong những sản phẩm chiến lược của Microsoft nhằm định hình lại dòng Surface trong tương lai
Thêm vào đó, việc không ngừng tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ khác như Surface Pro X, Surface Neo (thiết bị gập hai màn hình) hay Surface Duo (điện thoại màn hình gập) sẽ là chìa khóa để Microsoft không bao giờ tụt hậu trước các đối thủ ngay cả khi bị vay mượn ý tưởng không thương tiếc.
Tham khảo WindowsCentral